Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đảo ngược vòng xoáy đi xuống của ĐBSCL

Minh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đại dịch khiến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lộ rõ những điểm yếu chí tử. Đổi mới bắt đầu từ đổi mới tầm nhìn với khu vực vốn trù phú đang trong vòng xoáy đi xuống.

Cố gắng sản xuất thật nhiều để giảm giá là một sai lầm. Ảnh: H.P

Những điểm yếu kinh tế

“Đại dịch Covid-19 như một cơn lốc tháo tung những thứ chúng ta còn che đậy và bộc lộ những cái đã yếu từ trước”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright, nói trong bài trình bày tại Lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1-8-2022, tại Cần Thơ.

ĐBSCL chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn các vùng khác trong cả nước, khi là vùng duy nhất tăng trưởng âm trong năm 2021. Những vấn đề trong cơ cấu kinh tế khu vực lộ rõ dưới tác động của dịch bệnh. Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của vùng, vì vậy, những lệnh giãn cách vì dịch bệnh lập tức tác động tới vùng. Công nghiệp và xây dựng vốn đã yếu, tăng trưởng âm trong năm 2021.

Những thách thức trong báo cáo kinh tế khu vực cũng do nhóm tác giả đưa ra năm 2020 vẫn còn nguyên trong kỳ báo cáo này. Tài nguyên đất, nước và môi trường suy giảm nghiêm trọng. Nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động hạn chế. Nguồn lực đầu tư rất khiêm tốn. ĐBSCL là vùng trũng về khoa học công nghệ trong cả nước. Khu vực cũng là nơi tụt hậu về kinh tế khi các động lực tăng trưởng tới hạn nhưng vẫn loay hoay chuyển đổi mô hình kinh tế mà chưa tìm được một lời giải thỏa đáng.

May mắn, nông nghiệp vẫn giữ nguyên là điểm sáng lớn đối với khu vực. TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng điều đó khẳng định nông nghiệp là nền tảng và ĐBSCL phải giữ gìn thế mạnh này. Tuy nhiên, chính trong thế mạnh cũng tồn tại những vấn đề nan giải. Thách thức cơ bản nhất của ĐBSCL là năng suất. Nhìn vào số liệu tính toán từ Ngân hàng Thế giới và ĐBSCL, năng suất của vùng thua đáng kể so với một loạt đối thủ cạnh tranh trong khu vực. “Nếu không cải thiện năng suất, không cạnh tranh được”, ông Tự Anh khẳng định.

Đảo ngược vòng xoáy đi xuống

ĐBSCL đang đối diện với ít nhất ba vòng xoáy đi xuống, bao gồm “vòng xoáy ngân sách”, “vòng xoáy lao động” và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”. Hai vòng xoáy về ngân sách (đầu tư) và lao động gắn kết chặt chẽ với vòng xoáy thứ ba về “cơ cấu kinh tế”. Trên thực tế, chính vòng xoáy thứ ba này là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Sứ mệnh đảm bảo “an ninh lương thực” đã kéo dài nhiều thập kỷ với việc giữ diện tích trồng lúa lớn đã kìm giữ ĐBSCL. Đảm bảo an ninh lương thực hạn chế không gian và lựa chọn phát triển của vùng sang các lĩnh vực có giá trị và năng suất cao hơn. Giá trị và năng suất là điểm yếu chí tử của vùng.

Điều này lại khiến khu vực thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, không hấp dẫn các nhà đầu tư, lao động tiếp tục di cư vì mức sống thấp và thiếu cơ hội việc làm… Các vòng xoáy đi xuống cứ thế xoắn quyện vào nhau và tiếp tục trôi. Cùng với yếu tố môi trường, khiến vùng đồng bằng vốn rất trù phù giảm dần sức sống. “Đây là một trong những thông điệp quan trọng nhất của báo cáo năm nay. Phải tháo gỡ mắt xích quan trọng này nếu không vài chục năm nữa chúng ta vẫn tiếp tục nói lại bài toán này mà không có đường ra”, ông Tự Anh đánh giá.

Chuyển đổi giá trị nông nghiệp

Nông nghiệp là cốt lõi của ĐBSCL, vì thế, chuyển đổi lĩnh vực này là bước đi quan trọng cho sự thịnh vượng của khu vực. Việt Nam vẫn chú trọng sản lượng hơn là giá trị kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo. TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần giảm diện tích lúa để sử dụng nguồn lực về đất, nước, lao động, đầu tư hợp lý hơn và có dư địa để tập trung cho các ngành khác. “Cố gắng sản xuất thật nhiều để giảm giá là một sai lầm. Nông nghiệp tích hợp với công nghiệp và dịch vụ mới tạo ra một cơ cấu kinh tế thống nhất và hiện đại. Các ngành vẫn tách rời không có cách nào phát triển được”, ông Tự Anh nhận định.

Ông cũng cho rằng nền nông nghiệp cần theo hướng kinh tế thị trường và phát triển bền vững thuận tự nhiên. Mô hình kinh tế thay đổi từ tuyến tính sang tuần hoàn sẽ giúp tận dụng các nguồn lực tốt hơn trong bối cảnh các nguồn lực đang bị suy thoái như hiện nay.

Đặt vấn đề tương tự, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra câu hỏi, nếu tiếp tục sản xuất lúa gạo, bao lâu nữa Việt Nam mới đạt mức nền kinh tế giá trị cao (ước tính thu nhập nông dân bình quân 20.000 đô la Mỹ/năm), khi hiện tại mức thu nhập dừng ở khoảng 700 đô la Mỹ/năm. Các hoạch định chính sách phải nghĩ tới người dân trong khu vực nông nghiệp và sinh kế của họ, giảm thiểu “chảy máu” lao động sang các khu vực có thu nhập tốt hơn.

Vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới gợi ý ngành nông nghiệp nên tính đến việc gia tăng các giá trị cộng thêm thay vì các sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Nhiều nước nông nghiệp mang lại thu nhập cao như Úc, Pháp hay một số quốc gia châu Âu khác. Nông nghiệp Pháp đóng góp đáng kể vào ngân sách khi sản xuất các giá trị cộng thêm như rượu vang, phomat…

Bà Carolyn Turk cho rằng tương lai nền nông nghiệp ĐBSCL phải ngang với các khu vực khác. “Quay trở lại đầu bài, khi nói về vòng lặp, tôi cho rằng phải có những khoản đầu tư đổi mới sáng tạo cao mới có thể mang lại giá trị cao. Phải là đầu tư tư nhân sáng tạo đổi mới dám nghĩ dám làm kết hợp đầu tư công mang lại giá trị cộng thêm”, bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Về vốn cho các khoản đầu tư, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chỉ ra cốt lõi là tăng nguồn cung tài chính dài hạn trong nước. Tài chính bên ngoài quốc gia rất quan trọng đi kèm với những công nghệ chưa sản xuất được tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tài chính thích ứng biến đổi khí hậu và lĩnh vực nông nghiệp cần đến từ trong nước. “Chính phủ phải đóng vai trò tích cực hơn trong thu hút nguồn vốn trong nước. Đặc biệt là thị trường thứ cấp như trái phiếu và các công cụ khác nữa”, vị chuyên gia nêu.

Đầu tư hạ tầng kết nối và quy hoạch vùng

Hạ tầng giao thông, kết nối với các khu vực cửa ngõ xuất khẩu, tiêu dùng của ĐBSCL cũng đang bộc lộ những điểm yếu. Hệ thống giao thông chưa được đầu tư đúng mức cả ở đường bộ và đường thủy vốn là thế mạnh của vùng, theo ông Tự Anh.

Là vựa nông sản, ĐBSCL chưa có trung tâm logistics vùng đúng nghĩa theo quy hoạch, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp lẻ tẻ thực hiện. Các kho lạnh chủ yếu nằm ở các địa phương gần TPHCM như Long An.

Tổng hợp những vấn đề trên khiến chi phí logistics của vùng ở mức cao. “Làm thế nào để kết nối ĐBSCL và các cửa ngõ xuất khẩu rất quan trọng?”, ông Tự Anh đặt vấn đề.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thừa nhận logistics đóng vai trò quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vùng. Cần Thơ cho biết đang hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistics: liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, ĐBSCL là khu vực đặc thù, các địa phương có liên kết chặt chẽ với nhau về mặt sinh kế. “Vấn đề của ĐBSCL chỉ được giải quyết khi tiếp cận trên cơ sở vùng, xa rời cách làm độc lập từ mỗi tỉnh”, bà Carolyn Turk nêu quan điểm.

Đây cũng là điểm TS. Vũ Thành Tự Anh đại diện nhóm tác giả báo cáo khuyến nghị. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL được công bố hồi tháng 2-2022 và liên tiếp là những nghị quyết, chương trình hành động của Đảng, Chính phủ là cơ hội cho khu vực. “Quan trọng là các tỉnh đồng bằng hợp tác với nhau như thế nào để tận dụng được sự ủng hộ về mặt chính trị này của trung ương. Nếu không, ĐBSCL sẽ tiếp tục cuộc đua xuống đáy như nhiều năm qua”, ông Tự Anh nói.

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, với tựa đề Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp, là công trình nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhóm chuyên gia Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang đứng trước những thách thức bước ngoặt và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế.
Trong hai thập niên qua, ĐBSCL đang có tốc độ tăng trưởng chậm dần, các nguồn lực có lợi thế về địa kinh tế, nhân lực, nguyên liệu… dường như đã được tận dụng và khai thác ở mức tối đa. Các điểm nghẽn về hạ tầng đang được đầu tư nhưng còn chậm đưa vào khai thác, làm cho khu vực này không có nguồn lực mới để phát triển. Mặc dù còn lâu ĐBSCL mới trở thành một nền kinh tế hiện đại, nhưng vùng đồng bằng lại gặp những trở ngại mới trong quá trình phát triển.

1 BÌNH LUẬN

  1. 1. Cần qui hoạch và đầu tư đồng bộ giao thông thủy, bộ và cảng biển với các khu nông nghiệp và khu vực chế biến nông sản công nghệ cao, cho cơ chế riêng để các tỉnh, địa phương xét duyệt và thúc đẩy nhanh các thủ tục đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL trong vòng 3 đến 6 tháng (bình thường phải mất gần 2 năm mới xong thủ tục đầu tư – doanh nghiệp không chờ được)
    2. Chính phủ nên luân chuyển các lãnh đạo tỉnh giỏi, có kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các tỉnh đã phát triển về lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL.
    3. Tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh và chi phí thấp trong một giai đoạn cố định (10 năm – 15 năm) đối với các dự án đầu tư mới trên khu vực ĐBSCL phù hợp với qui hoạch kinh tế và chính sách phát triển mà Chính phủ hoạch định
    4. Mở rộng các trường đại học và trung tâm dạy nghề từ TPHCM về các tỉnh ĐBSCL để chuẩn bị nguồn lực nhân sự có chuyên môn và tay nghề sẵn sàng cho giai đoạn thay da đổi thịt của ĐBSCL và các chính sách khuyến khích thật sự hiệu quả như
    – giảm 1/2 học phí so với TPHCM (phần giảm này sẽ được Chính phủ hỗ trợ cho các trường)
    – phối hợp với doanh nghiệp để tài trợ ký túc xá 0 đồng cho sinh viên
    – phối hợp và tranh thủ sự tài trợ của các hãng thiết bị công nghệ cao từ các nước phát triển cho các trung tâm thực nghiệm hoặc các phòng thí nghiệm cho sinh viên học tập
    – Tạo liên kết với các doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động sao đào tạo để tranh thủ bổ sung thu nhập cho cán bộ giảng dạy đồng thời định hướng cơ hội việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp phù hợp với chuyên môn mà doanh nghiệp cần.
    5. Tăng cường truyền thông và thay đổi tư duy, tác phong, văn hóa công nghiệp của người dân địa phương để hiểu rõ các chính sách của Chính phủ và thay đổi nhận thức về năng suất lao động trong nhân dân để nhân dân cùng chung sức thực hiện theo các hoạch định mà Chính phủ đưa ra, khi tất cả cùng hiểu và cung làm thì thay đổi sẽ nhanh hơn!

    Xin hết.
    Chào trân trọng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới