Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh thuế nhà giàu – nước đổ đầu vịt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh thuế nhà giàu – nước đổ đầu vịt

Khánh Bình

(KTSG) – Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông tin về kế hoạch tăng thuế nhắm vào nhóm những người giàu nhất ở Mỹ, có rất nhiều người trong nhóm thu nhập vừa và thấp phấn khởi. Nhưng nếu soi kỹ, luật thuế dù có được thông qua mà thiếu những chế tài đồng bộ khác, thì lưới vẫn giăng mà cá to vẫn tung tăng.

Đánh thuế nhà giàu - nước đổ đầu vịt

Tiền thuế dự kiến thu được sẽ tài trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, tài trợ cho các nhà trẻ, hỗ trợ người lao động nghỉ việc. Kế hoạch này nằm trong kế hoạch tổng thể tăng thu từ người giàu và các tập đoàn lớn, một kế hoạch nhiều tham vọng của Tổng thống Joe Biden.

Đủ loại thuế

Theo dự kiến của chính sách thuế mới, khung thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất sẽ tăng từ 37% lên 39,6%. Và quan trọng hơn, thuế suất của thuế lợi nhuận từ vốn (captial gains) sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức 39,6% đối với những ai kiếm được trên 1 triệu đô la Mỹ/năm.

Hiện nay, những ai ở Mỹ có thu nhập trên 200.000 đô la Mỹ/năm sẽ phải đóng thuế lợi nhuận từ vốn khoảng 20% và khung thuế suất cao nhất là 37% đối với những người độc thân có thu nhập trên 523.600 đô la/năm và nếu là vợ chồng cùng khai là 628.300 đô la/năm. Với một số tiểu bang có chính sách thuế riêng như California, New York City, hay Portland, thuế suất lợi nhuận từ vốn còn sẽ cao hơn nữa.

Tài sản được để ở doanh nghiệp, và những người siêu giàu sở hữu doanh nghiệp chứ ít khi sở hữu tài sản dưới tên của cá nhân mình.

Khi doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh, tài sản của doanh nghiệp lại nằm ở các doanh nghiệp khác.

Những người giàu, về lý thuyết thì loại thuế nào cũng nhắm tới họ được. Không chạy đằng trời nào là thuế giá trị gia tăng (VAT), hễ có tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thì phải đóng thuế. Nếu dùng hàng hóa xa xỉ thì đóng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Có thu nhập cao thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân, và có tích lũy để đầu tư thì phải đóng thuế lợi nhuận từ vốn.

Nhưng với những người siêu giàu, được xem là có tài sản ròng trên 30 triệu đô la, thì các loại thuế trên là như muỗi chích inox. Lý do là với tài sản ròng lớn như vậy, các khoản chi tiêu hiếm khi rơi vào tài khoản cá nhân. Đó cũng là lý do tại sao hầu hết người siêu giàu cũng là những người đóng thuế thu nhập cá nhân ít, khi so về tỷ lệ thuế đóng trên tổng tài sản ròng của họ.

Cá to lại sẩy

Chính sách thuế thu nhập cá nhân hay thuế lợi nhuận từ vốn đối với cá nhân hầu như không có tác dụng với những người siêu giàu. Vì sao lại có chuyện này?

Bởi vì những người siêu giàu không ai mà không có ít nhất một công ty, hay một loại hình pháp nhân đặc biệt (special vehicle) của riêng mình. Lúc này, những nguồn thu nhập quan trọng, hay lợi nhuận không còn thuộc về cá nhân, mà là của một hay nhiều pháp nhân đó.

Lấy ví dụ như những ông chủ hay lãnh đạo cao cấp chọn mức lương tượng trưng 1 đô la. Thực ra lương 1 đô la nhưng các gói phúc lợi và thưởng khác rất lớn, và quan trọng hơn là các quyền chọn về cổ phiếu của doanh nghiệp. Khi giá cổ phiếu tăng gấp nhiều lần so với giá mua, tài sản của người đó sẽ tăng gấp nhiều lần mà không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không phải đóng thuế lợi nhuận vốn nếu chưa bán cổ phiếu để lấy tiền mặt. Ngoài ra trong trường hợp bán cổ phiếu để chốt lời, những người này cũng thường chọn vào những năm có những khoản lỗ lớn để bù trừ, giống như hình thức các công ty con trong một tập đoàn chuyển lỗ cho nhau.

Tài sản được để ở doanh nghiệp, và những người siêu giàu sở hữu doanh nghiệp chứ ít khi sở hữu tài sản dưới tên của cá nhân mình. Khi doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh, tài sản của doanh nghiệp lại nằm ở các doanh nghiệp khác. Đó cũng là lý do tại sao các tập đoàn công nghệ lớn như GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) mạnh tay thâu tóm các doanh nghiệp khác khi họ có mức lợi nhuận cao. Họ luôn tìm cách né thuế, nhưng tài sản ròng thì tăng theo thời gian.

Đó là chưa kể có những quy định dưới luật, cho phép giảm trừ những khoản thuế trong một số trường hợp đặc biệt, mà chỉ có giới siêu giàu mới có thể vận động hành lang để có chính sách riêng. Những ví dụ như thế này, hầu như quốc gia nào cũng có, dù là đã phát triển, hay đang phát triển.

Giải pháp có nhưng quá khó

Với những người ủng hộ, đấu tranh cho sự công bằng hơn về thuế, theo nghĩa người giàu hơn về tài sản ròng phải có đóng góp nhiều hơn cho xã hội để không tạo sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ phần trăm gia tăng tài sản qua từng năm, thì thuế thu nhập cá nhân hay thuế lợi nhuận từ vốn cần được đi kèm với với thuế tài sản ròng, chọn một trong hai nếu cái nào mang lại nhiều thuế cho chính phủ hơn.

Một hướng khác là đã từng có đề xuất đánh thuế trên lợi nhuận chưa thực hiện, bởi vì theo một thống kê, những người trong nhóm giàu nhất ở Mỹ có một phần ba tài sản nằm ở các khoản đầu tư như chứng khoán, bất động sản nhưng chưa cần bán, và do đó chưa có lợi nhuận phát sinh. Tạp chí Forbes hàng năm, xếp hạng các tỉ phú thế giới theo tài sản, và đó là dựa vào lượng cổ phiếu, các tài sản, hay các công ty mà những người này nắm quyền kiểm soát.

Nhưng nếu áp dụng thuế tài sản ròng, từ một mức giá trị tài sản cao nhất định nào đó, hay thuế đối với lợi nhuận chưa thực hiện, thì khả năng thực hiện được là rất khó.

Do có sự khác nhau về thuế suất, loại thuế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nên hiện tượng chuyển vốn đi lánh nạn (capital flight), đổi nơi cư trú chính (fiscal expatriation), sử dụng các thiên đường thuế để né thuế (tax avoidance and evasion) là rất phổ biến ở giới siêu giàu. Nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện ngôi sao điện ảnh Pháp Gérard Depardieu lấy quốc tịch Nga để phản đối thuế suất cao của Pháp. Câu chuyện thu hút công chúng bởi vì ông ta là diễn viên nổi tiếng, hơn là số tiền thuế ông ấy không phải nộp.

Các chính phủ hiện nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu. Ngay như thuế dịch vụ số không biên giới được đề xuất bởi OECD, nhắm vào các tập đoàn lớn như GAFA mà rất nhiều quốc gia ủng hộ, thì vẫn còn đang bị vướng ở mức thuế suất nên là bao nhiêu. Và nhiều nước nhỏ đang được hưởng lợi từ sự khác biệt về thuế lại không muốn thực hiện chút nào.

Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhiều chính phủ đã mạnh tay chi rất nhiều, dẫn tới tỷ lệ nợ công/GDP cao. Rồi thêm đại dịch Covid-19 ập đến, tình hình nợ công của nhiều nước ở tình trạng đỉnh của đỉnh. Mà ai cũng biết, chính phủ nào cũng chỉ chi từ thu, tức là thuế của người dân và doanh nghiệp. Vay mượn nhiều bây giờ để chi, thì sẽ phải thu để bù vào trong thời gian tới.

Câu hỏi quan trọng cần để ý đến là sẽ thu từ ai, và thu như thế nào? Với những phân tích ở trên thì người siêu giàu vẫn còn quá nhiều cách để vô hiệu hóa các chính sách thuế mới muốn nhắm vào họ. Vậy là chỉ còn nhóm trung lưu mà thôi. Mà nhóm này, thuế thu nhập cá nhân và thuế lợi nhuận từ vốn thì dĩ nhiên chạy trời không khỏi nắng.

Đó là chưa kể đến một loại thuế đặc biệt đối với nhóm dân cư có thu nhập từ mức khá trở xuống: lạm phát. Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển từ lạm phát mục tiêu 2% sang lạm phát trung bình 2%, nghĩa là nhiều khả năng sẽ tăng. Và các thông điệp gần đây của Fed, và thị trường là rất rõ: lạm phát sẽ tăng các bạn nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới