Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đánh thuế tuyệt đối xuất khẩu gạo, u-rê  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đánh thuế tuyệt đối xuất khẩu gạo, u-rê  

Chất gạo xuất khẩu lên tàu – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Bộ Tài chính và giao bộ này phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng ban hành quyết định áp dụng thuế tuyệt đối với mặt hàng gạo và phân u-rê xuất khẩu trong tháng 6-2008.  

Đề xuất nói trên của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang khủng hoảng lương thực, giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục, hơn 1.000 đô la Mỹ/tấn.

Còn trong nước, trước sức ép lạm phát và an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ đã điều tiết xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch, vốn đã thực hiện hơn ba năm qua nhưng đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho là không công bằng và không có tác dụng tốt về mặt xã hội.  

Trong buổi tọa đàm về lạm phát tổ chức tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi đầu tháng 4 năm nay, ông Jonathan Pincus, chuyên viên kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã cho rằng Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu gạo để điều tiết giá gạo trong nước, vừa thu được thuế vừa có hiệu quả hơn so với chính sách hạn ngạch.  

Theo đó, thuế xuất khẩu gạo có thể dễ dàng điều chỉnh và công bằng hơn cho doanh nghiệp. Khi giá gạo nội địa quá cao, Chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu để làm giảm lượng gạo xuất khẩu và ngược lại, khi giá gạo trong nước xuống thấp, có thể điều chỉnh giảm thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp tiêu thụ lúa gạo nội địa.

Riêng phân bón, hồi đầu tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép xuất khẩu phân bón trước tình hình giá phân bón trong nước đang lên cơn sốt. Sau đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Chính phủ, trước mắt áp dụng phụ thu phân bón xuất khẩu 40%.

Với việc đánh thuế tuyệt đối trên mặt hàng phân bón và gạo xuất khẩu, số tiền thuế cụ thể sẽ được ấn định trên mỗi sản phẩm mà không cần tính tới giá xuất khẩu trên hợp đồng.

Trong một diễn biến khác, sau khi nổ ra cơn sốt gạo hồi cuối tháng 4, hiện nay Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trình Chính phủ phương án tạo quỹ bình ổn gạo lưu thông với số lượng khoảng 100.000 tấn. Trong đó giao Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi đơn vị 50.000 tấn gạo để tham gia vào thị trường khi có biến động giá và cung cầu.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới