Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đám cưới quê… thời dịch vụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đám cưới quê… thời dịch vụ

Yên Thảo

Đám cưới quê... thời dịch vụ
Minh họa

(TBKTSG) – Nếu được mùa thì với một nhà có bốn công người làm, phải qua hai vụ lúa mới đủ tổ chức một cái đám cưới. Tết vừa rồi, một nông dân trẻ nói với tôi như vậy. Anh lo âu vì khả năng tự mình xoay trở kiếm tiền cưới vợ quả là một thử thách lớn.

Tôi hỏi: “Đám cưới ở quê có gì? Vì sao thời khốn khó, người quê vẫn lấy được nhau, còn bây giờ, cái nghèo đói bần hàn tạm lùi xa, nhà cửa đã khang trang hơn trước mà việc cưới hỏi lại trở nên quá sức người như vậy?”. Chàng thanh niên quê cười buồn trước sự ngơ ngác vì thiếu cập nhật tình hình của tôi: “Anh nói vậy chứ, đám cưới giờ khác xưa rồi”.

Nụ cười buồn tội nghiệp của anh nông dân trẻ kia cứ ám ảnh tôi cho đến lần về quê dự đám cưới một người bạn học cũ. Một đám cưới mà tôi được biết là “bình thường như bao đám cưới quê bây giờ”. Cái sự bình thường khiến tôi giật mình. Bởi tất cả những hình dung trước đó của tôi đã bị đánh bật khỏi trí óc trước một thực tế nhiều đổi thay và sống động, lấp lánh đáng ngờ.

Bây giờ, cùng với nhà cửa, tiện ích cuộc sống, những phong tục ở quê, trong đó có việc tổ chức các nghi thức cưới hỏi, đều có chiều hướng mô phỏng, phóng chiếu theo hình ảnh ở thành phố. Ai đi ngược lại hay giữ gìn nếp cũ thì bị coi là “hai lúa”. Người ta trốn thoát gốc gác “hai lúa” bằng mọi giá, đơn giản vì tâm lý coi những giá trị ở thôn quê hiện tại là lạc hậu, cũ kỹ. Đám cưới là một dịp để hiện thực hóa mơ ước thoát khỏi cái hiện tại lao khổ kia. Chủ, khách của đám cưới đều có thể là những ngôi sao lộng lẫy trong chốc lát.

Ở những đám cưới quê bây giờ, đàn bà không phải mất công lo chuyện nấu nướng tiệc tùng, đàn ông không phải lo cất lều dựng rạp bởi đã có dịch vụ cưới lo từ A tới Z, mọi thứ đảm bảo giống hệt thành phố. Ngoài những thủ tục cơ bản như rước dâu, đi họ, của lễ, lễ gia tiên hai họ… thì ngày cưới còn là ngày mà cô dâu chú rể xuất hiện như hai nhân vật chính rạng rỡ sân khấu. Vì vậy, tận cùng của cảm giác hạnh phúc (hay huyễn tưởng hạnh phúc) được xúc tác bởi những “màn sân khấu hóa” mà nhà dịch vụ bày biện ra (cho giống thành phố) như có người dẫn chương trình giống trên ti vi, khui rượu sâm banh, uống rượu chéo tay, mời rượu cha mẹ hai bên, cắt bánh cưới, bắn kim tuyến lấp lánh, thậm chí, nhà khá giả còn có cả màn… truyền hình trực tiếp từ buồng thay áo cô dâu đến ngoài cổng tiếp đón quan khách. Sân khấu giải trí là điều không thể thiếu trong một dịch vụ đám cưới ở quê.

Chi phí cho những thứ linh tinh lang tang màu mè hình thức kia có khi chiếm tới một nửa tổng chi phí đám cưới. Quan trọng là người ta thấy vui và thỏa mãn. “Không thua gì đám cưới ở nhà hàng Sài Gòn” là câu nói trầm trồ mãn nguyện thường gặp ở những đám cưới quê.

Và đáp ứng tâm lý thích mô phỏng đám cưới “ở nhà hàng Sài Gòn”, các kịch bản sân khấu hóa đám cưới có khi quan trọng, trang trọng hơn cả những nghi thức hôn nhân truyền thống. Cũng từ đó, tinh thần quan hệ khách – chủ xem ra cũng đã đổi khác. Vì tính chất tổ chức là dịch vụ, nên người đến chung vui cũng có trách nhiệm nhìn vào quy mô bàn tiệc, sân khấu để linh động trong số tiền mừng cưới. Trong một đời sống kinh tế còn bấp bênh khó khăn, thu nhập mùa vụ còn chưa ổn định thì việc đi dự những đám cưới sang trọng “đúng chuẩn thành phố” nơi làng quê, với nhiều người, là cả một nghĩa vụ miễn cưỡng, có qua có lại mới toại lòng nhau. (Bây giờ nhiều gia đình quê còn giữ cả những cuốn sổ ghi lại danh sách phong bì ma chay cưới hỏi người khác “đi” cho gia đình mình thế nào để sau này “đối tác” có mời thì đi trả lại đúng số tiền đó). Dần dần, nếp hành xử theo kiểu có trước có sau, xuất phát từ cái tình, sự chung vui, đã bị biến tướng đi một cách đáng tiếc.

Dĩ nhiên, những gì xuất phát từ dịch vụ thì sẽ kết thúc bởi quy luật nghiệt ngã của dịch vụ thị trường. Khi dàn nhạc vẫn còn đang “chơi tới bến”, các thôn nữ hôm qua đầu tắt mặt tối ngoài đồng, nay mặt chói phấn son, sexy trong những bộ váy núng nính đùi, ngực, khi đám thanh niên cách đó vài giờ còn lấm lem phân tro đang quay cuồng trong những vũ điệu tự chế, thì bỗng dưng cô dâu chú rể biến mất. Mọi người vẫn say, vẫn vui. Sự biến mất của họ không có gì là ngạc nhiên. Dường như ai cũng biết, họ đang đi đâu.

Cánh cửa được khép lại, ở một góc phòng, đôi tân lang tân nương lục đục khui thùng tiền mừng để kịp “quyết toán thu chi”. Mồ hôi của họ đẫm ướt trên mớ phong bì ngổn ngang. Cô dâu, khuôn mặt bợt phấn không giấu được vẻ âu lo ghi ghi chép chép, chú rể căng thẳng tính toán nào tiền album ảnh, quay phim, tiền bia bọt, tiền dàn nhạc… Lần lượt, từng món nữ trang trong của lễ được họ liệt kê ra để bù vào khoản tiền chi trả cho nhà tổ chức dịch vụ. Và có thể sau đó, nếu vẫn hao hụt, những mùa rẫy cam go, bấp bênh bắt đầu hiện lên trong đầu họ cùng mùi vị của mồ hôi, nước mắt.

Bên ngoài, tiếng nhạc vẫn xập xình. Có người bạn nào đó quá chén đang nhừa nhựa gào vào micro: “Chú rể cô dâu đâu? Mau mau ra đây nhảy cùng tụi tao…”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới