Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đang có sự dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đang có sự dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam

Bình Nguyên thực hiện

Đang có sự dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam
Ông Alex A MacBeath, Giám đốc toàn cầu phụ trách thị trường của Grant Thornton International – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Cải thiện môi trường đầu tư, chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những vấn đề cấp thiết mà các cơ quan chức năng thảo luận trong thời gian gần đây.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong chuyến công tác đến Việt Nam, ông Alex A MacBeath, Giám đốc toàn cầu phụ trách thị trường của Grant Thornton International, khuyến nghị rằng các ngành chức năng nên theo chiến lược chú trọng vào sự ổn định của dòng vốn thay vì sự gia tăng về số lượng.

>>> Nhiều dự án FDI tiếp tục tăng thêm vốn.

>>> Doanh nghiệp châu Âu lo ngại về kinh tế Việt Nam.

TBKTSG Online: Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định rằng dòng vốn đầu tư vẫn đang đổ vào châu Á, đặc biệt là các thị trường đang phát triển và trong đó có Việt Nam. Nhưng trên thực tế, vốn FDI vào Việt Nam trong các năm gần đây có xu hướng giảm dần. Từ sự ghi nhận của mình, ông có lời giải thích nào cho vấn đề này?

–  Ông Alex A MacBeath: Những dẫn chứng cụ thể đều cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn đang chảy vào các thị trường mà nơi đó các nhà đầu tư tìm được cơ hội, nhìn thấy yếu tố ổn định và chắc chắn. Theo thông tin tôi có được thì hiện một lượng vốn lớn nhiều tỉ đô la Mỹ vẫn đang chờ các dự án tốt ở các nền kinh tế đang phát triển. Đây rõ ràng là cơ hội cho Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài nếu tạo được niềm tin trong giới đầu tư về môi trường kinh doanh, pháp lý ổn định và nền tảng phát triển của kinh tế đất nước.

Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc phát đi thông điệp thị trường này là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Bản thân tôi gần đây cũng đã nghe nhiều ý kiến, nhận xét tích cực về thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng thông điệp phải đi kèm với những dẫn chứng cụ thể, nhiều quốc gia khác đang chứng minh cho các nhà đầu tư nước ngoài những trường hợp đầu tư thành công tại đất nước họ. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, Việt Nam cũng cần phải có "câu chuyện" riêng của mình để thuyết phục nhà đầu tư tin rằng thị trường này có cơ hội và thật sự hấp dẫn, thật sự đáng để họ đổ tiền vào.

Trong các năm qua, các ngành chức năng liên tục tổ chức các cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhưng kết quả thu hút FDI vẫn chưa như kỳ vọng. Phải chăng các nhà đầu tư vẫn còn thiếu niềm tin vào thị trường Việt Nam?

– Tôi nghĩ rằng khi đi đến quyết định, các nhà đầu tư đã có niềm tin và sẵn sàng chuẩn bị cho các rủi ro mà họ sẽ phải đối mặt. Tuy nhiêu, vấn đề quan trọng ở đây là họ cần được biết rõ những rủi ro này là gì và hiểu rõ lợi thế, cơ hội mà họ có được tại thị trường này.

Tôi không cho rằng dòng vốn FDI thật sự vào Việt Nam đang bị sụt giảm mà đang ở mức ổn định, cụ thể là lượng vốn giải ngân mỗi năm đạt khoảng 10- 11 tỉ đô la Mỹ hay nhiều hơn và xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Sự giảm sút trong việc thu hút vốn FDI, theo tôi biết, là vốn cam kết và sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là một số nhà đầu tư từ Mỹ, khu vực Trung Đông… đã thông báo số vốn đầu tư lên đến 3-4 tỉ đô la Mỹ cho một số dự án bất động sản nhưng đã không rót vốn như cam kết. Hậu quả là đã có dự án rơi vào tình trạng chậm triểm khai, bị hủy bỏ.

Khi nói đến thu hút vốn FDI cũng phải tính luôn cả vốn đầu tư gián tiếp của các công ty nước ngoài thông qua việc mua cổ phần của các công ty trong nước. Số liệu mà chúng tôi ghi nhận được là đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các công ty Việt Nam bằng với mức của năm 2007 – thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, số vốn đầu tư này không được tính vào vốn FDI trực tiếp mà Việt Nam thu hút được. Tôi cho rằng đang có sự dịch chuyển từ nguồn vốn FDI sang vốn đầu tư gián tiếp của các công ty nước ngoài vào Việt Nam.

Đề cập đến vấn đề dịch chuyển vốn đầu tư, gần đây các chuyên gia cho rằng nhiều công ty đang chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Á sang Việt Nam để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. Theo ông, làm thế nào để thay đổi quan điểm rằng Việt Nam chỉ hấp dẫn các dự án công nghệ không cao, chi phí lao động rẻ và gây ảnh hưởng đến môi trường?

– Việc thu hút nhiều dự án sản xuất mà không chú ý đến ảnh hưởng đối với môi trường thể hiện tầm nhìn ngắn hạn của nhà quản lý và sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho tương lai. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến tác động đến môi trường của các dự án sản xuất. Điều quan trọng là Việt Nam cần đánh giá tác động môi trường của các dự án sản xuất trong chiến lược dài hạn, bởi những tác động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của đất nước về lâu dài.

Việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vào các thị trường trọng điểm, ví dụ như Mỹ, đang tăng cao ngay cả trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu là một thông tin tốt. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đừng chỉ trông chờ vào lợi thế của Việt Nam là nơi sản xuất có chi phí thấp mà cần hướng mục tiêu dài hạn là làm ra được các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Trong các năm qua, do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Mỹ đã tìm mua các sản phẩm với giá hợp lý nhưng khi kinh tế phục hồi thì họ sẽ quay lại với các sản phẩm chất lượng và có giá trị gia tăng cao. Do vậy, nhà sản xuất Việt Nam cần chuẩn bị để khai thác hiệu quả sự chuyển hướng nhu cầu tiêu dùng này.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh bị tác động nhiều hơn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng chậm lại tại một số khu vực trên thế giới?

– Việt Nam sẽ nổi lên là một trong các quốc gia có sức mạnh về kinh tế sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga. Trước đây, khi nói đến các thị trường mới nổi thì người ta nghĩ ngay đến nhóm các quốc gia BRIC này. Bây giờ là thời kỳ của nhóm các quốc gia có ảnh hưởng về kinh tế sau nhóm BRIC gồm Việt Nam, Indonesia và Nam Phi.

Để tận dụng vị thế kể trên và thu hút được các dự án đầu tư như mong muốn thì Việt Nam cần thu hút thêm các công ty quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia lớn vì các dự án của các tập đoàn này sẽ góp phần tạo đà cho hoạt động hợp tác kinh tế, giao thương phát triển. Các tập đoàn đa quốc gia cần một môi trường đầu tư minh bạch, ổn định để họ có thể lên kế hoạch kinh doanh, đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, để thu hút được các dự án đầu tư tạo ra thêm các giá trị gia tăng thì cần phải có một chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp phụ trợ mạnh để hỗ trợ cho các ngành khác cùng phát triển.

Ông nghĩ gì về khả năng thu hút các nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công-tư  (PPP)?

– Tôi cho rằng ngoài yếu tố môi trường đầu tư ổn định, các nhà đầu tư chú ý đến các dự án PPP có kế hoạch, mục đích thực hiện rõ ràng. Điều này đã được minh chứng tại các thị trường có nhiều dự án PPP thực hiện thành công vì điều này sẽ giúp họ có được các kết quả tích cực tại các dự án mà họ tham gia.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10 đã có sự cải thiện rõ nét so với những tháng trước đó nhưng tính từ đầu năm đến ngày 20-10, Việt Nam mới thu hút được gần 11,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn còn rất xa mục tiêu 20 tỉ đô la Mỹ. Tổng số vốn FDI giải ngân đạt khoảng 9,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số môi trường kinh doanh sụt giảm và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế không cao, kèm theo đó là sự bất ổn của kinh tế thế giới là những nguyên nhân được giới chuyên gia viện dẫn cho việc vốn FDI vào Việt Nam giảm sút.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới