Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dân đổ xô mua gạo, cơ quan quản lý giật mình 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dân đổ xô mua gạo, cơ quan quản lý giật mình 

Cảnh mua gạo đông đúc hiếm thấy vào 12 giờ trưa ngày 27-4 tại một sạp gạo ở chợ Gò Vấp – Ảnh: Hồng Văn

>> Xem thêm hình ảnh “Chen nhau mua gạo”

(TBKTSG Online) – Đã xảy ra cảnh ồ ạt, chen nhau mua gạo tại một số khu vực trong TPHCM vào sáng Chủ nhật, ngày 27-4-2008.

Trong khi đó, các quan chức ngành thương mại, nông nghiệp cho rằng, cơn sốt giá gạo đang diễn ra là do tâm lý của người tiêu dùng và do người kinh doanh gạo ém hàng để đầu cơ. 

Sốt gạo hay chỉ sốt giá? 

Sáng Chủ nhật (27-4), khu vực 5 đại lý kinh doanh gạo trên đường Nguyễn Văn Nghi ở chợ Gò Vấp đã diễn ra khung cảnh khác thường, rất nhiều người tập trung chen lấn để mua gạo. Một chủ sạp gạo nói rằng, đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua bà mới thấy cảnh tranh nhau mua gạo, thậm chí họ không mấy quan tâm đến giá cả mà chỉ muốn mua cho được gạo.

Người viết bài này mua 10 kg gạo thơm giống của Thái Lan nhưng trồng ở ĐBSCL, bất ngờ khi thấy treo bảng giá 12.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cách nay 2 tuần và tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái, tức chỉ cách nay có 4 tháng.  

Một người đang chờ đong gạo, cho biết hôm nay chị sẽ mua 20 kg thay vì mọi khi vẫn chỉ mua mỗi lần 10 kg vì nhà chỉ có 4 miệng ăn. “Đọc báo, xem truyền hình thấy ở nước ngoài người dân phải xếp hàng mua gạo, thậm chí bán gạo theo định mức, nên mua về nhà dự phòng cho cả tháng”, chị nói.  

Cứ ngỡ cảnh chen lấn mua gạo xảy ra lúc đầu buổi sáng sẽ nhanh chóng chấm dứt, nhưng mãi đến trưa lượng người mua gạo vẫn còn đông đúc tại các đại lý gạo ở chợ Gò Vấp, trong khi bình thường thì vào giấc trưa, các sạp gạo ở chợ này luôn vắng tanh. 

Tại chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh, một người tiêu dùng cho biết mới vào chợ thấy giá gạo khác hôm qua, vào chợ một lúc trở ra cửa hàng gạo lại thấy giá thay đổi, tăng 1.000-2.000 đồng/kg mà hỏi thì các chủ cửa hàng trả lời giống nhau: “thiếu gạo, hết gạo”.

Ở phường Tân Quy (quận 7), tại nhiều đại lý gạo ngay từ đầu buổi sáng đã đông người chen lấn mua gạo và kéo dài đến tận trưa. Cảnh chen nhau mua gạo cũng diễn ra đồng loạt ở nhiều chợ khác trong thành phố, tạo cơ hội cho một số đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo tăng giá bán. 

Thông thường, tại các chợ ở TPHCM, loại gạo có giá cao và nhiều người mua là các loại gạo ngon, gạo thơm dẻo thì nay gạo thường hạng bình dân cũng bị khan hiếm và chen nhau mua.  

Ngay cả trong các siêu thị như Citimart, siêu thị Hà Nội, Saigon Co.op, cảnh chen lấn mua gạo cũng đã xảy ra. Do nguồn cung cấp gạo hạn chế và các nhà cung cấp đòi tăng giá, nên hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op từ tối 26-4 đã treo bảng chỉ bán 10 kg gạo cho mỗi người một lần mua.  

Chính những dòng thông báo như vậy lại càng thổi phồng sự lo lắng của người tiêu dùng về việc thiếu gạo, và càng khiến mọi người đổ xô mua gạo về trữ. 

Ngay tại vựa lúa ĐBSCL tình hình khan hiếm gạo vẫn diễn ra, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh gạo, siêu thị không chỉ tăng giá bán, mà còn ngưng bán gạo, thậm chí treo bảng bán theo định mức 10 kg gạo cho mỗi người, trông không khác gì cuộc khủng hoảng lương thực ở một số nước mà người tiêu dùng Việt Nam nhìn thấy trên các chương trình thời sự quốc tế.  

Thị trường gạo trong nước bị bỏ ngỏ  

Báo chí sáng nay đăng thông tin và hình ảnh khủng hoảng gạo ở nhiều nơi trong nước, thậm chí là ngay tại các tỉnh sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. 

Sóc Trăng là tỉnh sản xuất lúa gạo lớn ở ĐBSCL, hàng năm xuất khẩu cả triệu tấn gạo, vậy mà hôm 26-4, chính quyền tỉnh này đã ban bố khẩn cấp biện pháp bình ổn giá gạo trên thị trường tỉnh. 

Trưa Chủ Nhật (27-4), một cán bộ ở Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỏ ra rất bất ngờ khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online điện thoại cho biết tình hình người dân chen nhau mua gạo đang xảy ra.

Vị cán bộ nói trên cho biết, sản lượng lúa đông xuân của ĐBSCL năm nay dự tính đạt 9,9 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn so với vụ đông xuân trước, cùng với chính sách hạn chế xuất khẩu gạo cho tới hết tháng 6 năm nay. Vì thế, ông quả quyết rằng không thể có chuyện thiếu gạo ở Việt Nam. Theo ông, có khả năng các nông hộ sản xuất lúa lớn, các thương lái mua lúa gạo thấy thông tin khủng hoảng gạo trên thế giới nên đã găm hàng, tạo ra cơn sốt khan hiếm lúa gạo, còn người tiêu dùng cũng bị tác động tâm lý thiếu gạo và kích giá của giới đầu cơ.  

Còn ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và là Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam – doanh nghiệp xuất khẩu gạo chiếm 60% lượng gạo xuất khẩu cả nước và có các công ty kinh doanh gạo chân rết ở hầu khắp các tỉnh phía nam – thì cho rằng cơn sốt gạo mấy ngày qua là do nạn đầu cơ. Ông Phong nói, nhiều doanh nghiệp không kinh doanh gạo, thậm chí là nhà đầu tư chứng khoán, nay thấy khủng hoảng gạo trên thế giới nên nhảy vào đầu cơ kinh doanh gạo.  

Việc đầu cơ gạo và quá nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng nhảy vào kinh doanh gạo là có thật. Hai tháng qua, quản lý thị trường các tỉnh ĐBSCL cho biết là họ đã kiểm tra và phát hiện nhiều doanh nghiệp ở các nơi khác, không có chức năng kinh doanh gạo nhưng lại tham gia tranh mua gạo đẩy giá lên ở ĐBSCL. Kể cả một số tàu vận chuyển nội địa mua gạo số lượng lớn chở ra các tỉnh phía bắc mà không loại trừ xuất khẩu lậu sang bên kia biên giới.  

Một công ty kinh doanh gạo ở Long An, cho rằng khủng hoảng gạo trong mấy ngày qua là do các cơ quan quản lý chủ quan với thị trường gạo trong nước.  

“Tâm lý mình là nước sản xuất lúa gạo lớn, xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới nên chẳng mấy ai quan tâm tới hạt gạo trong nước, mà chỉ chú trọng tới xuất khẩu. Do thị trường gạo trong nước gần như bỏ ngỏ, một khi giới đầu cơ lao vào cuộc thì khủng hoảng xảy ra”, ông nói.  

Một quan chức cấp vụ của Bộ Công Thương thừa nhận có sự chủ quan này và cho biết, lâu nay chính cả Bộ Công Thương, nếu có quan tâm tới giá gạo trong nước là chỉ để so sánh với giá gạo xuất khẩu lời lỗ ra sao hay an ninh lương thực quốc gia được tính toán trên lý thuyết chứ chẳng mấy khi nghiên cứu xem thị trường gạo trong nước tác động thế nào tới thị trường nội địa.  

Ông nói, trước năm 1989, khi chưa có “khoán 10” cởi trói cho nông nghiệp, thị trường gạo được quản lý chặt chẽ nhưng sau “khoán 10”, Việt Nam bất ngờ trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn và gạo trong nước thừa mứa nên từ đó tới nay, chẳng ai và cũng chẳng cơ quan nào quan tâm đến các sạp gạo ở chợ.

Ngay cả quản lý thị trường, trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát của mình, hiếm thấy khi nào đề cập tới kiểm tra tình hình thị trường gạo trong nước.  

Hồi giữa tháng 4, Sở Thương mại TPHCM và Công ty Lương thực TPHCM có phương án đệ trình thành phố cho dự trữ 15.000 tấn gạo/tháng, tức 25% nhu cầu tiêu thụ gạo của thành phố, trước tình cảnh có thể bùng nổ khủng hoảng gạo. Lúc đó, nhiều cơ quan có liên quan đã “chọc quê” phương án này khi cho rằng Việt Nam là xứ lúa lại đi dự trữ gạo, khác nào “chở củi về rừng”.  

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới