Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đám cưới quê thời nay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đám cưới quê thời nay

Nguyễn Mỹ Nữ

(TBKTSG) – Thường, đám cưới bắt đầu rộ từ khoảng đầu tháng Tám cho tới cuối tháng Chạp. Hồi trước đám cưới thị thành và đám cưới nhà quê rất khác nhau. Rồi cái anh hàng phố giàu và cái anh hàng phố nghèo tổ chức cưới xin cũng khác. Nông thôn cũng thế. Người có của khác người túng thiếu ở rất nhiều việc, vậy sao có thể là giống nhau ở cái việc đại sự là có vợ hoặc có chồng?

Nhưng hiện nay, tất cả các đám cưới bất kể sang, hèn, nông thôn hay thị thành, bất kể đãi đằng tại tư gia hay nhà hàng đều phải mướn cho được một “dàn đồ” (đó là cách gọi thông thường ở đây, một tỉnh của miền Trung).

Một dàn đồ thường có âm thanh, ban nhạc và người quản trò. Ban nhạc thì tùy giá tiền mà có nhiều hoặc ít nhạc cụ. Và ít gì đi nữa thì cũng có cho được một cây keyboard. Nhưng ngay cả cây đàn này, có hồi cũng là đàn thật mà người giả. Kêu người giả là sao? Là kiếm một người đừng có khờ khạo hoặc non nớt quá đứng ở phía sau đàn để làm chứng, mở điệu và hai tay đặt lên phím cho thiệt sành sỏi, thì dễ ai mà phát hiện. Bởi có mấy ai quan tâm đến âm thanh hay hoặc dở vì còn bao nhiêu là tiếng cười, nói, chúc tụng, kể cả những tiếng la “dô”, “dô”, “trăm phần trăm”… ồn ào lấn át. Đã nói là nhạc đám cưới mà. Cứ xập xình vui nhộn ào ào là xong.

Sở dĩ có chuyện “cười ra nước mắt” này cũng là do mấy ông thầy bói. Coi ngày gì đâu mà ác nghiệt dữ, trời! Một tháng có ba chục ngày rỉ rả giùm đi thì đâu nên nỗi. Đây, cứ dồn hết vô có mấy bữa mà đám nào cũng đòi có cho được dàn đồ, kể cả cưới hỏi ở nông thôn. Nhiều đám kêu, dàn đồ bắt buộc phải chẻ ra. Âm thanh chẻ còn tạm được vì không hay thì dở, chứ người chẻ sao đây? Thiếu nhạc công thì phải dùng người giả đánh đàn.

Còn thiếu quản trò thì phát sinh ra nhiều quản trò nói bậy. Trong khi đây lại là nhân vật nổi đình nổi đám nhất trong tiệc cưới. Nếu thống kê cho hết những câu, từ “bầy nhầy” của họ mà tôi đã lỡ ghi vô bộ nhớ trong vòng vài năm trở lại đây, sợ rằng cái đầu tôi sẽ…bể.

Vợ chồng tôi luôn có cảm giác bực bội, thậm chí là thấy xúc phạm khi là khách trong những tiệc cưới như vậy. Nếu là đám cưới ở nhà quê thì thêm cả nỗi buồn, sự tiếc nuối. Đâu rồi những đám cưới quê ngày trước? Với những nghi lễ, tiệc tùng mang đậm chất quê mà ấm áp nghĩa tình. Những đám cưới quê như vậy, giờ, bị coi là “quê”. Và người nhà quê chính gốc giờ sao mà sợ bị người ta nói là mình “quê” đến thế!!!

Có chiều, bỏ lại sau lưng một cái đám cưới nhà quê đầy chất phố xá, tôi tha thẩn đi bộ ra con sông gần đó, nghĩ đến cái đám cưới của cô bạn thân cách đây trên ba chục năm, cũng ngay tại đây mà ngậm ngùi. Ngày đó, đưa dâu bằng đò vì đường sá còn cách trở lắm. Rạp cưới được các chàng trai chòm xóm dựng rất nhanh với một cái cổng kết bằng lá dừa thật đẹp. Bà con về đủ cả trong bữa nhóm họ. Không khí rộn rã và ấm cúng. Các nghi lễ đều diễn ra giản đơn nhưng trang trọng và rất cảm động. Các món dọn trong tiệc cưới là thịt gà, vịt và một con heo nhà nuôi, không cầu kỳ hoa lá nhưng ngon lành, nóng sốt… Một cái đám cưới như vậy sao có thể quên và sao lại không được duy trì…?

Ám ảnh bởi đám cưới nên mỗi lần nhận được thiệp mời, vợ chồng tôi rất sợ. Sợ hơn nếu là đám cưới quê. Những đám cưới quê thời nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới