Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau chuyện Dung Quất có nguy cơ đóng cửa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đằng sau chuyện Dung Quất có nguy cơ đóng cửa

Nguyễn Vũ

Đằng sau chuyện Dung Quất có nguy cơ đóng cửa
Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất -Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Thoạt nhìn, cảnh báo của Nhà máy lọc dầu Dung Quất xem ra rất hợp lý. Nhà máy này cảnh báo chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng dầu năm 2015 đã làm cho họ “đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”.

Để hiểu được sự tình, có lẽ phải nhắc lại điều ít người biết là sản phẩm xăng dầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu, thuế cao nộp nhiều, thuế thấp nộp ít.

Chỉ có điều những tháng đầu năm nay họ đang nộp điều tiết theo mức “thuế suất ưu đãi” mà thực chất là mức thuế suất áp dụng cho tất cả các thị trường, cao hơn mức thuế suất áp dụng cho các nước ASEAN, gọi là “thuế suất ưu đãi đặc biệt”.

Đầu năm 2015 thuế nhập khẩu xăng ở mức 35% cho các thị trường đang hưởng thuế suất ưu đãi được Bộ Tài chính điều chỉnh cho giảm xuống còn 20% cho các thị trường được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Thuế nhập khẩu dầu diesel đang ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018. Xin nhắc lại, các mức giảm này chỉ áp dụng cho xăng dầu có xuất xứ từ các nước ASEAN.

Như vậy một nghịch lý xuất hiện: xăng dầu Dung Quất sản xuất trong nước, bán cho thị trường trong nước lại phải chịu thuế nhập khẩu cao, cao hơn xăng dầu nhập từ Singapore. Chẳng lạ gì Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải kêu cứu như báo chí đưa tin vào đầu tuần nay.

Có lẽ nghịch lý này rõ quá nên cũng ngay chính vào đầu tuần, ngày 14-4, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu theo hướng thuế suất áp dụng cho các thị trường khác cũng bằng thuế suất áp dụng cho các nước ASEAN. Có lẽ nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi với xăng, họ cũng chỉ chịu mức thuế suất 20% như xăng nhập từ Singapore (trừ dầu diesel, thuế suất vẫn cao đến 20% so với thuế suất ưu đãi đặc biệt chỉ 5%).

Thế nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Theo cơ chế tài chính đặc thù áp dụng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khoản thu điều tiết được tính bằng thuế suất nhập khẩu trừ 7% (đối với xăng dầu). Điều đó có nghĩa nếu trước đây thuế suất nhập khẩu xăng dầu là 35% thì Dung Quất nộp 28%, nay thuế giảm còn 20% thì Dung Quất chỉ nộp 13%.

Ngay năm 2015 này, giảm như thế kéo theo khoản nộp ngân sách của Dung Quất giảm ngay 14.305 tỉ đồng; còn giai đoạn 2016-2018, mỗi năm sẽ giảm 16.251 tỉ đồng. Giả thử dầu thô khai thác lên, xuất cho nước ngoài rồi nhập về lại, Nhà nước sẽ không mất khoản này hay nói cách khác Dung Quất đang được trợ giá một cách gián tiếp.

Còn trực tiếp giả thử thuế suất nhập khẩu xăng dầu giảm xuống 0% như từng có lúc đã giảm thì, theo cơ chế hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải bù 7% này cho Dung Quất và phải gánh khoản lỗ này. Đây là điều khó lòng chấp nhận được. Thậm chí theo một tính toán của PVN nếu giá dầu ở mức 60 đô-la/thùng, thì chỉ riêng năm 2015, PVN sẽ phải bỏ ra 1.065,7 tỉ đồng và giai đoạn 2016-2018, mỗi năm phải bỏ ra 3.011 tỉ đồng để bù cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Cái cơ chế tài chính rối rắm cho các doanh nghiệp nhà nước đã đến lúc phải chấm dứt bởi suy cho cùng tiền bù chỗ này phải lấy từ chỗ khác cuối cùng chịu thiệt vẫn là ngân sách nhà nước. Đáng nói hơn nữa giả thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất được cổ phần hóa, không lẽ các ưu đãi này sẽ sang tay các nhà đầu tư còn thiệt hại vẫn do ngân sách hay PetroVietnam gánh chịu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới