Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại sứ Đan Mạch: VN phải cải cách thể chế hơn nữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại sứ Đan Mạch: VN phải cải cách thể chế hơn nữa

Tư Giang

Đại sứ Đan Mạch: VN phải cải cách thể chế hơn nữa
FTA Việt Nam – EU sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ phải cải cách thể chế kinh tế hơn nữa nếu muốn tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA Việt Nam – EU), theo đại sứ Đan Mạch John Nielsen.

“FTA Việt Nam – EU cũng tạo ra các thách thức. Đó là nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, tương thích với rào cản phi kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến lao động và mở cửa thị trường”, đại sứ cảnh báo tại hội thảo Hiệp định VN – EU: hàm ý đối với cải cách chính sách và thể chế do Đan Mạnh và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 25-7 tại Hà Nội.

Ông nói: “Những thách thức này đã bén rễ sâu vào trong các yếu kém về cơ cấu thể chế và chính sách của Việt Nam. Dù Chính phủ đã nỗ lực tiến hành cải cách thể chế vài năm gần đây, nhiều nỗ lực hơn nữa là cần thiết đáp ứng các yêu cầu của hiệp định thương mại, cả FTA Việt Nam – EU, và TPP”.

Đại sứ cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, FTA sẽ bổ sung 7-8% GDP vào tăng trưởng trung bình của Việt Nam, và xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 10% đến năm 2025.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, người dẫn hội thảo, đặt câu hỏi, các FTA mới sẽ tạo áp lực thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. Vậy những kênh nào có thể chuyển tải các cam kết quốc tế thành áp lực và yêu cầu cải cách trong nước?

Về điều này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương khẳng định, điều quan trọng hàng đầu là cam kết mở cửa thị trường.

“Hiệp định này không chỉ là áp lực, mà còn tạo điều kiện cần thiết để chúng ta tiến hành một số cải cách, mà nếu không có hiệp định thì rất khó cải cách”, ông Thái nói.

Ông Thái cho biết hiệp định này có một chương chuyên về cải cách doanh nghiệp nhà nước.

“EU có cách tiếp cận là có thể duy trì DNNN ở một số lĩnh vực như đảm bảo an sinh xã hội, nhưng các DNNN đó phải hoạt động minh bạch, và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân”, ông nói.

Ông Oliver Massmann, Thành viên Ban Điều hành Eurocham bổ sung thêm: “Để khai thác lợi ích từ hiệp định, Việt Nam phải tiến hành một loạt cải cách thể chế, đặc biệt cải các DNNN. Họ hoạt động kém hiệu quả mà tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn ung thư, và sức ép cải cách của Việt Nam là rất lớn”.

Ông khuyến nghị: “Tại sao các quốc gia khác thất bại? Đó là vì thể chế. Một xã hội muốn phát triển thịnh vượng, dân chủ phải dựa trên thể chế tốt. Do đó, cải cách khu vực DNNN phải là chìa khóa, là then chốt cho Việt Nam”.

Ông Massmann cho biết, năm 2013 EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam khi Việt Nam xuất khẩu trị giá 25 tỉ euro sang thị trường này.

EU cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào vào Việt Nam với 110 dự án năm 2013, EU đã cam kết hỗ trợ khoảng 400 triệu euro cho Việt Nam trong 6 năm tới.

Xem thêm:

Thời khắc cải cách thể chế đã đến?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới