Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đào tạo nhà môi giới bất động sản: Thiếu đủ thứ  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đào tạo nhà môi giới bất động sản: Thiếu đủ thứ  

Ông Hoàng Văn Cường – Ảnh: HẠNH LIÊN

(TBKTSG Online) – Giáo trình, tài liệu, giảng viên, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thông tin về các đơn vị đào tạo… tất cả đều thiếu.

Đó chính là ý kiến của Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Chủ nhiệm khoa Bất động sản và Địa chính, Đại học Kinh tế Quốc dân trong cuộc trao đổi về vấn đề nhân lực cho thị trường bất động sản hiện nay.

Ông nhận xét như thế nào về thị trường nhân lực bất động sản Việt Nam trong thời điểm hiện nay?

Nhu cầu nhân lực trong ngành này đang rất lớn nhưng nguồn cung hiện chưa có gì hết. Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) Việt Nam đang sử dụng nhân lực theo kiểu “tay ngang”. Ngoại trừ một số ít người được đào tạo từ nước ngoài, một số được “học ké” từ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, còn lại đều chưa qua đào tạo. Vì vậy, lượng nhân lực này thường áp dụng kinh nghiệm từ những lĩnh vực khác vào thị trường bất động sản. Ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm, hay trực tiếp điều hành các công ty về BĐS cũng không được đào tạo bài bản. Vì thế chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường này vừa thiếu lại vừa yếu.

Chúng tôi là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo tổng hợp về thị trường này. Nhưng lượng nhân lực cung ứng cho thị trường này cũng chẳng thấm tháp gì. Năm 2002 chúng tôi bắt đầu đào tạo chuyên ngành về kinh doanh BĐS. Năm 2006, 40 em trong khóa đầu tiên được tốt nghiệp. Và năm nay cũng chỉ có khoảng 40 em nữa đang trong quá trình thực tập chuẩn bị ra trường. Một nhóm sinh viên khác tuy được đào tạo về kinh tế địa chính với 350 em nhưng đến nay lại đều hoạt động trong thị trường BĐS.    

Nguyên nhân do đâu, thưa ông?    

Một phần do thị trường BĐS phát triển quá nhanh khiến nguồn nhân lực được đào tạo ra không đáp ứng kịp. Nhưng chúng ta cũng không thể đổ tội cho thị trường được. Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta chưa dự báo được trước nhu cầu của thị trường.

Rất nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính đều rơi vào tình trạng này, trong khi đã có kế hoạch đào tạo từ rất nhiều năm nay, đến khi thị trường tăng trưởng  nhanh lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Hơn nữa, chúng ta đang đào tạo nhiều ngành theo nhu cầu của người học chứ không phải theo nhu cầu của thị trường. Việc giáo dục trong ngành BĐS hiện nay đang chạy theo sự phát triển chứ không đón đầu được sự phát triển.  

Hiện nay chưa có một dự báo hoặc một thống kê nào để thấy được mỗi năm ngành này cần bao nhiêu nhân lực? Việc đào tạo của chúng ta cũng đang diễn ra rất chậm. Mặc dù chúng tôi đã có chiến lược tăng tốc để đáp ứng như cầu sử dụng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tài liệu chuẩn để đào tạo sinh viên  hiện nay vẫn chưa có. Tất cả giáo trình đều được dịch lại từ giáo trình của nước ngoài, và cũng đang trong quá trình dạy thử nghiệm. Vì giáo trình của nước ngoài chỉ phù hợp khi có một hệ thống luật pháp ổn định, áp dụng vào giảng dạy tại nước ta chưa chắc đã phù hợp khi hệ thống luật pháp về BĐS không đồng bộ. Chính vì bản thân việc đào tạo còn đang loay hoay, càng khiến cho thị trường nhân lực bất động sản thêm “khát”.    

Bộ Xây dựng vừa có quyết định về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi giới, định giá BĐS, và quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS. Liệu sắp tới có xảy ra “chạy đua” lấy chứng chỉ hành nghề theo yêu cầu của nghị định 153?

Chắc chắn là sẽ xảy ra. Thực chất đã có một sự chờ đợi ngầm của những cơ sở đào tạo về dịch vụ này. Chỉ cần Bộ Xây dựng đưa ra quyết định về khung đào tạo, bồi dưỡng môi giá, định giá và điều hành sàn giao dịch BĐS theo quy định của Nghị định 153 (Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15-10-2007, đã quy định từ ngày 1-1-2009, mọi hoạt động về môi giới và định giá bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải có đủ số người có chứng chỉ hoặc giấy chứng chỉ hành nghề), các cơ sở đào tạo sẽ bung ra “như nấm sau mưa”.   Hơn nữa, quyết định số 29 về khung đào tạo, bồi dưỡng môi giới, định giá và điều hành sàn giao dịch BĐS với các điều kiện rất “mở” như không quy định cụ thể cơ sở nào được phép đào tạo, giảng viên nào có kinh nghiệm cụ thể được phép giảng dạy.

Chính vì thế, hiện tượng nhiều trung tâm không có chất lượng, hoặc “mượn danh” bung ra dạy theo kiểu “thời vụ” là dể hiểu. Trong khi đó, nhu cầu học chạy đua với thời hạn cuối của Nghị định 153 đang rất cao. Chỗ chúng tôi mới chỉ có một số lớp chuẩn bị đào tạo mà lượng đăng ký học đã quá đông. Thời gian tới, nguồn cung, đặc biệt là nguồn nhân lực được chuẩn hóa vẫn thiếu trầm trọng là điều chắc chắn mặc dù năng lực đào tạo có thể nâng lên    

Ở nước ngoài, họ đào tạo ra sao, thưa ông?  

Đó là một quy trình đào tạo bài bản với kinh nghiệm quản lý trong một thị trương phát triển nhiều năm. Chẳng hạn, vào năm 1984, tại Thụy Điển bắt đầu thực hiện việc đăng kí hành nghề của các nhà môi giới và định giá BĐS.

Mục đích chính của quy định này chính là việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng thông qua những dịch vụ môi giới chuyên nghiệp. Để được hành nghề, ứng viên cần đạt được những yêu cầu sau: tốt nghiệp từ trung học trở lên, nộp một khoản tiền bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tối thiểu (khoảng 10.000 đô la Mỹ), quyết định cho phép hành nghề của cơ quan có thẩm quyền.  

Còn tại Ba Lan, để có được chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chuyên nghiệp, thí sinh cần phải trải qua một quá trình thực hành nửa năm trong các công ty BĐS, phải trực tiếp tiến hành các nghiệp vụ môi giới. Sau khi đã hội đủ những điều kiện trên, thí sinh phải trải qua một kỳ thi quốc gia được tổ chức bởi Hội đồng Giám định Quốc gia trong lĩnh vực hành nghề chuyên nghiệp.

Xin cảm ơn ông

HẠNH LIÊN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới