Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đất hiếm, “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc đấu với Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đất hiếm, “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc đấu với Mỹ

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc áp thuế thêm cho hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế nhưng Bắc Kinh không còn nhiều sự lựa chọn trả đũa vì nước này đã đánh thuế với hầu hết hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong tình thế đó, đất hiếm, nổi lên như là một “vũ khí” để Bắc Kinh đáp trả Washington nếu chiến tranh thương mại leo thang.

Trung Quốc hạn chế mua than Úc: Đòn nhất tiễn song điêu?

Đằng sau những “bẫy nợ” Trung Quốc

Đất hiếm, “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc đấu với Mỹ
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm công ty khai thác và chế biến đất hiếm JL Mag Rare-Earth ở thành phố Cám Châu, Giang Tây, Trung Quốc, hôm 20-5. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong chuyến công tác đầu tiên ở trong nước kể từ Mỹ tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, hôm 20-5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm công ty khai thác và chế biến đất hiếm JL Mag Rare-Earth ở thành phố Cám Châu, Giang Tây.

Ông cũng viếng thăm một khu tưởng niệm ở huyện Vu Đô của thành phố này, nơi khởi đầu của "Vạn lý trường chinh", cuộc rút lui chiến thuật của Hồng quân Trung Quốc cách đây 85 năm.

Tháp tùng trong chuyến thăm là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn tín cẩn nhất của ông Tập và là trưởng đoàn đàm phán trong cuộc đàm phán kéo dài gần một năm qua với Mỹ.

Chuyến thăm công ty đất hiếm JL Mag Rare-Earth của ông Tập làm dấy lên các suy đoán cho rằng Trung Quốc có thể cân nhắc cấm xuất khẩu đất hiếm để trả đũa Mỹ.

Công ty đất hiếm JL Mag Rare-Earth là một trong những công ty khai thác và chế biến đất hiếm lớn nhất Trung Quốc. Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố hóa học thường được tìm thấy cùng nhau trong những mẩu quặng phân bố ở một số khu vực trên thế giới. Các khoáng chất đất hiếm là thành phần quan trọng trong các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, tivi, máy sấy tóc, lò vi sóng, xe điện… và cả các loại vũ khí. 

Trung Quốc, nhà sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, đang nắm giữ 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu.

Vì có tầm quan trọng chiến lược, đất hiếm là một trong số ít những mặt hàng mà Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ loại bỏ khỏi danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 300 tỉ đô la bị cân nhắc áp thuế trong thời gian tới.

Trung Quốc có thể ngừng xuất khẩu đất hiếm để gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất của các công ty công nghệ Mỹ bị tê liệt.

Tuần trước, Jin Canrong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, đăng một bài viết gợi ý Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trừng phạt động thái tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc của Mỹ. Vì Mỹ chỉ xuất khẩu 120 tỉ đô la hàng hóa sang Trung Quốc vào năm ngoái nên Bắc Kinh không thể trả đũa tương ứng bằng các đòn thuế.

David Abraham, học giả cao cấp ở tổ chức tư vấn chính sách công New America (Mỹ), nhận định: “Trung Quốc hiểu rõ các chuỗi cung ứng tốt hơn chúng ta cũng như hiểu rõ các khoáng chất đất hiếm này có sức mạnh chi phối như thế nào đến smartphone, xe điện Tesla và máy bay chiến đấu của chúng ta”.

Quy trình tách các khoáng chất từ đất hiếm để tạo ra những vật liệu hữu ích là rất phức tạp, tốn kém và Trung Quốc có lợi thế không thể chối cãi về vấn đề này.

Ryan Castilloux, Giám đốc công ty tư vấn đất hiếm Adamas Intelligence, cho rằng chuyến thăm Công ty JL Mag Rare-Earth không phải sự kiện ngẫu nhiên. Ông nói: “Chuyến thăm phát đi thông điệp rằng Trung Quốc biết rõ đất hiếm không chỉ quan trọng đối với các ngành công nghệ cao của Mỹ mà còn quan trọng cả đối với lĩnh vực sản xuất quốc phòng của Mỹ”.

Công nhân làm việc tại một mỏ đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đây, Bắc Kinh đã từng “vũ khí hóa” đất hiếm khi cắt giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010 nhằm gây sức ép với Nhật Bản giữa lúc căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dâng cao.

Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã nộp đơn khiếu nại động thái giảm hạn ngạch xuất khẩu này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2012. WTO đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc nên đến năm 2015, Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Song các nhà quan sát khác nghi ngờ tính hiệu quả của lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm. Giáo sư ngành quan hệ quốc tế Shi Yinhong ở Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, đất hiếm không có ý nghĩa nhiều trước tác động to lớn của cuộc chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty JL Mag Rare Earth vẫn tăng kịch trần 10% trong hai ngày liên tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến sau khi Tân Hoa xã đưa tin về chuyến thăm của ông Tập. Cổ phiếu của các công ty đất hiếm khác của Trung Quốc cũng đồng loạt tăng theo. Hôm 21-5, chỉ số đo lường biến động giá cổ phiếu 38 công ty liên quan đến đất hiếm ở Trung Quốc tăng 6,7%.

Trung Quốc là nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất sang Mỹ trong nhiều năm. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang nước này đạt mức 92 triệu đô la, theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ; trong khi đó, Nhật Bản, nước xuất khẩu đất hiếm lớn thứ hai sang Mỹ, cung cấp cho Mỹ các lô hàng đất hiếm trị giá 23 triệu đô la. Tính đến tháng 3, Mỹ đã nhập khẩu 19 triệu đô la đất hiếm.

Theo SCMP, Financial Times

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới