Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh thức tiềm năng một vùng đất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh thức tiềm năng một vùng đất

Chánh Khải thực hiện

Ông Võ Quốc Thắng.

(TBKTSG) – Dự án cảng quốc tế Long An, khu công nghiệp và dịch vụ công nghiệp cảng Long An có diện tích 1.935 héc ta, tổng vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ, do Công ty Đồng Tâm và Vina Capital liên kết đầu tư được khởi công vào ngày 8-8-2010. Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Đồng Tâm Group, ông Võ Quốc Thắng, nhân sự kiện này.

TBKTSG: Để dễ hình dung, ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án?

Ông Võ Quốc Thắng: Tính từ bến đò xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cũng là ranh dự án, ngược về hướng TPHCM, dự án có 3.500 mét nằm dọc sông Soài Rạp. Còn từ ranh dự án, tức ngay bến đò, ra đến cửa biển là 12 ki lô mét, nếu đi ca-nô thì mất 20 phút. Cảng Long An khi hoàn thành sẽ nối với hai tuyến đường thủy nội địa có năng lực vận tải lớn cho ĐBSCL là TPHCM – Kiên Lương và TPHCM – Cà Mau, đồng thời mở ra hướng vận chuyển biển quốc tế rất thuận lợi.

TBKTSG: Người ta biết Đồng Tâm với các sản phẩm ngói, tôn, gạch ốp lát rồi sơn trang trí, cửa nhựa. Nay lại thêm cảng, phải nghĩ thế nào về điều này?

– Chúng tôi là nhà đầu tư, dự án nào khả thi thì làm. Thật ra, trước khi quyết định, từ nhiều năm qua chúng tôi đã nghiên cứu, đi thực địa; tham quan nhiều cảng biển trong và ngoài nước. Về chuyên môn, hiện đã có sẵn đội ngũ chuyên gia, tư vấn về cảng, cả trong quản lý và điều hành.

Như trước thời điểm 1991, tôi đâu biết gì về gạch ceramic nhưng qua nghiên cứu, học hỏi, mua công nghệ – thiết bị, tìm người giỏi về làm việc… Đồng Tâm đã trở thành một trong những nhà sản xuất gạch trang trí nội thất hàng đầu Việt Nam. Hay sau này là sơn nước, cửa nhựa cũng được đầu tư sản xuất và đã thành công. Vấn đề là thái độ đầu tư thế nào.

Kế hoạch của chúng tôi khi đầu tư cảng quốc tế Long An là làm sao đến năm 2013 bước đầu đưa vào khai thác cảng và trong vòng 10 năm sẽ đi vào khai thác toàn bộ dự án.

TBKTSG: Có sự “ưu ái” nào trong đầu tư này không khi “Đồng Tâm – Long An” luôn gắn với nhau?

Tại vị trí xây dựng cảng, dòng sông có chiều rộng gần 2.000 mét. Cảng Long An khi hoàn thành có bờ cảng 1,7 ki lô mét, có khả năng tiếp nhận tàu biển trọng tải 30.000-70.000 DWT.

Công suất bốc dỡ của cảng dự kiến giai đoạn 1 (năm 2011) là 2,5 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 (năm 2015): 9,3 triệu tấn/năm; giai đoạn 3 (năm 2020): 15 triệu tấn/năm.

– Không có sự ưu ái nào cả dù đây là vùng đất đầy tiềm năng nhưng từ nhiều thập kỷ qua vẫn “ngủ yên”. Tỉnh Long An chủ trương phải “đánh thức” vùng đất này bằng chiến lược đầu tư và đã quy hoạch vùng này gần 10 năm rồi. Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch thuộc “cảng nhóm 5” trong định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ là chỉ nói về hạ tầng mà chưa kể các dòng vốn đầu tư khác sẽ đổ vào khu công nghiệp, kho bãi, khi cảng hoàn thành. Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Trương Văn Tiếp, kỳ vọng “dự án sẽ cùng với Long An thúc đẩy phát triển vùng hạ nhiễm mặn này, bao nhiêu đời nay không phát triển được”.

TBKTSG: Vì sao Đồng Tâm lại chọn thời điểm này để đầu tư?

– Với nhà đầu tư, “thời điểm” là yếu tố quyết định. Làm sớm hơn thì khai thác không hiệu quả do nhu cầu chưa cao. Đầu tư lúc này là để chuẩn bị cho năm 2020. Khi ấy nền kinh tế đã phát triển ở quy mô khác, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp ở đây, cần đến cảng Long An, cần hệ thống kho bãi và dịch vụ hậu cần tại chỗ. Nếu đầu tư muộn hơn thì lỡ thời cơ và không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của khu vực.

TBKTSG: Có phải viễn cảnh vận tải đường thủy rồi đây sẽ nhộn nhịp và hình ảnh một vùng thôn quê yên bình sẽ mất đi?

– Chợ nổi Phụng Hiệp ở Cần Thơ và nhiều nơi khác vẫn nhộn nhịp nhưng sự yên bình vẫn luôn hiện diện bởi sự chất phác và cần cù của người dân Nam bộ. Có mất đi là sẽ mất sự hoang vắng, nghèo nàn của những vùng đất nhiễm mặn không trồng trọt gì được.

Khi vận tải thủy phát triển, ngay tại địa phương có tuyến đường thủy đi qua, sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai các bến cảng nhỏ làm trạm trung chuyển bốc dỡ hàng hóa; người dân có thêm việc làm và cơ hội kinh doanh các loại hình dịch vụ; văn hóa, y tế và đặc biệt là du lịch sông nước, du lịch vườn cũng sẽ phát triển theo.

Những lợi ích trước mắt khác có thể thấy là vận chuyển 1.000 tấn đi trên sông có thể “hóa giải” ngay những tác động của 1.000 tấn đi trên đường bộ là ùn tắc và tai nạn giao thông, hư hỏng mặt đường. Hiện chi phí vận chuyển đường bộ vào khoảng 170-180 đô la Mỹ/container hoặc 7-10 đô la Mỹ/tấn cho vận chuyển và lưu kho.

Bên cạnh dự án cảng là hơn 300 héc ta hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics) và kho bãi chuyên dụng; hơn 1.000 héc ta khu công nghiệp sẽ được liên doanh Đồng Tâm – Vina Capital triển khai liên tục trong10 năm tới. Song song đó, một khu đô thị dành cho đội ngũ chuyên gia và công nhân viên làm việc tại đây cũng sẽ được xây dựng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới