Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài qua năm sau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài qua năm sau

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài đến sang năm khi cả hai bên vẫn chưa dàn xếp được các bất đồng cốt lõi.

Bắc Kinh bày tỏ lập trường cứng rắn

Hôm 22-11, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ nhưng không ngại trả đũa khi cần thiết.

Ông nói: “Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận giai đoạn một dựa trên cơ sở tôn trọng và công bằng. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ chống trả nhưng chúng tôi đang tích cực làm việc để tránh chiến tranh thương mại. Chúng tôi không phát động cuộc chiến này và đây không phải là điều chúng tôi muốn”.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài qua năm sau
Phó Thủ tướng Lưu Hạc (trái), Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) tại cuộc gặp ở Washington hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn giữa Bắc Kinh và Washington đang rơi vào ngõ cụt.

Trong các cuộc trao đổi gần đây qua điện thoại, các nhà đàm phán Trung Quốc thúc ép phía Mỹ phải dỡ bỏ bớt thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, bao gồm vòng áp thuế vào ngày 15-12 tới cũng như các biện pháp áp thuế hiện hành. Đồng thời, họ cự tuyệt yêu cầu của Mỹ đòi Bắc Kinh phải đưa ra các cam kết mua đậu nành, thịt heo và các mặt hàng nông sản của Mỹ với số lượng và giá trị cụ thể theo từng tháng, từng quí. Ngoài ra, hai bên cũng đang tranh cãi về cách thức mà Bắc Kinh sẽ triển khai để bảo vệ tốt hơn tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và dừng cưỡng áp họ chuyển giao công nghệ.

Triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung  đang xấu đi khi căng thẳng giữa hai nước tiếp tục lan rộng ra ngoài các vấn đề kinh tế.

Đáng chú ý nhất là việc Quộc hội Mỹ vừa thông qua một dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, khiến Trung Quốc lên án và dọa trả đũa Mỹ vì cho rằng rằng động thái này can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Bằng cách thể hiện lập trường cứng rắn, Bắc Kinh dường như đang đặt cược rằng Tổng thống Donald Trump cần “ghi điểm” với cử tri Mỹ thông qua việc đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giữa lúc ông đang vướng vào cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện Mỹ và nỗ lực vận động tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Song khi theo đuổi lập trường như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ đối diện với rủi ro “già néo đứt dây” vì họ cũng đang muốn chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ để giải tỏa sức ép cho nền kinh tế vốn đang chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập niên qua.

Những tiếng nói chống Trung Quốc ở Washington cũng đang ngày mạnh mẽ hơn, khiến Tổng thống Trump khó mềm dẻo với Trung Quốc.

Hôm 20-11, ông chỉ trích Bắc Kinh vì kéo rê đàm phán khi nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng họ đang tăng tốc đàm phán lên đến mức mà tôi muốn”.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói rằng ông “lạc quan thận trọng” về triển vọng thỏa thuận giai đoạn một. Ông xho biết ông “bối rối” trước các yêu cầu của Mỹ nhưng vẫn tin tưởng hai bên rót cục sẽ đạt được thỏa thuận.

Mỹ sẽ tiến hành vòng áp thuế tiếp theo với Trung Quốc?

Các chuyên gia nhận định đàm phán thỏa thuận giai đoạn một Mỹ-Trung có thể kéo dài qua năm sau.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng thỏa thuận này có thể mất 5 năm tuần đàm phán mới có thể ký kết.

Song 5 tuần đã trôi qua nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn chưa dàn xếp xong các điều khoản của thỏa thuận.
Một số chuyên gia thương mại đang chú đến mốc 15-12, ngày mà vòng áp thuế mới của Mỹ nhằm vào 156 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, bao gồm sản phẩm tiêu dùng, sẽ có hiệu lực.

“Nếu đàm phán thực sự suôn sẻ, vòng áp thuế này sẽ được hoãn lại, bằng không, Mỹ sẽ thực hiện nó và đẩy cuộc đàm phán kéo dài qua năm sau”, Christian Whiton, học giả nghiên cứu thương mại ở Trung tâm Lợi ích quốc gia (CNI) ở Washington, nói.

Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, cũng cho rằng đến thời điểm 15-12, Mỹ và Trung Quốc có thể vẫn chưa dàn xếp xong thỏa thuận giai đoạn một.

Trong khi đó, Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Trao đổi Kinh tế quốc tế Trung Quốc, xem vấn đề Hồng Kông là một yếu tố có thể cản trở đàm phán.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường ở Công ty môi giới ngoại hối at Oanda, nói: “Thời điểm để ký kết thỏa thuận giai đoạn một vẫn chưa rõ và các thị trường bắt đầu lo ngại đàm phán Mỹ-Trung sẽ lại sụp đổ như đầu tháng 5”.

Viết trên Twitter hôm 20-11, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), cho hay: “Ít người Trung Quốc tin rằng Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận sớm… Trung Quốc muốn thỏa thuận nhưng sẵn sàng cho viển cảnh xấu nhất: một cuộc chiến thương mại kéo dài”.

Tờ Wall Street Journal hôm 21-11 đưa tin trong cuộc điện đàm vào cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, đã mời Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Bắc Kinh để đàm phán giải quyết các vấn đề mà hai bên đang còn bất đồng. Các nguồn tin cho biết ông Lighthizer  và ông Mnuchin tỏ ý họ sẵn sàng gặp mặt trực tiếp với các nhà đàm phán Trung Quốc nhưng họ chưa quyết định đến Bắc Kinh trừ phi Trung Quốc khẳng định rõ rằng nước này sẽ đưa ra các cam kết về bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ và tăng mua nông sản Mỹ.

Các nhà đàm phán Trung Quốc muốn cuộc gặp trực tiếp với các đồng nghiệp Mỹ diễn ra trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào thứ Năm tuần sau (ngày 28-11) nhưng phía Mỹ chưa hứa điều này.

Theo Reuters, Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới