Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá tác động để cùng doanh nghiệp vượt qua các cơn ‘đột quỵ’ do đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh giá tác động để cùng doanh nghiệp vượt qua các cơn ‘đột quỵ’ do đại dịch

Hùng Lê

(KTSG Online) – Các đợt dịch do Covid-19 ập đến dẫn đến nhiều khó khăn liên quan đến dòng tiền, không có thanh khoản, không bán được hàng … khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "đột quỵ".

Đánh giá tác động để cùng doanh nghiệp vượt qua các cơn 'đột quỵ' do đại dịch
Doanh nghiệp may mặc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo công bố và lấy ý kiến Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM vào ngày 8-4.

Nói về tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhận định, các doanh nghiệp rất khó khăn, khi doanh thu không ngừng giảm còn chi phí liên tục tăng.

Theo bà, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong hội đều liên quan đến dòng tiền, khi không có thanh khoản, không có bán được hàng mà doanh nghiệp thường gọi là họ bị "đột quỵ".

"Lâu nay vòng xoay diễn ra bình thường, rồi tự nhiên tắt, không có dấu hiệu, trong khi các chi phí sản xuất vận hành hầu như không thay đổi, thậm chí lại còn tăng,…", bà Vũ Kim Hạnh phân tích.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết nhiều doanh nghiệp hội viên chia sẻ rằng chi phí tăng mà doanh thu giảm. Tình hình thực tế này khiến không ít vị lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ rơi vào trạng thái hoang mang và lo lắng, bởi không xác định được thị trường, chân dung khách hàng sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm của mình.

"Tôi vừa biết trường hợp chủ doanh nghiệp may khá nổi tiếng đã đầu tư một chuỗi robot cho dây chuyền may nhưng dịch bệnh ập đến, doanh nghiệp không bán được hàng, tồn kho nhiều", bà Hạnh kể, và thông tin thêm: "Cách đây ít ngày, ông chủ doanh nghiệp này bị ngân hàng siết nhà". Đây là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phục vụ thị trường nội địa, không xuất khẩu.

Cơn bão đại dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào thế càng lúc càng khó chống đỡ, số doanh nghiệp phải rời thị trường năm 2020 lên hơn 100.000 doanh nghiệp, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Và đây cũng là lần đầu tiên trong một năm số doanh nghiệp rời thị trường chạm đến mốc sáu con số.

Trong 3 tháng đầu năm 2021 con số doanh nghiệp rời thị trường tiếp tục tăng với hơn 40.000 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra trung bình mỗi tháng vừa qua có 13.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, vượt xa con số trung bình hàng tháng của năm 2020 (8.475 doanh nghiệp rời thị trường).

Việc này cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp chậm chuyển đổi, chậm thích ứng trong bối cảnh thị trường thay đổi do dịch bệnh.

Thị trường cũng ghi nhận việc một số thương hiệu nhỏ nhưng tiêu thụ hàng hóa tốt trên chợ trực tuyến (online), trong nhiều doanh nghiệp có thương hiệu uy tín vẫn có sự lúng túng trong quá trình số hóa, đưa hàng lên mạng.

Trong thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn đã phần nào có đơn hàng trở lại nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, và rất chật vật để duy trì hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Tòng, chuyên gia ngành da giày, cũng dẫn chứng nhiều doanh nghiệp sản xuất đang trong tình trạng thua lỗ để giữ được đơn hàng, giữ được người lao động. Trong khi đó, tình trạng thiếu container còn rất trầm trọng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế trong năm nay để lấy lại đà hồi phục.

Các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện các hiệp hội nêu ra tại hội thảo. Ảnh: Hùng Lê

Ngoài ra, tại hội thảo, các ý kiến diễn giả cho rằng, trong bối cảnh đại dịch và thị trường toàn cầu còn phức tạp như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ, đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp phải nỗ lực không ngừng để bám sát và thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp nên xem đại dịch là cơ hội để nghĩ lại mô hình kinh doanh, sản phẩm, nhằm tiến hành tái cấu trúc thật sự. Theo bà, doanh nghiệp cần chú ý đến số hóa và chuẩn hóa. Kinh tế càng khó thì các nhà bán lẻ thế giới càng đòi hỏi về tiêu chuẩn gắt gao hơn.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tiêu dùng bền vững đang trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều người tiêu dùng toàn cầu quan tâm tới bền vững môi trường và lao động của nhãn hàng. Do đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng.

Mặt khác, doanh nghiệp phải phát huy vai trò đồng hành cùng bộ, ngành nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch cung cầu thế giới ở những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.

Các ý kiến cũng đặt ra là doanh nghiệp cần dành ưu tiên cao cho phát triển lĩnh vực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng chiến lược phát triển để thích ứng nhanh với xu hướng công nghệ số, tự động hóa…

Bên cạnh đó, ứng dụng công cụ kết nối sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tái định vị hành vi tiêu dùng, phương thức kinh doanh và mô hình quản trị, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư sang khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, khơi thông điểm nghẽn, phát triển nguồn nhân lực… sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, phương thức thanh toán nhanh… sẽ góp phần giải quyết những điểm nghẽn bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và đang tạo ta nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may, da giày, điện tử.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới