Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau câu chuyện lỗ của Uber và Grab

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đằng sau câu chuyện lỗ của Uber và Grab

An Yên

Đằng sau câu chuyện lỗ của Uber và Grab
Uber và Grab đang lỗ lớn ở Việt Nam do chi phí quảng cáo, khuyến mãi lớn.

(TBKTSG Online) – Sau bốn năm đặt chân vào thị trường Việt Nam, cả hai công ty khởi nghiệp đình đám về chia sẻ xe là Uber và Grab đều đang lỗ lớn, theo thông tin từ ngành thuế.

Tại họp báo của Tổng cục Thuế vào cuối tuần qua, khi cung cấp thông tin về việc chấp hành thuế của Uber và Grab, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, cho biết hai doanh doanh nghiệp nói trên đều giải thích lý do lỗ là vì chi phí quảng cáo, khuyến mãi rất lớn.

Theo đó, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2-2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến nay đã lỗ lũy kế 938 tỉ 261 triệu đồng. Về chấp hành chính sách thuế, số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu các năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỉ đồng. Số thuế đã kê khai nộp là 9,535 tỉ đồng. Qua thanh tra, Cục Thuế TPHCM đã xử lý 2,961 tỉ đồng, trong đó có 2,286 tỉ đồng truy thu thuế. Đến nay Grab đã thực hiện nộp đầy đủ thuế đã kê khai và số thuế cơ quan thuế truy thu.

Đối với Uber, Cục Thuế TPHCM báo cáo tổng doanh thu của Uber các năm 2014, 2015, 2016 và sáu tháng đầu năm nay là 2.706 tỉ đồng, số thuế Uber đã nộp thuế 76,877 tỉ đồng. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu 66 tỉ đồng.

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như ở tất cả mọi thị trường mà Uber và Grab đang hoạt động, bức tranh doanh thu và lợi nhuận đều không có màu sắc sáng sủa.

Theo The Wall Street Journal, không chỉ những doanh nghiệp vốn lớn như Uber hay Didi Chuxing mà những công ty quy mô nhỏ như  Grab, Lyft và Ola đều đang tham gia vào một cuộc đua không có lợi cho bất kỳ tay đua nào cả: đốt tiền.

Uber đang đi qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại, sau khi nhà sáng lập kiêm CEO Travis Kalanick tuyên bố tạm thời từ chức và một loạt sự cố xảy ra về mặt văn hóa doanh nghiệp. Nhưng điều đáng sợ nhất vẫn là tình hình tài chính của Uber. Hãng tin Bloomberg cho biết, chỉ trong quí đầu tiên của năm nay, “người khổng lồ” trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện đã lỗ tới 708 triệu đô la Mỹ.

Đối thủ mạnh nhất của Uber tại các nước phương Tây là Lyft trong năm 2016 vừa qua cũng lỗ 600 triệu đô la, nhưng vẫn được xem là chưa đáng kể so với khoản lỗ 2,8 tỉ đô la của Uber. Còn đối thủ đã đè bẹp Uber tại Trung Quốc là Didi Chuxing (trước đây là Didi Kuaidi) thì đã lâu rồi không công bố về tình hình tài chính. Lần cuối cùng báo giới thu thập được thông tin tài chính của Didi là vào cuối năm 2015, khi hãng này cho biết chỉ “mất” 12 tỉ nhân dân tệ trên doanh thu 34 tỉ nhân dân tệ. Thế nhưng, theo giới phân tích, với chính sách chia 80% tiền thu được từ mỗi chuyến đi cho tài xế cũng như những chi phí khổng lồ để khuyến mãi cho hành khách, Didi không thể nào có lãi.

Với các dịch vụ non trẻ như Ola (Ấn Độ) và Grab (Đông Nam Á), tình cảnh cũng chẳng khá hơn được là bao. Số liệu dành cho các nhà đầu tư vào cuối quí 3-2015 là Grab lỗ khoảng 35 triệu đô la mỗi tháng. Tại Ấn Độ, Ola lỗ khoảng 274 triệu đô la trong năm tài chính 2016 vừa qua.

Có thể nói, Uber là minh chứng rõ rệt nhất cho cuộc chiến nổi bật trong lĩnh vực chia sẻ phương tiện hiện nay – race to zero – cuộc đua đưa giá dịch vụ về mốc miễn phí. Đây cũng là cuộc chiến đại diện cho thương mại điện tử toàn cầu, nơi các nhà cung cấp dịch vụ liên tiếp đưa ra những chính sách giá hoang tưởng để thu hút người sử dụng càng nhiều càng tốt.

Chia sẻ phương tiện sẽ không bao giờ có thể miễn phí hoàn toàn, nhưng cũng chẳng ai có thể phủ nhận cuộc chiến do Uber khai mào đã khiến cho chi phí giao thông giảm sút đi rất nhiều. Cứ đăng ký mới là người sử dụng có thể nhận ngay khoảng 10 đô la Mỹ miễn phí. Các chương trình khuyến mại được tổ chức thường xuyên, vừa để ăn mừng các ngày lễ, vừa để kết hợp quảng bá cho các dịch vụ liên quan (ứng dụng thanh toán hoặc một loại thẻ tín dụng của một ngân hàng nào đó chẳng hạn). Ở Việt Nam, cứ mỗi đầu tuần, nếu bạn là người từng sử dụng dịch vụ của Uber hoặc Grab, bạn sẽ nhận được mã giảm giá cho 3-4 cuốc xe trong tuần, với mức giảm 30.000-35.000 đồng/chuyến.

Trong cuộc chạy đua giảm giá dịch vụ, người sử dụng càng được hưởng lợi thì lẽ dĩ nhiên, doanh nghiệp càng lỗ. Thử làm một phép tính: hành khách trả 100 đồng, đến tay tài xế là 80 đồng, Uber nhận được 20 đồng thì càng giảm giá, Uber càng phải “đốt” tiền để duy trì hệ thống công nghệ, đội ngũ nhân sự, các kế hoạch mở rộng thị trường và nghiên cứu, phát triển các tính năng mới.

Tiếp theo đó, người chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp tất nhiên là tài xế. Để bù đắp cho các khoản lỗ, Ola tại Ấn Độ tăng giá dịch vụ từ 50-70%, Uber Ấn Độ cũng phải tăng giá theo. Tại Trung Quốc, các tài xế bắt đầu phàn nàn rằng thu nhập của họ từ Didi càng ngày càng giảm sút. Tại Mỹ, Lyft liên tục đưa ra lời hứa với các nhà đầu tư rằng sẽ “hạn chế” các khoản chi. Điều này có nghĩa rằng các khoản thưởng hoặc chiết khấu cho tài xế cũng ngày một sụt giảm.

Bên cạnh đó, các vụ biểu tình đòi quyền lợi, đòi công nhận là nhân viên chính thức của giới tài xế cũng liên tiếp nổ ra. Các rắc rối về quy định an toàn cũng liên tiếp xảy ra, các nhà chức trách bắt đầu sửa đổi, điều chỉnh quy định pháp luật và không phải lúc nào việc này cũng có lợi cho các dịch vụ chia sẻ xe.

Và một khi không thể công bố thông tin về doanh thu và lợi nhuận, Uber, Didi Chuxing, Grab, Lyft hay Ola cũng chỉ có thể “khoe” mình đang gọi được bao nhiêu vốn, giá trị thị trường đang là bao nhiêu mà thôi.

Vị trí đặt bình chọn

Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm về câu chuyện nói trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới