Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dấn quá sâu vào nỗi lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dấn quá sâu vào nỗi lo

Minh Lê

(TBKTSG) – Nhiều tác giả đã nhắc tới “virus sợ hãi” khi phân tích tâm lý và hành vi tiêu dùng mùa dịch Covid-19. Nếu không kiểm soát được virus này, những mối nguy còn lớn hơn dịch bệnh có thể phá hủy cá nhân và xã hội trước nhất.

Du lịch thiệt hại 7 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid-19

Covid-19 kéo tăng trưởng bán lẻ xuống thấp nhất trong 7 năm

Mấy ngày nay, các trang tin đưa hình ảnh người châu Á xấu xí khi vơ vét hàng tại các siêu thị. Trong đó, nằm ngoài nhóm thực phẩm, giấy vệ sinh bỗng nhiên thành mặt hàng “nóng bỏng tay”.

Tại siêu thị, các quầy kệ trống trơn vì mặt hàng này bày ra tới đâu khách gom tới đấy. Quầy hàng trống càng làm cho người tới sau lo lắng, đến lượt họ lại canh để gom nhiều hơn nữa. Cao điểm là chuyện cảnh sát phải ra tay dẹp một nhóm cướp giấy vệ sinh ở Hồng Kông. Sau đó, cảnh sát phải đứng canh giữ các thùng giấy vệ sinh bên ngoài siêu thị.

Chuyện gom mặt hàng giấy vệ sinh xứ người có vẻ giống cảnh hàng ngàn người chen chúc ở chợ thuốc sỉ của Hà Nội và TPHCM để mua khẩu trang. Họ quên mất đây là mùa dịch mà ngành y tế đã khuyên rằng cần tránh nơi đông người. Rõ ràng, người ta hy vọng mang nỗi an tâm (chiếc khẩu trang) về nhà mà quên mất mình đang lao vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh. Cuộc chen lấn càng trở nên mất an toàn khi hai phụ nữ ở TPHCM xông vào đánh nhau tơi tả.

Chuyện chen lấn, giành lượt, đánh nhau để mua khẩu trang, giấy vệ sinh không chỉ bày ra nhiều hành vi xấu xí mà còn là ngòi châm nỗi lo lắng, khiến cho tâm lý tiêu cực lan nhanh. Người Hồng Kông không tin lời trấn an của chính quyền rằng giấy vệ sinh hay các mặt hàng nhu yếu phẩm khác vẫn được bảo đảm nguồn cung. Người Việt mình không tin rồi các dây chuyền sản xuất sẽ cho ra thị trường đủ khẩu trang khi họ dự đoán nguồn nguyên liệu khẩu trang từ Trung Quốc không còn.

Họ cũng không tin cả việc có thể dùng khẩu trang vải giặt sạch hay khẩu trang giấy để chắn tia nước bọt bắn ra từ người đối diện, dù chuyên gia y tế nói thế. Phải là khẩu trang y tế, phải là thứ đoàn người rồng rắn tranh mua, và phải chen thắng trong cuộc mua kỳ quái này, họ mới yên tâm.

Có thể suy diễn rằng: bạn nên đi mua khẩu trang cho gia đình nếu thấy cần, nhưng đừng quá vống lên là nếu không có cái khẩu trang trong tay, ta sẽ tiêu tùng; hay không mua được giấy vệ sinh chất đầy nhà, ta sẽ quay lại thời thổ tả…

Nỗi lo sợ trong bản năng sinh tồn đã lấn át các khả năng nhìn nhận, suy xét. Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) dẫn một nghiên cứu cho thấy nhiều người có xu hướng phản ứng thái quá trước các nguy cơ dịch bệnh, khủng bố, ngay cả khi bản thân họ không có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi lại lơ là trước các mối đe dọa có thể nguy hiểm hơn.

Hiệp hội tâm lý Mỹ khẳng định: Mối lo mới xảy đến thường làm tăng cảm giác bất an nhiều hơn so với các mối lo cũ, mối lo quen thuộc. Các nhà khoa học nói rằng phản ứng này liên quan đến hạch hạnh nhân (amygdala) bên trong thùy thái dương của não, là bộ phận đóng vai trò thiết yếu trong việc nhận biết cái cũ/mới và các phản ứng cảm xúc.

Trong nhóm bệnh lý tâm thần có hội chứng rối loạn lo âu, người bệnh lo lắng quá mức khiến chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, gây mất ngủ, bỏ ăn, kéo dài có thể dẫn tới loạn thần, hoang tưởng.

Trong câu chuyện của một người cố thủ giữa bốn bức tường suốt hơn 20 ngày giữa tâm dịch Vũ Hán, các ý kiến được chia sẻ rằng khi sống giữa hoang mang, người ấy đã học theo lời khuyên của cảnh sát Vũ Hán: delete (xóa) các nguồn tin tức để bảo vệ môi trường thông tin, để bản thân không chìm vào nhiễu loạn và tiêu cực. Đó chính là bí quyết sống sót.

Lượm lại bí quyết này, có thể suy diễn rằng: bạn nên đi mua khẩu trang cho gia đình nếu thấy cần, nhưng đừng quá vống lên là nếu không có cái khẩu trang trong tay, ta sẽ tiêu tùng; hay không mua được giấy vệ sinh chất đầy nhà, ta sẽ quay lại thời thổ tả… 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới