Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đào tạo trực tuyến – Mô hình đầu tư mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đào tạo trực tuyến – Mô hình đầu tư mới

Đình Nghĩa

Đào tạo trực tuyến – Mô hình đầu tư mới
Giáo viên tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, đang sử dụng giáo trình trực tuyến của E-Study cho việc giảng dạy. Ảnh: Đình Nghĩa.

(TBVTSG) – Việc giảng dạy và đào tạo trực tuyến (e-study hay e-learning) đã phổ biến ở những nền kinh tế phát triển từ lâu nhưng ở Việt Nam lĩnh vực này mới bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong vài năm gần đây. Các chuyên gia về đầu tư mạo hiểm dự báo rằng, từ năm sau trở đi có thể bắt đầu thời điểm phát triển rộng rãi loại hình dịch vụ này và cũng là lúc nhà đầu tư bắt đầu thu lợi.

Kết quả thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy hiện số người sử dụng Internet trên cả nước đã lên đến hơn 30 triệu. Với tốc độ gia tăng lượng người sử dụng Internet mỗi năm hơn 15%, cộng thêm sự phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến, giới chuyên gia công nghệ dự báo rằng cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Một số doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giảng dạy ngoại ngữ, luyện thi đại học, kỹ năng nhân sự đang xây dựng chiến lược riêng cho loại hình đào tạo mới này, chờ đợi thời cơ từ thị trường.

Tìm kiếm cơ hội đầu tư

Ông Phan Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Giáo dục IDJ (IDJ Technology), thuộc tập đoàn IDJ, cho biết tiềm năng của thị trường đào tạo trực tuyến tại Việt Nam vào thời điểm này là rất lớn. Dựa theo những bản báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê về lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam (tính đến cuối tháng 2-2012 đạt khoảng 32,6 triệu), ông Sơn dẫn chứng phần lớn người sử dụng ở trong độ tuổi 15-24, độ tuổi được xem là có nhu cầu cao nhất về học tập.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận định đào tạo trực tuyến là một lĩnh vực đầu tư khá mạo hiểm. Do đó, nếu doanh nghiệp bắt đầu đi từ mảng đào tạo truyền thống lên mảng trực tuyến thì sẽ giảm thiểu rủi ro hơn là chỉ đầu tư riêng cho lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Nhưng bù lại, số người sử dụng dịch vụ trực tuyến tiềm năng có thể lên đến hàng triệu. Tỷ suất lợi nhuận mà ngành này mang lại có thể đạt đến 100%, hay thậm chí lên đến 200 – 300%/năm.

Tính đến nay, IDJ Technology đã thu hút được khoảng 100.000 người theo học các lớp trực tuyến, sau gần một năm hoạt động.

Ông Trịnh Quang Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường học trực tuyến E-Study, cho biết công ty ông bắt đầu cung cấp dịch vụ đào tạo qua Internet từ tháng 8-2011. E-Study đã hợp tác với khoảng 100 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TPHCM, với số lượng học viên lên đến khoảng 40.000 người.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc Tổ chức đào tạo Talent Mind Education – đơn vị đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp về kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp…, cho biết doanh nghiệp ông đang đầu tư cho mảng đào tạo trực tuyến, khoảng tháng 9 năm nay sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường.

“Là một ngành mới, phương pháp dạy và học trực tuyến hoàn toàn khác với cách thức truyền thống trước đây. Thay vì phải đến lớp nghe giáo viên giảng bài thì học viên ở nhà học qua Internet và họ phải chủ động trong việc học tập, tìm hiểu và ghi nhận kiến thức. Đây cũng là một thách thức lớn của lĩnh vực đào tạo trực tuyến”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, những khó khăn còn lại cũng không kém phần quan trọng là hiện nay, người học chưa tin tưởng vào chất lượng giảng dạy trực tuyến, học viên chưa có thói quen thanh toán tiền học phí qua mạng, quy trình thanh toán điện tử còn rườm rà…

Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều cơ sở đào tạo trực tuyến, mỗi nơi đều theo một quy chuẩn và giáo trình riêng, làm cho người học không biết dựa vào đâu để lựa chọn. Có những bộ giáo trình do cơ sở đào tạo tự biên soạn, cũng có những bộ giáo trình tiên tiến theo tiêu chuẩn của nước ngoài…

Nhận định về vấn đề này, ông Đồng của Trường học trực tuyến E-Study nói rằng đây là một nhược điểm của hình thức đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, về căn bản, bộ giáo trình nào cũng mang lại lợi ích nhất định cho người học.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đặt ra quy chuẩn chung cho công tác đào tạo từ bậc tiểu học đến sau đại học theo tiêu chuẩn châu Âu. Người học có thể dựa vào quy chuẩn này để lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu của mình.

Ngoài ra, phương thức giáo dục này còn đòi hỏi học viên phải có tính kiên nhẫn, tính tự giác và nghiêm túc cao, từ đó họ mới có thể thu lợi cho bản thân về mặt kiến thức, kinh nghiệm.

“Khâu đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin như thuê máy chủ, nâng cấp đường truyền Internet không quá phức tạp, doanh nghiệp nào cũng làm được. Nhưng điều quan trọng nhất là phải xây dựng được nội dung đào tạo sao cho thu hút người học, giúp họ không cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi khi ngồi trước màn hình máy tính, bên cạnh đó là những yêu cầu về việc phân chia thời gian học hợp lý, giáo trình trực quan sinh động…”, ông Hoàng cho biết.

Kỳ vọng tiềm năng phát triển

Ông Sơn của IDJ Technology cho biết trong năm nay, chiến lược tiếp thị đến khách hàng tiềm năng của công ty thay đổi hoàn toàn do khó khăn về kinh tế.

Nếu như trước đây, công ty đầu tư vào khâu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như ti vi, báo, tạp chí và các trang web lớn thì ở thời điểm này chỉ ưu tiên sử dụng những công cụ tiếp thị theo hướng mạng xã hội như Facebook, các diễn đàn, cộng đồng học tập trực tuyến.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ tham gia các hoạt động do các trường tổ chức, để vừa giúp học sinh làm quen với hình thức đào tạo mới này, vừa quảng bá dịch vụ đến các bậc phụ huynh. Trong năm 2012 này, IDJ Technology sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ đào tạo mới, đa dạng hóa kênh phân phối, khai thác bằng nhiều kênh bán hàng đa dạng.

Ngoài các dịch vụ chuyên cho bậc phổ thông trung học, ngoại ngữ và luyện thi đại học, sắp tới đây, công ty sẽ đưa ra sản phẩm mới là hệ thống gia sư trực tuyến, cho phép các giáo viên và người học tự tổ chức các lớp học ảo trên nền tảng công nghệ của công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ giới thiệu mô hình chợ kiến thức trực tuyến, gắn kết nhu cầu dạy và học giữa các giáo viên, chuyên gia trong những lĩnh vực cụ thể với những người có nhu cầu bổ sung, nâng cao kiến thức.

Trong khi đó, ông Đồng cho hay E-Study đang hợp tác với Nhà xuất bản Marshall Cavendish (Anh) để cung cấp những giáo trình điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế cho người học. Trường học trực tuyến này cũng đang đàm phán với Tập đoàn giáo dục Pearson trong việc áp dụng phương pháp tổ chức các kỳ thi trực tuyến.
“E-Study dự định sẽ hợp tác với nhà xuất bản Macmillan (Mỹ) trong thời gian tới nhằm cung cấp những giải pháp học tiếng Anh trực tuyến dành cho các trường và những người bận rộn. Chúng tôi cũng thành lập các câu lạc bộ giáo viên tiếng Anh, cung cấp cho họ giáo trình điện tử, phương pháp dạy và học tiếng Anh qua Internet”, ông Đồng nói.

Theo các chuyên gia, sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến sẽ giúp người học có thêm nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, có một yếu tố thực tế là nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, lượng người thất nghiệp tăng sẽ phần nào thúc đẩy nhu cầu học tập, nhất là các khóa học nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ trong kinh doanh ngày càng tăng. Việc người học mong muốn tìm được việc làm phù hợp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của mình khi tham gia các cuộc tuyển dụng cũng sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho dịch vụ đào tạo trực tuyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới