Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đảm bảo vận hành chợ, siêu thị an toàn để không đứt gãy chuỗi cung ứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đảm bảo vận hành chợ, siêu thị an toàn để không đứt gãy chuỗi cung ứng

Vân Ly

(KTSG Online) – Qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương cho thấy tình trạng lây nhiễm Covid-19 qua hệ thống phân phối rất đáng báo động, là một trong những nguy cơ lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng. Chính phủ đã yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong các chuỗi cung ứng và đảm bảo vận hành chợ, siêu thị an toàn.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 5312/VPCP- KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các chuỗi cung ứng.

Đảm bảo vận hành chợ, siêu thị an toàn để không đứt gãy chuỗi cung ứng
Từ 14 giờ ngày 3-8, lực lượng chức năng Phường Phúc Xá (quận Long Biên, Hà Nội) lập rào chắn phong tỏa chợ đầu mối Long Biên đến khi có thông báo mới vì liên quan một tiểu thương mắc Covid-19. Ảnh: TTXVN

Công văn nêu rõ, trong mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong hệ thống phân phối tại TP. Hà Nội và một số địa phương, là nguy cơ rất lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng, nhất là ở những đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 2-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.

Trong một diễn biến khác, Hà Nội hiện có nhiều chợ đầu mối như Long Biên, Đền Lừ, Phùng Khoang, Minh Khai…, siêu thị, cửa hàng tiện ích của nhiều thương hiệu khác nhau phải tạm đóng cửa do có liên quan đến các ca bệnh Covid-19.

Trong đó có chùm ca bệnh với số lượng bệnh nhân lên đến 40 người (tính đến ngày 3-8) liên quan đến nhà phân phối thịt cho nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn và bệnh viện tại Hà Nội. Chùm ca bệnh này liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga (Hà Nội).

Việc phát hiện công ty phân phối Thanh Nga tham gia cung cấp thực phẩm cho nhiều siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội khiến nhiều người lo lắng thời gian tới hệ thống siêu thị sẽ không đủ thực phẩm tưới sống đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về vấn đề này, Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, Công ty thực phẩm Thanh Nga chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho hệ thống siêu thị BRG, Hapro. Việc Thanh Nga có ca dương tính với Covid-19 và tạm thời dừng hoạt động nên BRG đề nghị các nhà cung cấp như Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… tăng lượng thực phẩm cung ứng cho các siêu thị BRG, Hapro với giá không đổi. Đồng thời, BRG cũng đang tìm thêm các nhà cung cấp khác để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.

Tương tự, hệ thống siêu thị VinMart cũng khẳng định sau khi dừng nhận hàng từ Công ty thực phẩm Thanh Nga, VinMart đã làm việc với một số nhà cung cấp quy mô lớn bổ sung lượng thực phẩm tươi sống thiếu hụt qua đó đảm bảo không thiếu hàng.

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 – 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa được chuẩn bị sẵn khoảng 194.000 tỉ đồng nên không thể xảy ra hiện tượng khan hàng tăng giá đột biến.

Cũng trong ngày 3-8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kết luận số 31-KL/TU về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ gia đình, từng ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị… Cùng đó, huy động các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, đội tự quản, công an, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, thanh niên, sinh viên tình nguyện và người dân cùng vào cuộc tham gia giám sát; tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà không cần thiết theo đúng quy định.

Ban Thường vụ Thành ủy giao các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo thành lập các tổ liên ngành và các lực lượng chức năng của thành phố thực hiện kiểm tra ngay việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới