Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Đào tạo cái mà chúng ta có hơn là cái mà thị trường cần”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Đào tạo cái mà chúng ta có hơn là cái mà thị trường cần”

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Thất nghiệp thanh niên; lao động đã qua đào tạo từ đại học trở lên ở mức cao và có xu hướng tăng. Một trong những nguyên nhân là do cơ cấu đào tạo lao động không theo kịp sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn lãnh đạo ngành lao động trong phiên chất vấn chiều 5-6.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung

"Chúng ta đang đào tạo cái mà chúng ta có hơn là cái mà thị trường cần"

Trong phiên chất vấn chiều nay 5-6, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thanh niên thất nghiệp, đặc biệt trong nhóm đã qua đào tạo từ đại học trở lên.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho hay, tình trạng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp có xu hướng ngày càng tăng: tỉ lệ này năm 2015 là 7,03%; năm 2016 là 7,34%; năm 2017 là 7,51%.

“Đây là sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội và là nỗi bức xúc của nhiều gia đình và xã hội. Đề nghị bộ trưởng cho biết nguyên nhân nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo có chuyển biến tích cực", ông Cảnh nói.

Hay như đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho hay, cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay “quá bất hợp lý”. Tỉ lệ đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật lần lượt là 1: 0,35; 0,38; 1,35. Đây chính là nguyên nhân khiến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động không đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động của nước ta thấp.

“Chúng ta đang đào tạo cái mà chúng ta có hơn là cái mà thị trường cần", ông Lợi nói.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho hay, Bộ xin nhận trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn nhân lực hiện nay.

“Chúng ta đang có mô hình đào tạo đáy rất to, nhưng bị thắt ở giữa, thiếu công nhân kỹ thuật và kỹ sư lành nghề. Trong khi đó mô hình lý tưởng các nước là mô hình củ khoai tây, tức mô hình công nhân kỹ thuật, những người lành nghề phải nhiều hơn. Đây chính là vấn đề phải quan tâm”, bộ trưởng nói.

Để khắc phục được tình trạng này, theo ông Dung, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ LĐTB&XH xây dựng và triển khai hai đề án lớn. Một là đào tạo nghề thích ứng với cuộc CMCN 4.0 và hai là xây dựng đề án dự báo cung cầu lao động. Trên cơ sở dự báo cung cầu đó để định hướng chuyển dịch lao động.

“Nếu không có dự báo cung cầu thì chúng ta như vừa đào tạo vừa dò đường, vừa tìm kim đáy bể”, ông Dung nói và cho hay, các nước như Úc, Singapore họ có dự báo dài hạn, ngắn hạn và liên tục điều chỉnh. Có làm như vậy mới đảm bảo được việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, bộ trưởng cũng cho biết, việc dự báo này cần thời gian.

Về thất nghiệp thanh niên, theo ông Dung, dù tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao so với các đối tượng khác, nhưng so với các nước thì con số này không đáng kể và không đáng lo lắng.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 700.000  học sinh, sinh viên mới vào thị trường, nhưng số thất nghiệp hiện nay vẫn duy trì khoảng 200.000 người. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp thanh niên trên toàn cầu khoảng 13%, các nước châu Á-Thái Bình Dương là 11%.

“Theo tôi không quá lo lắng. Cái lo lắng là chất lượng việc làm và nguồn nhân lực”, ông Dung nói.

Những giải pháp mà lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đưa ra như phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm; phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp….

Cũng liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, theo điều tra năm 2017, cứ 100 em học sinh tốt nghiệp cấp 3, có 46 em thi đại học, cao đẳng; 7-8 em ở nhà sang năm thi tiếp; chỉ hơn 20 em chấp nhận học trung cấp ngành. Còn hơn 20 em bước vào thị trường lao động luôn.

Ông Đam cũng thừa nhận mô hình đào tạo của Việt Nam theo mô hình tháp, nhưng đây đúng là cơ cấu lao động của các nước đang phát triển. Còn các nước phát triển đào tạo theo “mô hình quả trứng”, chứ không phải “củ khoai tây”.

Vấn đề đặt ra là một mặt làm sao nắn mô hình này theo xu hướng thế giới nhưng một mặt cũng phải tăng cường đào tạo nghề. Hiện nay, trong 100 lao động, chỉ hơn 50 lao động được đào tạo. “Do đó phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho 23 triệu người chưa có bằng cấp thì lập tức mô hình đào tạo sẽ theo đúng xu thế”, ông Đam nói.

Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi trong cuộc CMCN 4.0

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho hay, tại điều 47 Luật việc làm 2013 quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động. Năm 2015, Chính phủ cũng ban hành quy định hướng dẫn thi hành điều này. Tuy nhiên, quy định này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư 67.000 tỉ đồng.

Đại biểu Hạnh đề nghị Bộ có giải pháp đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là khi doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ để thích ứng với cuộc CMCN 4.0?

Hay đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho hay, lao động trong cuộc CMCN 4.0 là chủ đề nóng nhưng hành động cho nó lại khá mờ nhạt. Các đại biểu đề nghị Bộ đưa ra giải pháp?

Theo ông Đào Ngọc Dung, hiện nay doanh nghiệp chưa được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp vì điều kiện để được hưởng khá phức tạp. Doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ trong điều kiện đất nước suy giảm kinh tế; doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ mà người lao động có khả năng mất việc.

Bộ LĐTB&XH sẽ đề xuất nghiên cứu giảm nhẹ điều kiện, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn này.

Về lao động trong cuộc CMCN 4.0, theo ông Dung, bộ sẽ phối hợp với doanh nghiệp để doanh nghiệp tự đào tạo lao động cho mình. Cùng với doanh nghiệp, Bộ sẽ triển khai đề án đào tạo và đào tại lại công nhân, chống tình trạng sa thải lao động ngoài 35 tuổi.

Bộ trưởng Dung cũng cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ đào tạo cấp chứng chỉ cho sinh viên tốt nghiệp rồi nhưng chưa xin được việc. Khu vực du lịch và công nghệ thông tin có thể tiếp nhận 40.000 lao động mà chỉ cần cấp chứng chỉ là có thể xin được việc.

Mời đọc thêm:

Nạn nhân của những thí nghiệm chính sách

Có hay không cách mạng công nghiệp 4.0?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới