Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ðạo văn làm văng đạo!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ðạo văn làm văng đạo!

Trang Quan Sen, CHLB Đức

Ðạo văn làm văng đạo!
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Tôi có một anh bạn nhà báo, đồng thời là giảng viên một trường đại học. Anh viết thư cho tôi, tỏ nỗi bực dọc chuyện bị một giảng viên đại học khác trắng trợn “đạo văn” bài viết và một số tham luận của anh. Khi biết anh định công khai sự việc này, người vi phạm đã xin anh tha lỗi vì nếu công khai, anh ta có thể bị mất việc. Cuối cùng, anh bạn tôi không đành lòng làm to chuyện nhưng vẫn bức xúc qua những lời than thở với bạn bè.

Trường hợp tôi cũng không khác gì. Cách đây không lâu, tôi tình cờ bắt gặp trên Internet bài viết về rượu vang của mình, đã được đăng trên TBKTSG (bài “…Làng vang ta phải biết cho đủ mùi!”, số báo tất niên Canh Dần, ngày 27-1-2011)(1), nhưng tại trang web quảng cáo rượu vang này, bài viết đã bị đổi tựa và lấy tên tác giả khác.

Ðây là những chuyện khó tin nhưng có thật! Vài người bạn trong nước cho biết việc đạo văn ở Việt Nam giờ đã thành chuyện bình thường. Tôi vẫn không hiểu sao có thể xem đạo văn là chuyện bình thường? Về mặt luật pháp, đạo văn (plagiarism) là một loại vi phạm luật bản quyền và có thể bị truy tố. Ở châu Âu, luật này bao gồm cả việc sao chép nguyên tác lẫn nhái sản phẩm.

Văn hóa đạo văn?

Thật ra, việc sử dụng một hay nhiều đoạn văn, ý tưởng của người khác để từ đó đưa ra một ý tưởng mới hay một bài viết mới là điều cần thiết, có như vậy khoa học hay văn học mới có cơ sở phát triển. Tuy nhiên, trong việc trích dẫn, nếu người viết chỉ trích mà không dẫn thì đây là một dạng “trộm” hay “đạo” văn hoặc ý tưởng của người khác làm của riêng.


Tác giả Vũ Thị Phương Anh ở Đại học Quốc gia TPHCM sau khi quan sát nhiều trường hợp đạo văn ở Việt Nam đã đi đến kết luận rằng ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, Hàn quốc, có một nền “văn hóa đạo văn”. Theo tác giả Phương Anh, đạo văn ở những nước này là “một thói quen, một cách làm mà ai cũng thấy là bình thường, cả người vi phạm lẫn người bị vi phạm – dù tất nhiên người bị vi phạm sẽ không cảm thấy thoải mái gì cho lắm”(2).

Tôi còn nhớ cách đây hai năm, tại một hội chợ quốc tế ở Hannover (Ðức) có sự tham gia của hàng ngàn công ty nước ngoài, người ta phát hiện một gian hàng Trung Quốc có nhiều sản phẩm nhái sản phẩm của một công ty Ðức. Theo luật bảo vệ bản quyền, các sản phẩm nhái bị tịch thu và chủ nhân của nó sẽ bị phạt. Thế nhưng chủ nhân của gian hàng này tỏ vẻ ngạc nhiên vì ông cho rằng bắt chước sản phẩm là một chuyện bình thường ở Trung Quốc. Ông ta còn hãnh diện vì hàng nhái rẻ và gần tốt như hàng gốc! Kevin Huang, một chuyên gia về xe, khi được hỏi tại sao xe hơi Trung Quốc giống xe Mercedes hay BMW của Ðức, đã biện luận: “Ở Trung Quốc sao chép hay nhái một sản phẩm là một dạng trân trọng đặc biệt sản phẩm đó. Chỉ có những kiểu mẫu thật đẹp, người ta mới bắt chước, vì vậy không nên trách họ”(3).

Việt Nam cũng không khác nhiều, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt khi còn làm Giám đốc NXB Trẻ đã từng than phiền về vấn nạn sách “luộc”, sách in lậu bày bán “tự do” trên đường phố. Cũng theo bà Nguyệt, chờ Nhà nước can thiệp, nhiều khi “được vạ thì má đã sưng”(4).

Cũng không thiếu các vụ đạo văn trong khoa học. Nổi bật là vụ nhóm “tác giả” của Viện Vật lý Hà Nội bị tạp chí Euro Physics Letters rút bài “Hằng số tương tác điện từ thay đổi theo thời gian” do “đạo văn quá nhiều”(5) và cuốn sách “Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại” (NXB Giáo dục) của một vị nguyên là hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, có nhiều nội dung “đạo” từ quyển “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)” do Ngô Đức Thọ và đồng nghiệp chủ biên (NXB Văn Học 1993)(6).

Trong những thế kỷ qua, nền khoa học Âu Mỹ đã phát triển vượt bậc không chỉ do các nhà khoa học của họ làm công việc chuyên môn một cách nghiêm túc mà còn do họ luôn ý thức giữ vững đạo đức khoa học, bao gồm tính khách quan và chân thật trong quá trình nghiên cứu. Mỗi một kết quả nghiên cứu khoa học là một viên gạch cần thiết để xây nên ngôi nhà khoa học thế giới. Vì vậy, đối với các nước phương Tây, đạo văn trong khoa học là một vi phạm nghiêm trọng, khó tha thứ.

Ðạo văn là “ăn cắp trí tuệ”

Thật ra đạo văn xuất hiện ở mọi thời đại, mọi nơi, kể cả ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, các nước Âu Mỹ luôn nhìn đạo văn là một hiện tượng “ăn cắp trí tuệ” và công luận phản ứng rất mạnh mẽ. Còn nhớ vụ đạo văn trong luận án tiến sĩ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ðức zu Guttenberg bị Giáo sư Andreas Fischer-Lescano của Đại học Bremen phát hiện. Sau đó là hàng loạt các hoạt động kiểm tra, trang web Guttenplag.wikia.com được thành lập để tìm và so sánh các phần trích mà không dẫn…, báo chí ở Ðức hỗ trợ và đưa tin thường xuyên… Song song đó còn xuất hiện nhiều cuộc biểu tình của các nghiên cứu sinh và nhà khoa học phản đối đạo văn trong khoa học, cho dù bà Thủ tướng Angela Merkel có tỏ ý “bênh vực” vị bộ trưởng của mình.

Kết quả, Guttenberg bị rút lại bằng tiến sĩ và phải từ chức bộ trưởng quốc phòng. Sau sự kiện Guttenberg, Guttenplag.wikia.com tiếp tục khám phá ra nhiều vụ đạo văn trong luận án tiến sĩ của một số chính trị gia Ðức. Nổi bật là vụ Silvana Koch-Mehrin. Vị này không chỉ bị rút bằng tiến sĩ mà còn phải từ chức phó chủ tịch quốc hội EU.

Ở Việt Nam thì sao? Như TS. Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm, trả lời phỏng vấn của báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Có vẻ như những công trình đạo văn đã góp phần đưa các tiến sĩ thành phó giáo sư, các phó giáo sư thành viện trưởng, thành những nhà quản lý”. Sau khi bị phát hiện, các thủ phạm đều tại vị, đã không bị mất chức mà “thậm chí một số vị vẫn thăng tiến trên quan lộ”. Còn những quyển sách bị phát hiện đạo văn? “Chưa có cuốn nào bị thu hồi. Cũng chưa có giải thưởng nào đã trao cho nó, bị thu hồi”(7).

Có quá nhiều kiểu đạo văn, từ trích một đoạn văn của người khác không ghi xuất xứ cho đến việc lấy nguyên bài viết sửa lại tên tác giả hay nhái một sản phẩm. Cũng có nhiều loại động cơ đạo văn, vì tiền, vì (hư) danh, vì phải hoàn thành luận án khoa học để lấy học hàm học vị, để thăng quan tiến chức… Nhưng nếu dư luận cứ dễ dàng coi đó là chuyện bình thường thì hậu quả tất yếu đưa đến là một xã hội thoái hóa đạo đức. Còn nếu công luận, nhất là giới truyền thông, tích cực hơn nữa trong việc chống đạo văn, và các biện pháp trừng phạt vi phạm được thực thi một cách nghiêm minh như ở các nước phát triển, thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều “nhà khoa học”, nhiều “cán bộ lãnh đạo” với các bằng tiến sĩ, giáo sư không minh bạch, sẽ ăn ngồi không yên vì nơm nớp sợ đến ngày thoái vị.

_________

(1) http://www.thesaigontimes.vn/Home/dulich/amthucnew/47207/-Lang-vang-ta-phai-biet-cho-du-mui!.html
(2) http://sgtt.vn/Khoa-giao/132031/Phong-chong-dao-van-tu-goc-nhin-van-hoa.html.
(3) http://www.fr-online.de/auto/kuriose-kopien-auf-der-auto-shanghai/-/1472790/8381242/-/index.html
(4) http://vietbao.vn/Van-hoa/TS-Quach-Thu-Nguyet-Lam-sach-la-y-tuong-va-toc-do/40089271/181/
(5) http://sgtt.vn/Khoa-giao/131933/Dao-van-va-dao-duc-khoa-hoc.html.
(6) http://phapluattp.vn/20100514121042846p0c1019/nguyen-hieu-truong-mot-truong-dai-hoc-bi-to-dao-van.html
(7) http://giaoduc.net.vn/Tin-nong/Phai-xem-xet-dao-van-nhu-mot-toi-pham-kinh-te/3701.gd

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới