Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá đúng tầm quan trọng của truyền thông trong chiến lược mở cửa

Lê Hoài Ân (*) - Phạm Hoàn Vũ (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thành phố đang trong tiến trình mở cửa lại như một yêu cầu cấp thiết để giải quyết các vấn đề kế sinh nhai của người lao động toàn thành phố. Tuy nhiên, không ai bảo ai nhưng chúng ta đều nhận thấy được những mối đe dọa tiềm tàng nếu như chúng ta không có những bước đi phù hợp và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan…

Những ngày qua thì thành phố đã đưa ra các dự thảo về kế hoạch khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, đứng dưới quan điểm của mình thì tôi nhận thấy rằng rõ ràng kế hoạch vẫn đang đánh giá thấp một vấn đề trọng yếu của quá trình kiểm soát dịch bệnh là truyền thông. Yếu tố này cũng chính là điều mà chúng ta vẫn chưa làm thực sự tốt trong suốt tiến trình dập dịch vừa qua.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch UBND TPHCM nhận được nhiều lời khen từ người dân thành phố khi tổ chức buổi livestream để giải đáp những thắc mắc của người dân về các chính sách định hướng kiểm soát dịch bệnh. Một số người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ và mấu chốt vấn đề nằm ở việc người dân đang cảm thấy bất an với các luồng thông tin diễn ra trong xã hội.

Hoạt động truyền thông vẫn chưa được xem là “vũ khí” chống dịch

Phần lớn các nhiệm vụ khi nói về công tác truyền thông thường tập trung vào việc phục vụ cho nâng cao chất lượng chuyển đổi số và thích ứng của doanh nghiệp sau dịch và chưa tập trung nhiều vào các công tác nhiệm vụ của sở cho mặt trận phục hồi an toàn trước mắt.

Biểu đồ bên dưới thể hiện các cột mốc tin đồn và thông báo chính thức theo thời gian. Thực tế chúng ta nhìn nhận là phần lớn các tin đồn đều trở thành tin chính thức sau đó. Xã hội khi diễn ra vấn đề bất cân xứng về thông tin thì những bộ phận tỏ ra yếm thế sẽ luôn thực hiện các hành động theo cảm xúc chứ không phải là lý trí.

Một khi còn dựa trên các tin đồn để ra quyết định thì xã hội sẽ diễn biến theo hướng cực đoan, tiêu cực, mà dễ thấy nhất là các phản ứng thái quá trong việc tích trữ lương thực. Chúng ta có thể thấy có sự tương quan trong việc gia tăng số ca nhiễm sau thời điểm các tin đồn được lan truyền từ 7 đến 10 ngày. Mặc dù chưa có cơ sở kiểm chứng nhưng mối tương quan này cũng bộc lộ những vấn đề trong việc giải quyết luồng thông tin.

Trong giai đoạn trải qua những đợt khủng hoảng thì vấn đề niềm tin trở thành một yếu tố rất quan trọng. Để xây dựng và củng cố yếu tố đó thì đòi hỏi các hoạt động truyền thông phải duy trì tính nhất quán về chủ trương của chính sách.

Trong điều kiện phần lớn người dân đều phải làm việc ở nhà thì không gian mạng sẽ chính là nơi họ tiếp nhận thông tin, nhưng thực tế đến hiện nay người dân vẫn chưa biết được đâu là nơi tập trung các thông tin về dịch Covid-19 mà họ cần tiếp cận hàng ngày, nhằm mục đích bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Trong cuộc chiến chống dịch này, không chỉ các sách lược của lãnh đạo thành phố mà còn cần sự thống nhất và tin tưởng của toàn quân toàn dân thì mới có thể mang lại một kết quả tốt.

Người dân rất cần những kênh thông tin chính thống từ Chính phủ để nắm được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Giai đoạn đầu tiên chúng ta đã làm khá tốt trong việc cung cấp thông tin dịch tễ của F0, nhưng khi số lượng F0 tăng quá nhanh thì việc này không còn hữu ích nữa.

Bên cạnh đó là việc thiếu các nghiên cứu công bố chính thức về nguyên nhân bùng phát của từng giai đoạn diễn ra dịch bệnh để có thể giải đáp cho những thắc mắc rằng liệu nguyên nhân có phải do việc tập trung đông đúc tại các siêu thị (nơi có xác suất phơi nhiễm cao) hay rủi ro nhiễm bệnh tại nơi tiêm ngừa nếu không được tổ chức tốt. Thậm chí là thói quen hay hành vi nào của đại đa số gia đình đã nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao hoặc hiệu quả của việc tiêm ngừa như tỷ lệ người bị nhiễm sau khi đã tiêm một mũi hoặc hai mũi so với người chưa tiêm.

Mặt khác, các thông tin hiện có và công tác truyền tải thông tin thực sự chưa tác động được đến nhận thức của người dân, các tin nhắn trấn an không có tác động trấn an đối với người dân. Cần thiết hơn là việc giúp người dân hình dung được sự nguy hiểm của dịch bệnh qua các tác động mạnh về tâm lý có thể thông qua hình ảnh hoặc thậm chí “nói quá” một chút so với tình hình thực tế.

Điều chỉnh lại vai trò của hoạt động truyền thông trong tiến trình mở cửa kinh tế

Chủ tịch UBND TPHCM livestream để giải đáp những thắc mắc của người dân về các chính sách định hướng kiểm soát dịch bệnh.

Khi tiến hành từng bước mở cửa nền kinh tế thì tất yếu sẽ có sự bất bình đẳng khi một số ngành nghề được hoạt động trước một số ngành nghề khác. Tương ứng với đó là sự bất công giữa các nhóm người lao động khi một số nhóm được làm việc trở lại và một số chưa được.

Trong điều kiện này, Sở Thông tin và Truyền thông cần là cầu nối tiếp nhận thông tin về việc hỗ trợ các khu vực yếm thế để chính sách và đoàn thể có thể tác động, qua đó giảm bớt những áp lực về kinh tế, đồng thời giúp cho họ yên tâm hơn trong thời gian chờ đợi những bước tiếp theo.

Các hoạt động truyền thông trên mạng cũng nên có sự cải thiện và tập trung vào một nguồn cung cấp thông tin chính thống cho người dân. Website https://covid19.hochiminhcity.gov.vn thực tế chỉ mới đang cung cấp được số lượng ca nhiễm hàng ngày theo từng từng quận chứ chưa thể trở thành một kênh thông tin hiệu quả, có đóng góp trực tiếp vào kế hoạch chống dịch với vai trò là một định hướng trong hành vi của người dân.

Các hoạt động truyền thông cũng nên giúp người dân hình dung được sự khốc liệt của dịch bệnh sẽ tác động đến tính mạng của người nhiễm cũng như những nỗi mất mát mang lại cho người thân họ nếu họ không qua khỏi sẽ như thế nào.

Các cảnh quay trong phim tài liệu “Ranh giới” từ VTV đã làm được điều đó, bộ phim không những phản ánh được thực tế nghiệt ngã đối với người bệnh, thân nhân của họ mà còn là sự căng thẳng của đội ngũ y bác sĩ trong thời khắc đối diện với tử thần. Qua đó, tác động rất lớn đến nhận thức và có thể điều chỉnh hành vi của người dân.

Trong cuộc chiến chống dịch này, không chỉ các sách lược của lãnh đạo thành phố mà còn cần sự thống nhất và tin tưởng của toàn quân toàn dân thì mới có thể mang lại một kết quả tốt. Người dân chỉ có thể tuân thủ khi họ được giải quyết những nỗi lo của mình, cả về mặt tâm lý và về mặt kinh tế. Nỗi lo chỉ được giải quyết khi họ cũng được tham gia trực tiếp vào chính trong công cuộc chống dịch, khi phải ra các quyết định tốt dựa trên những thông tin họ đang có trong khuôn khổ những định hướng của nhà nước.

(*) CFA
(**) CEO Washup Holdings

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới