Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau sự sáp nhập “mẹ – con” của PVD

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đằng sau sự sáp nhập “mẹ – con” của PVD

(TBKTSG)- Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) chuẩn bị đại hội cổ đông bất thường về việc sáp nhập công ty con PVDInvest (PVDI) vào công ty mẹ. Đó là việc chưa từng xảy ra đối với một công ty niêm yết kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập.

Sự sáp nhập sẽ dựa trên những cơ sở nào? Xác định giá trị doanh nghiệp để sáp nhập ra sao? PVD có thực sự mạnh hơn và kinh doanh hiệu quả hơn sau sáp nhập hay ngược lại?

“Con”

PVDI ra đời vào tháng 4-2007 với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó PVD góp 51%, 49% là vốn của cán bộ công nhân viên ngành dầu khí và các pháp nhân khác. Rất nhanh sau ngày khai sinh, PVDI ký hợp đồng đóng mới giàn khoan số 2 (tạm gọi PVD2 để phân biệt với giàn khoan PVD1 của PVD) trị giá 191 triệu đô la Mỹ. Giàn khoan này sẽ hoàn tất và đưa vào vận hành tháng 10-2009. 1.000 tỉ đồng vốn của PVDI chỉ đủ dùng làm vốn đối ứng cho việc đầu tư, phần còn lại công ty phải vay dài hạn ngân hàng, lãi suất Sibor cộng 1,8%/năm (ngoại tệ).

Một năm sau, tháng 4-2008, PVDI ký hợp đồng mua giàn khoan số 3 (PVD3) với giá 206 triệu đô la Mỹ. Đó là một giàn khoan đang đóng dở, nhưng chủ đầu tư muốn bán nên chuyển nhượng. Giàn PVD3 sẽ được giao cho PVDI tháng 12-2009. Lúc đó PVDI không có tiền, chỉ có thể vay ngân hàng được 70% giá trị đầu tư. Do không thể phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn vì thời gian hoạt động chưa được hai năm, PVDI đã tìm kiếm nguồn tiền 1.200 tỉ đồng từ hợp đồng góp vốn của cổ đông hiện hữu. Đến nay hợp đồng góp vốn đã thu được 466 tỉ đồng, phần còn lại góp theo tiến độ giải ngân dự án.

Mọi việc tốt đẹp, PVDI chuẩn bị có hai giàn khoan biển mà giá giàn khoan trên thị trường quốc tế thì đang tăng. Nếu chuyển nhượng hai giàn khoan đang đóng dở ấy bây giờ, PVDI có lãi chừng 50 triệu đô la Mỹ. Nhưng từ đầu năm đến nay, việc vay vốn ngân hàng không còn dễ nữa. Uy tín nhỏ nhoi của PVDI không đủ sức thuyết phục các ngân hàng mở hầu bao cho dù công ty chấp nhận vay ngoại tệ lãi suất cao. PVDI phải “cầu cứu” PVD “mẹ”.

“Mẹ”

Vào thời điểm PVDI thành lập, PVD mới đưa vào cho thuê giàn khoan PVD1 đầu tư 110 triệu đô la Mỹ. Thời gian đầu, PVD1 chỉ khai thác được 70% công suất nên dòng tiền thu (cash flow) của PVD chưa nhiều. Trong khi đó giá giàn khoan vẫn tăng (giàn PVD1 nếu chuyển nhượng có thể được 230 triệu đô la Mỹ). Để chia sẻ rủi ro và đảm bảo công ty có thêm 1-2 giàn khoan nữa, PVD chấp nhận góp vốn vào PVDI.

Bây giờ PVD đã “giàu có” nhờ giàn PVD1 vận hành 100% công suất, đem lại lợi nhuận ổn định (lợi nhuận chín tháng đầu năm 2008 của PVD ước 750 tỉ đồng và cả năm chừng 900 tỉ đồng, tăng mạnh so với kế hoạch 700 tỉ đồng cả năm). Chiến lược kinh doanh của công ty thay đổi: tập trung phát triển và vận hành giàn khoan biển thay vì giàn khoan biển và đất liền như trước. PVD dự tính sẽ bán giàn khoan đất liền hiện có do chi phí nhân công, bảo dưỡng cho hai giàn như nhau, trong khi doanh thu giàn khoan đất liền chỉ có 30.000 đô la Mỹ/ngày so với hơn 200.000 đô la Mỹ/ngày của giàn khoan biển.

PVD “nhòm ngó” hai giàn khoan sắp về của PVDI, nơi họ có 51% cổ phần. Tất nhiên với số cổ phần chi phối, công ty có thể “ép” PVDI thuê mình vận hành giàn khoan. Song dầu sao với tư cách chủ sở hữu, việc vận hành giàn khoan và quản lý chi phí sẽ tốt hơn. Ý tưởng sáp nhập “con” vào “mẹ”  xuất hiện, nhất là khi “con” đang khó vay tiếp vốn ngân hàng. Câu chuyện bây giờ là sáp nhập theo phương thức nào? Tỷ lệ ra sao?

Có lẽ yếu tố thị trường là mối quan tâm hàng đầu của hai công ty. Cả hai đang tiến hành thuê một tổ chức định giá độc lập quốc tế xác định giá trị của PVDI. Giá trị của PVD thì cứ nhìn giá cổ phiếu giao dịch trên sàn là biết. PVD sẽ phải xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập, trình bày tỷ lệ cổ phần nắm giữ khi sáp nhập và chỉ tiến hành sáp nhập khi có sự chấp thuận của cổ đông.

Hiện vốn điều lệ của PVD là 1.321 tỉ đồng. Giả sử PVDI được sáp nhập vào PVD với mức 5 cổ phiếu PVDI bằng 1 cổ phiếu PVD, công ty sẽ có vốn điều lệ mới khoảng 1.600 tỉ đồng. Với ba giàn khoan biển vào cuối năm 2009, năm 2010 lợi nhuận của PVD có thể tăng mạnh. Đó là chưa kể sau khi sáp nhập, thặng dư vốn của công ty từ 200 tỉ đồng hiện tại sẽ được tăng thêm 800 tỉ đồng nữa, tức 1.000 tỉ đồng – một con số mơ ước của những doanh nghiệp trên sàn.

Bên lề

Mười tám tháng trước, vì sao PVD không tự đầu tư giàn khoan cho mình mà phải góp vốn vào PVDI? Lần giở lại quá khứ để thấy đối với một công ty nơi Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối 51% như PVD, việc đầu tư một giàn khoan thực chẳng dễ dàng.

Để mua được giàn PVD1, PVD mất 3,5 năm, từ khi hoàn tất luận chứng kinh tế kỹ thuật đến khi ký hợp đồng, trong đó phức tạp nhất là đấu thầu. Công ty như PVD vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định, thủ tục đầu thầu như doanh nghiệp nhà nước. Khi gói thầu được duyệt, do thời gian hoàn tất các bước thủ tục quá lâu, giá giàn khoan đã thay đổi. Giá giàn khoan cứ tăng, còn giá gói thầu lại thay đổi theo không kịp. Cơ hội bị bỏ lỡ.

Chuyện của PVD không phải cá biệt. Đã có những doanh nghiệp dầu khí lẽ ra mua được tàu giá tốt, nhưng vì đợi đấu thầu, giá tàu tăng, đến khi thủ tục xong, không mua được với giá cũ nữa. Liên doanh dầu khí lớn nhất nước từ năm 2001 đã trình đề án đầu tư ba giàn khoan, nhưng đến nay vẫn chưa mua được và vẫn đang thuê ba giàn khoan biển của nước ngoài.

Ở Việt Nam hiện có 12 giàn khoan hoạt động thì 11 là của nước ngoài (cộng thêm 1 giàn của PVD). Nhiều công ty nội địa đang phải thuê giàn nước ngoài. Công ty Transocean của Mỹ có tới 6 giàn khoan đang cho thuê ở Việt Nam, mỗi ngày họ thu hơn 1,2 triệu đô la Mỹ! Trong khi các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí của Việt Nam có khả năng đảm đương những công việc như vậy.

Thế nhưng với PVDI thì khác. Những công ty cổ phần nơi vốn nhà nước nhỏ hơn 30% không phải thực hiện những thủ tục đấu thầu mua sắm tài sản phức tạp, nhất là với những thiết bị có giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Hội đồng quản trị các công ty đó chịu trách nhiệm với cổ đông, có quyền quyết định việc đầu tư. Điều này giải thích tại sao PVDI đã ký những hợp đồng mua, đóng giàn khoan nhanh chóng đến thế ngay sau khi ra đời.

Nhìn lại, với việc sáp nhập “mẹ – con”, PVDI sắp hoàn thành “sứ mệnh”của nó, cả PVD và PVDI đều sẽ có lợi, bởi trong nền kinh tế thị trường và nhất là trong sự biến động nhanh của lĩnh vực dầu khí thời gian qua, họ đã để lại phía sau một cơ chế không còn phù hợp. Ở phía trước, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp mới là điều sự sáp nhập này hướng đến!

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới