Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dân Mỹ có thể đối mặt án phạt hình sự nếu… không mang khẩu trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dân Mỹ có thể đối mặt án phạt hình sự nếu… không mang khẩu trang

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa ban hành lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi di chuyển trên tất cả mọi phương tiện giao thông công cộng giữa lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh, khiến hàng ngàn người dân Mỹ tử vong mỗi ngày.

Dân Mỹ có thể đối mặt án phạt hình sự nếu... không mang khẩu trang
Bắt đầu từ ngày 1-2, Mỹ bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng bao gồm tàu điện ngầm. Ảnh: NY Times

Buộc mang khẩu trang khi đi máy bay, tàu thuyền, taxi…

Lệnh của CDC, được ban hành vào cuối ngày 29-1 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-2, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi trên máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt, taxi và xe dùng chung và khi đến các sân bay, trạm dừng xe buýt, bến phà, nhà ga tàu hỏa, tàu điện ngầm, cảng biển. CDC cho phép người dân sử dụng khẩu trang do các công ty sản xuất lẫn tự may ở nhà nhưng phải có ít nhất hai lớp vải.

Quy định này dành ra một số trường hợp ngoại lệ đối với trẻ em dưới hai tuổi và những người mắc một số bệnh lý nhất định. Những người đi xe riêng của mình và những tài xế xe tải thương mại cũng không bị bắt buộc đeo khẩu trang.

Tháng 9 năm ngoái, CDC đã soạn thảo bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông cộng và nhưng chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã phản đối dự thảo này. Do vậy, CDC chỉ đưa ra khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông cộng để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan.

Trước đó, vào ngày 21-1, Tổng thống Joe Biden đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang ngay lập tức hành động để bắt buộc đeo khẩu khẩu ở sân bay, trên máy bay, tàu thuyền, xe buýt nội đô và các phương tiện giao thông khác. Một sắc lệnh khác của ông Biden cũng yêu cầu đeo khẩ trang ở tất cả các tòa nhà và lãnh địa của liên bang.

Marty Cetron, Giám đốc bộ phận kiểm dịch và di trú toàn cầu của CDC, nói: “Yêu cầu đeo khẩu trang trên các hệ thống giao thông sẽ bảo vệ người dân Mỹ và giúp mang lại sự tự tin rằng chúng ta có thể đi lại an toàn ngay cả trong đại dịch này”.

Đối mặt án phạt hình sự nếu không chấp hành

Hầu hết các hãng hàng không và các dịch vụ vận chuyển hành khách ở Mỹ đều đã yêu cầu hành khách mang khẩu trang nhưng điều này không mang tính ràng buộc pháp lý. Quy định mới của CDC xem việc không chấp hành mang khẩu trang trên các phương tiện giao thông cộng cộng là hành vi vi phạm luật liên bang, vì vậy, các tiếp viên hàng không, nhân viên của tàu điện ngầm… sẽ dễ dàng yêu cầu hành khách thực thi hơn.

Trong tháng này, một hiệp hội hàng không cho biết các hãng hàng không Mỹ đã cấm bay đối với hàng ngàn hành khách trong tương lai vì không tuân thủ chính sách mang khẩu trang trên máy bay.

CDC cho biết bắt đầu từ ngày 1-2 những người không mang khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng có thể đối mặt với án phạt hình sự.

Tuy nhiên, CDC cho biết chủ yếu chỉ xử phạt dân sự nếu cần thiết. Lệnh của CDC sẽ được thực thi bởi Cục lý An ninh vận tải Mỹ và các cơ quan khác của chính quyền liên bang, bang và địa phương.

Lệnh của CDC cũng cho hay các hãng hàng không và các dịch vụ vận chuyển công cộng khác có thể bắt buộc hành khách phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép lên máy bay và các phương tiện đi lại công cộng khác.

Trong tuần qua, CDC cho biết đang cân nhắc quy định bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với các hành khách đi máy bay trong nước sau khi áp dụng quy định này đối với hầu hết du khách quốc tế muốn nhập cảnh vào Mỹ bắt đầu từ ngày 26-1.

Lo ngại tốc độ lây lan của các biến chủng virus SARS-CoV-2

Theo dữ liệu từ trang worldometers.info, tính đến ngày 29-1, Mỹ có tổng cộng hơn 26,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó, 447.459 ca đã tử vong. Các chuyên gia y tế đang lo ngại tốc độ lây lan quá nhanh của các virus SARS-CoV-2 chủng mới từ Anh và Nam Phi sẽ khiến đại dịch Covid-19 còn hoành hành dữ dội ở Mỹ trong nhiều tháng tới dù nguồn cung vaccine Covid-19 cho người dân đang tăng lên. Cho đến nay, Mỹ đã phát hiện hơn 400 ca nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh ở 33 bang.

Các chuyên gia y tế lo sợ các biến chủng mới có thể lây lan nhanh hơn so với tốc độ tiêm vaccine Covid-19. Đó là chưa kể hiệu quả ngăn ngừa các biến chủng này của các vaccine Covid-19 hiện nay chỉ ở mức hạn chế.

Tại cuộc họp báo hôm 29-1, Giám đốc CDC, Rochelle Walensky yêu cầu xem mọi ca nhiễm Covid-19 như thể là nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2. Ông nói rằng nếu chờ đến lúc có kết quả giải trình tự chuỗi gen để xác định có phải là nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 hay không thì cơ hội để kiểm soát các ca nhiễm này và truy vết tiếp xúc đã trôi qua.

Hôm 29-1, hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ) thông báo dữ liệu từ cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Mỹ và 7 nước khác cho thấy vaccine Covid-19 của hãng này đạt hiệu quả ngăn ngừa các ca nhiễm có các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng ở mức 66%.

Dù thấp hơn mức hiệu quả trên 94% của hai vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer-BioNTech, vaccine của Johnson & Johnson, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép sử dụng trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vì chỉ cần một liều tiêm duy nhất thay vì hai liều như các loại vaccine ngừa Covid-19 khác.


Theo Reuters, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới