Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dân đỡ khổ, chính quyền cũng khỏe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dân đỡ khổ, chính quyền cũng khỏe

Hồ Hùng

Người dân làm thủ tục đất đai tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Dân đã không còn phải chịu cảnh đi lại nhiều lần và chầu chực tốn kém để làm thủ tục đất đai. Đó là kết quả đáng ghi nhận sau khi hai xã Nhơn Nghĩa và Giai Xuân (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) thí điểm thực hiện mô hình dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai từ đầu tháng 2-2009 đến nay.

Lợi cả đôi đường

Nhà cách UBND xã Nhơn Nghĩa gần 20 ki lô mét, nhưng cứ đầu giờ làm việc buổi sáng là anh Lê Hoàng Anh, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phong Điền, đã có mặt tại trụ sở xã. Từ đầu tháng 2-2009 đến nay, dù vẫn mang danh nghĩa cán bộ huyện, ăn lương “cứng” của huyện nhưng anh Hoàng Anh lại làm việc tại UBND xã Nhơn Nghĩa. Công việc hàng ngày của anh là nhận khoán làm hồ sơ đất đai cho dân.

Từ thủ tục chuyển nhượng, điều chỉnh giấy tờ đất, đăng ký mới… anh đều nhận hết. “Nếu nói là “cò” thủ tục cũng đúng! Nhưng “cò” ở đây danh chính ngôn thuận hẳn hoi, nhận tiền phần trăm theo quy định”, ông Lê Hoàng Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, nói.

Trước khi về xã, công việc của anh Hoàng Anh đã được “quảng cáo” trên đài truyền thanh của xã. Đại khái, từ đầu tháng 2-2009, người dân muốn khoán gọn mọi thủ tục về đất đai thì cứ đến gặp anh Hoàng Anh. Còn ai không muốn mất tiền, thì tự mang hồ sơ đi gặp cán bộ địa chính… đăng ký như trước đây. “Làm vậy, cũng là để người dân có quyền lựa chọn”, ông Dũng nói.

Ông Bùi Quốc Trạng, nông dân ấp Nhơn Hưng A, xã Nhơn Nghĩa, đã nhờ anh Hoàng Anh làm giúp thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng ba công đất ruộng thành đất vườn, chỉ trong vòng 11 ngày, tính cả ngày nghỉ. “Anh Hoàng Anh hướng dẫn tôi nộp đủ mọi thủ tục. Sau đó, chỉ việc căn cứ ngày ghi trên giấy hẹn là đến UBND xã nhận giấy tờ làm xong”, ông Trạng nói.

“Khi nhận hồ sơ của dân, tôi lập hợp đồng dịch vụ đất đai và hai bên cùng ký thỏa thuận, giao nhận tiền. Tôi sẽ đảm nhiệm làm mọi thủ tục từ nộp hồ sơ cho các cơ quan huyện, nộp các khoản thuế nếu có. Khi phát sinh đo đạc thực tế, tôi cũng phải đảm nhận luôn mà không thu phí. Chậm nhất là trong vòng 15 ngày làm việc, người dân sẽ nhận lại giấy tờ hoàn chỉnh và tiền thừa sau khi nộp thuế, với phí chỉ 120.000 đồng”, anh Hoàng Anh cho biết. Như vậy, người dân chỉ phải đến UBND xã hai lần để hoàn tất mọi thủ tục đất đai, một lần để nộp hồ sơ và một lần để nhận lại giấy tờ.

Theo Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ, Nhơn Nghĩa và Giai Xuân là hai xã đầu tiên thí điểm thực hiện mô hình dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện sẽ cử cán bộ trực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của dân tại xã. Chỉ qua tháng đầu tiên thực hiện, 47 hồ sơ đã được giải quyết, đúng hẹn 100%.

Ở xã Nhơn Nghĩa, tháng đầu tiên anh Hoàng Anh đã hoàn thành 24 hồ sơ, tháng thứ hai là 43 hồ sơ. Còn ở xã Giai Xuân, theo ông Huỳnh Dương Quan, Chủ tịch UBND xã, bình quân mỗi tháng cán bộ giải quyết khoảng 20 hồ sơ. “Nhanh thì năm ngày làm việc là người dân nhận được kết quả”, ông Quan nói.

“Theo quy định, khi về xã, tôi phải giảm lương “cứng” từ 1 triệu đồng/tháng xuống còn 650.000 đồng/tháng. Nhưng bù lại, thu nhập của tôi sẽ cộng thêm các khoản phần trăm khi làm hồ sơ cho người dân”, anh Hoàng Anh cho biết. Theo quy định, cán bộ dịch vụ được nhận 52% trên số phí 120.000 đồng/hồ sơ.

“Nhưng bước đầu, ở huyện sợ lượng hồ sơ không ổn định, tháng nhiều, tháng ít nên linh động bằng cách chỉ chi cho tôi 30%, số còn lại huyện giữ hộ để tháng nào ít hồ sơ thì chi ra, đảm bảo ổn định thu nhập”, anh kể. Tháng đầu tiên, tổng thu nhập của anh là 1,2 triệu đồng. Còn tháng vừa rồi, cộng hết các khoản, anh “bỏ túi” gần 2 triệu đồng, gấp đôi thu nhập trước đây. Như vậy, nếu có uy tín, khách hàng nhiều thì thu nhập của anh càng nhiều! Quyền lợi cả hai bên cũng được đảm bảo, dân đỡ phiền còn cán bộ thì có thêm thu nhập.

Hoàn chỉnh dần, dân đỡ khổ

“Lâu nay, dân sợ nhất là đi làm thủ tục đất đai!”, ông Quan thừa nhận. Ông kể, từ xã Giai Xuân lên huyện khoảng 10 ki lô mét và tiền xe Honda ôm mỗi chặng khoảng 20.000 đồng. “Nhưng dân không rành thủ tục, ra xã, rồi lên huyện cứ đi lòng vòng, hoặc được hướng dẫn thủ tục rồi về nhà lại quên, phải ra hỏi lại. Có người, tốn mấy trăm ngàn đồng đi lại mà hồ sơ vẫn chưa xong”, ông nói.

Nhơn Nghĩa, Giai Xuân là hai xã có tỷ lệ biến động đất đai khá lớn, do tốc độ đô thị hóa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, do quá trình đo đạc, cấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây còn hời hợt nên tỷ lệ sai sót cũng khá nhiều. Hộ thì có giấy đúng thửa đất nhưng sai tên, hộ thì có giấy đúng tên nhưng thửa đất trên giấy thực tế là… của người khác! Như ở xã Nhơn Nghĩa, có ấp tỷ lệ sai sót lên tới 40%. Do vậy, nhu cầu về thủ tục đất đai của người dân là rất cao.

Theo ông Dũng, thủ tục mà nhiều người ngán ngại nhất là chỉnh lý thửa đất. Đôi khi, do sai sót dính đến đất của người khác, nên phải thương lượng, nhờ họ cho mượn giấy để cùng sửa, rồi chạy vạy, chờ chực nhờ cán bộ đo vẽ lại. “Bây giờ có cán bộ dịch vụ đảm nhận hết! Người này đại diện chính quyền để thương lượng giữa hai bên, rồi trực tiếp đi đo vẽ, chỉnh sửa lại giấy tờ”, ông nói.

Những người được chọn đưa xuống xã đều có 2-3 năm kinh nghiệm làm việc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện nên rành hết thủ tục và khỏi phải chỉnh sửa tới lui, lại là người Nhà nước đích thân đi làm, nhanh là phải! Nếu đất của dân dính tới lộ giới… mà chưa chỉnh sửa, cán bộ dịch vụ cũng sẽ làm thay để người dân khỏi phải điều chỉnh lại sau này. Theo Sở Nội vụ Cần Thơ, sắp tới mô hình này sẽ triển khai thêm ở hai xã và đến cuối năm 2009, 100% số xã ở huyện Phong Điền sẽ có dịch vụ này.

Tuy nhiên, như chính anh Hoàng Anh thừa nhận, do mới thí điểm nên anh buộc phải từ chối một số hồ sơ hơi “rắc rối”, sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi bước đầu lượng khách hàng chưa nhiều, nếu nhận những hồ sơ mất quá nhiều thời gian thực hiện thì thu nhập hàng tháng của cán bộ dịch vụ quá thấp. “Đây là điều mà chúng tôi phải cải thiện. Cán bộ dịch vụ buộc phải nhận tất cả mọi hồ sơ để tiện cho dân”, ông Dũng khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới