Đào tạo nhân lực: Lực hút doanh nghiệp Đức vào Việt Nam
T.Thu
![]() |
Các đại diện của Đức tại hội thảo hôm 24-9. Ảnh: Thu Nguyệt |
(TBKTSG Online) – Việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư của Đức vào Việt Nam khi tình trạng thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đang là thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp Đức tại đây.
Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam tại một hội thảo hôm 24-9 ở TPHCM, ngoài các yếu tố vĩ mô, như lạm phát cao, hạn chế về hạ tầng, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam là tình trạng thiếu lao động có tay nghề kỹ thuật cao.
Ông Walde cho biết, 90% các doanh nghiệp Đức là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khi họ có dự định đầu tư tại Việt Nam thì thường kế hoạch đầu tư dài hạn, kéo dài 15-20 năm. Để vận hành máy móc sản xuất, các doanh nghiệp này cần công nhân có trình độ kỹ thuật tương ứng.
“Các doanh nghiệp Đức không đến Việt Nam vì lao động giá rẻ để rồi trong vài năm sau đó lại chuyển sản xuất của mình đi nơi khác”, ông Walde nói tại hội thảo “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức: tình hình và triển vọng” do Hội hữu nghị Việt – Đức cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt-Đức TPHCM phối hợp với Viện Friedirch Ebert (FES) tổ chức.
Hội thảo trên nhằm đóng góp ý kiến cho việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Đức trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược.
Đào tạo nghề được xác định là một trong các lĩnh vực quan trọng trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới. Theo ông Conrad Cappell, Tổng lãnh sự CHLB Đức tại TPHCM, chính phủ hai nước đã thống nhất với nhau trong hợp tác chiến lược là cố gắng đầu tư nhiều hơn cho nhân lực.
Vào tháng 10-2011, trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Việt Nam, Chính phủ hai nước đã ký kết tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước lên thành quan hệ chiến lược. Trong đó, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, như hợp tác chính trị chiến lược, thương mại và đầu tư, tư pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Hiện Việt Nam và Đức đã có một số hợp tác trong giáo dục, đào tạo nghề. Đó là việc thành lập Đại học Việt – Đức (VGU) (chuyên đào tạo các kỹ sư công nghệ cao) tại TPHCM vào năm 2008, và mới đây, trường quốc tế Đức được khai trương vào ngày 19-9 tại Quận 2, TPHCM.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Jürgen Mallon, Hiệu trưởng Đại học Việt – Đức, VGU là sự kết hợp giữa đào tạo nghề và nghiên cứu khoa học, nhằm cung cấp nhân lực có trình độ cao phục vụ cho các doanh nghiệp Đức, và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Jürgen Mallon cho biết, một khu đại học theo mô hình này sẽ được xây dựng tại tỉnh Bình Dương trên diện tích hơn 50ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, với vốn vay 180 triệu đô la từ ngân hàng Đức và vốn vay 20 triệu đô la từ Việt Nam.
Nếu tính các dự án còn hiệu lực đến ngày 20-7-2012, Đức có 184 dự án tại Việt Nam với vốn đăng ký đầu tư trên 904 triệu đô la Mỹ, xếp thứ 24/95 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Marko Walde, trên thực tế đầu tư của các công ty Đức vào Việt Nam lớn hơn nhiều, nếu tính các dự án đăng ký từ nước thứ ba vốn có ký kết với Việt Nam hiệp định tránh đánh thuế hai lần, như Hà Lan, Thái Lan. Chẳng hạn như, công ty Metro Cash & Carry đầu tư vào Việt Nam, nhưng được xem là một dự án của Hà Lan. |