Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại sứ EU: Việt Nam cần chuẩn bị để tận dụng tốt FTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại sứ EU: Việt Nam cần chuẩn bị để tận dụng tốt FTA

T.Thu

Đại sứ EU: Việt Nam cần chuẩn bị để tận dụng tốt FTA
Tân Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet tại họp báo hôm 30-10 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (FTA VN-EU) tạo cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên, nhưng để tận dụng được ngay và hiệu quả hiệp định này, Việt Nam cần chuẩn bị tốt các yếu tố như hạ tầng, an toàn vệ sinh thực phẩm,… theo tân Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet.

Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 30-10 tại TPHCM, ông Bruno Angelet cho rằng FTA VN-EU sẽ mang lại dòng thương mại, đầu tư cực kỳ lớn, nhưng để đạt được điều này cần có sự chuẩn bị thực thi các cam kết.

Theo ông Bruno Angelet, hiện châu Âu là nhà đầu tư lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tại Việt Nam, có nhiều công ty đến từ Singapore, Hồng Kông, nhưng thực chất họ là doanh nghiệp châu Âu, vì hai nơi này được doanh nghiệp châu Âu xem là cửa ngõ để đầu tư vào khu vực châu Á.

Nhiều công ty châu Âu có dự án đầu tư ở nước khác trong khu vực, nhưng đến một lúc nào đó họ muốn thay đổi điểm đến đầu tư và nhìn vào danh sách các quốc gia mà họ nhắm tới. Việt Nam luôn nằm trong danh sách này, nhưng có thể doanh nghiệp châu Âu chưa thể quyết định ngay về việc có vào Việt Nam hay không, vì họ vẫn thấy những nước khác có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Do đó, Việt Nam phải có hạ tầng tốt để thu hút những công ty châu Âu đang ở các nước khác trong khu vực chuyển sang Việt Nam.

Ưu thế cạnh tranh của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ, nhưng đó không phải là điều duy nhất mà Việt Nam có thể dựa vào để thu hút đầu tư vì nước khác cũng có thế mạnh riêng. Trong nhiều năm qua, lực lượng lao động từ nông thôn Việt Nam lên thành thị rất nhiều, nhưng họ vẫn chưa được đào tạo một cách căn bản, nên trong vài năm tới, Việt Nam phải đảm bảo lực lượng này được đào tạo căn bản.

Chính phủ Việt Nam cũng cần đảm bảo doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể phát triển tốt, được tiếp cận nguồn lực tài chính một cách công bằng.

Về nông nghiệp, theo vị tân đại sứ, dù khi FTA VN-EU hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, ngành chịu nhiều thách thức nhất vẫn là nông nghiệp. Hiện 20% GDP của Việt Nam đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh là xuất khẩu nông sản, nhưng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU với số lượng rất ít vì có chất lượng không tốt, và luôn đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm.

Ông Bruno Angelet cho rằng, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển tốt và đúng mực, họ sẽ được trang bị tốt để có thể đảm bảo sản phẩm nông sản xuất khẩu của họ đạt được quy chuẩn chất lượng khi vào thị trường châu Âu. Người nông dân cũng cần được chính quyền giúp đỡ, và được đào tạo để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản.

Ngoài ra, tại Việt Nam không có một cơ quan trung ương chịu trách nhiệm chính về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà  lại có nhiều bộ cùng đảm nhiệm việc này, nên chồng chéo. Ở châu Âu luôn có cơ quan chuyên trách để chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này.

Cũng theo vị này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có liên quan đến tài chính. Vì nông dân và doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực tài chính, họ luôn tìm cách để thu lại thật nhanh số tiền đầu tư, nên không quan tâm đến an toàn thực phẩm, cũng như chất lượng. Theo đó, người nông dân và doanh nghiệp nhỏ cần phải được tiếp cận tín dụng nhiều và nhanh hơn.

Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán FTA EU-VN, và hy vọng ký kết hiệp định trong năm nay. Việc phê chuẩn FTA VN-EU theo thông lệ phải mất một khoảng thời gian dài.

Ông Bruno Angelet cho biết ông hy vọng trong thời gian chờ đợi việc phê chuẩn này, những lãnh đạo mới của Việt Nam tới đây sẽ xây dựng được chính sách tốt để có những chuẩn bị nhằm có thể tận dụng được ngay cơ hội khi hiệp định có hiệu lực để có được sự phát triển mạnh mẽ nhất.

Vị này cho biết thêm, trong thời gian đợi FTA được phê chuẩn, EU sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt nhất trước khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ phải cung cấp cho EU danh sách cụ thể nội dung mà Việt Nam muốn được hỗ trợ.

Tân Đại sứ Bruno Angelet chính thức nhận nhiệm vụ mới tại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vào ngày 19-10 sau khi ông trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trước đó, Đại sứ Bruno Angelet từng có hai nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam (2011-2015: Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, và 1994 – 1998: Phó Đại sứ Bỉ).

Xem thêm:

Việt Nam và EU công bố kết thúc đàm phán FTA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới