Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đăng ký đóng 602 tàu cá công suất trên 400 mã lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đăng ký đóng 602 tàu cá công suất trên 400 mã lực

Quang Chung

Đăng ký đóng 602 tàu cá công suất trên 400 mã lực
Ngư dân ở cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang cho biết thủ tục vay vốn theo Nghị định 67 rất rờm rà. Ảnh: Quang Chung

(TBKTSG Online) – Ngư dân cả nước đã đăng ký đóng 602 tàu cá có công suất từ 400 mã lực trở lên theo tinh thần một nghị định mới về phát triển thủy sản (Nghị định 67/2014), theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám.

Sáng 24-4-2015, tại hội nghị trực tuyến sơ kết tám tháng thực hiện Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Vũ Văn Tám cho biết đã có 22 tỉnh, thành phố (trong số 28 địa phương thực hiện nghị định) phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá.

Cụ thể, đến nay số tàu đăng ký đóng là 602 tàu (có công suất từ 400 mã lực trở lên); trong đó có 305 chiếc tàu vỏ gỗ, 245 chiếc vỏ thép, còn lại dùng vật liệu khác… Số tàu nâng cấp theo ưu đãi của nghị định này ít hơn, chỉ 77 tàu.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chỉ mới ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 28 tàu với tổng số tiền là 243,31 tỉ đồng (thời hạn vay 11 năm).

Theo những hợp đồng này thì tài sản đảm bảo cho các khoản vay chính là những con tàu đóng mới, nâng cấp – ngân hàng không yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản thế chấp khác. Và, tùy theo nhu cầu khách hàng, mức cho vay chiếm từ 60% đến 95% tổng giá trị đầu tư cho con tàu.

Nhưng, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương và ngư dân còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu…; cũng như công tác giám định giá dự toán đóng tàu có khó khăn – chưa có quy định hỗ trợ lãi suất vốn vay để nâng cấp tàu khai thác, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản bằng vật liệu mới; lãi suất vay vốn lưu động ở mức 7%/năm cũng chưa đủ hấp dẫn chủ tàu, bởi không thấp hơn nhiều so với lãi suất vốn vay thông thường nhưng lại cần nhiều thủ tục.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cho phép ngư dân đã có tàu công suất từ 400 mã lực trở lên được vay vốn mua ngư cụ, thiết bị khai thác, gia cố vỏ tàu… đồng thời bố trí ngân sách trung hạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá cho 5 trung tâm nghề cá lớn tại 5 vùng gắn với các ngư trường trọng điểm.

Hơn 23.000 thuyền viên mua bảo hiểm

Về chính sách bảo hiểm, qua tám tháng triển khai, ngư dân đã tham gia với tổng số phí bảo hiểm là 46,2 tỉ đồng, tổng số tiền bảo hiểm gần 3.000 tỉ đồng, tổng số tàu tham gia bảo hiểm (thân tàu, ngư cụ) là 1.837 tàu, tổng số thuyền viên tham gia bảo hiểm là 23.604 thuyền viên.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuy số lượng tàu và thuyền viên tham gia bảo hiểm chưa nhiều (khoảng 6,4% tổng số tàu trên 90 mã lực) song đây là kết quả bước đầu tạo đà cho việc triển khai trong thời gian tới.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới