Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đan Mạch giúp Việt Nam phát triển phần mềm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đan Mạch giúp Việt Nam phát triển phần mềm

Đại sứ Đan Mạch (trái) và ông Trương gia Bình, Chủ tịch VINASA đang kí kết hiệp định tài trợ dự án – Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Chính phủ Đan Mạch vừa chính thức hỗ trợ cho Việt Nam 4,8 triệu cua-ron Đan Mạch (tương đương gần 1 triệu đô la Mỹ) để phát triển ngành phần mềm.

Ngày 14-5, tại trụ sở của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Đại sứ quán Đan Mạch và Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) đã ký kết hiệp định tài trợ và công bố dự án “Tăng cường năng lực cho VINASA”, nhằm mục đích hỗ trợ cho hiệp hội này và ngành phần mềm Việt Nam. Đây là dự án ODA viện trợ kỹ thuật của Đan Mạch dành cho VINASA có tổng giá trị 4,8 triệu cua-ron Đan Mạch.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển VINASA thành một hiệp hội doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam và qua đó tạo cơ sở để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh của ngành phần mềm quốc tế. Đối tác triển khai dự án phía nước ngoài là Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI) và Hiệp hội Công nghệ Thông tin, Viễn thông, Điện tử và Truyền thông Đan Mạch (ITEK).

Dự án này được thực hiện trong thời gian ba năm 2008 – 2011.

Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư kí VINASA cho biết, ngành phần mềm Việt Nam những năm qua luôn giữ được mức tăng trưởng cao, trên 30%/năm, đồng thời được đánh giá là có tiềm năng phát triển tốt. Năm 2007, doanh thu công nghiệp phần mềm Việt Nam đạt 498 triệu đô la Mỹ và cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ để chiếm vị trí là đối tác được mong muốn hợp tác số một của các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản (theo khảo sát của Hiệp hội Công nghệ Thông tin (CNTT) Nhật Bản – JISA).

Theo ông Công, thách thức và cũng là cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của ngành phần mềm nước ta là nguồn nhân lực. Ngành phần mềm thế giới đang thiếu hụt 1,5 triệu nhân lực, con số này đến năm 2010 sẽ là ba triệu và đến năm 2020 là 10 triệu.

Sự thiếu hụt toàn cầu này buộc các doanh nghiệp CNTT ở các nước phát triển phải tìm kiếm nguồn bù đắp từ các nước đang phát triển và đẩy mạnh hoạt động outsourcing (thuê gia công bên ngoài). Nếu các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được tổ chức tốt, có nhân lực dồi dào thì sẽ có cơ hội lớn để xây dựng các quan hệ hợp tác kinh doanh quốc tế trên cơ sở khai thác nguồn nhân lực phần mềm Việt Nam. 

VÂN OANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới