Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đất lúa sẽ được luật hóa  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đất lúa sẽ được luật hóa  

Một khu dân cư đang xây dựng trên diện tích đất trồng lúa ở giữa vùng lúa Đồng Tháp Mười thuộc huyện Mộc Hóa, Long An – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Nếu dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay thì đây là lần đầu tiên, đất trồng lúa trên phạm vi cả nước sẽ được luật pháp bảo vệ trước sức ép của an ninh lương thực quốc gia.

Trong hai ngày 5 và 6-5, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai tại TPHCM, trong đó có vấn đề bảo vệ đất lúa. Hội thảo này diễn ra trong sự trùng hợp ngẫu nhiên ngay sau cơn sốt gạo cách đây hai tuần gây chấn động cả nước. Còn trong ba tháng qua, báo chí trong nước nói nhiều về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình đất trồng lúa giảm mạnh và tác động của khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Bảo vệ nghiêm ngặt đất lúa  

Ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết dự thảo luật lần này mà bộ đưa ra lấy ý kiến tập trung vào hai nhóm chính là nhóm các điều luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhóm các điều luật có liên quan tới giá đất, đền bù khi thu hồi đất và tái định cư.

Bản chất của việc sửa đổi các điều luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo ông Ngọc là để bảo vệ nghiêm ngặt đất canh tác nông nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. “Xác định chỉ tiêu diện tích khống chế đối với một số loại đất có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo đảm an ninh lương thực”, ông nói tại hội thảo ngày 6-5.

Đây là lần đầu tiên, việc bảo vệ diện tích đất trồng lúa được ghi hẳn vào luật tại điều 23 của dự thảo khi nhấn mạnh: “Khoanh định ranh giới các khu vực đất chuyên trồng lúa nước”, mà các nhà soạn thảo luật của Bộ TN-MT gọi nôm na là “vẽ chỉ giới đỏ để bảo vệ đất lúa”.

Không chỉ nhắc tới việc bảo vệ đất trồng lúa đơn thuần mà luật còn quy định các vấn đề có liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều phải xác định ranh giới đất trồng lúa từ phạm vi cả nước tới tỉnh, huyện hay xã phường. Ngoài ra, ở cấp huyện, xã, việc quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất phải tính đến đất trồng lúa nương, đất trồng các loại cây khác, đất trồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất làm muối và nuôi trồng thủy sản.  

Để ổn định diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác, ông Ngọc cho biết, dự thảo luật đã thay đổi thời gian của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Chẳng hạn theo Luật Đất đai hiện hành có hiệu lực từ năm 2003, kỳ quy hoạch sử dụng đất của cả nước là 10 năm thì nay tăng lên 20 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất từ trung ương tới xã, phường là năm năm thì nay tăng lên 10 năm.  

Một nét mới khác là Luật Đất đai năm 2003 không hề đề cập tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong sử dụng đất nông nghiệp dù rằng đây là bộ quản lý ngành về canh tác trên đất nông nghiệp. Nay dự luật đề cập tới bộ này với vai trò là cơ quan có trách nhiệm đề xuất nhu cầu sử dụng đất đối với đất chuyên trồng lúa và đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có liên quan tới môi trường sinh thái.  

“Đất lúa và các loại đất nông nghiệp khác lần này sẽ được luật hóa”, ông Ngọc khẳng định và cho biết, theo dự kiến, kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội sẽ thông qua dự luật này để Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực vào đầu năm tới sẽ không còn cảnh chính quyền địa phương “thích” thì thu hồi đất lúa làm khu công nghiệp hay nhà máy.

Theo Bộ TN-MT, trong vòng năm năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp – mà chủ yếu là để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp và đất ở, lên tới trên 366.000 héc ta, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm đất nông nghiệp bị thu trên 73.000 héc ta, đã làm cho sản lượng lúa của Việt Nam trong năm năm qua bị chựng lại xoay quanh mức 35-36 triệu tấn, trong khi trước năm 2000, sản lượng lúa năm sau đều tăng mạnh so với năm trước.

Bàn chuyện nông dân không còn đất

Hôm 5-5, hội thảo dành cả ngày cho việc đóng góp ý kiến của các cơ quan nhà nước các tỉnh phía Nam, còn trong ngày 6-5, hơn 250 đại biểu tham dự là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các khu công nghiệp và những doanh nghiệp sử dụng đất khác ở 22 tỉnh, thành phía Nam. Dù đây là lần lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật nhưng nhiều doanh nghiệp khi góp ý, đã đặt ra vấn đề nông dân không còn đất trong quá trình giải tỏa, đền bù đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, khu công nghiệp.  

Dù không tham gia hội thảo nhưng trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, tiến sĩ Lê Đức Thịnh, chuyên gia về đất đai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết khi chưa quy hoạch thì một héc ta đất nông nghiệp, địa tô (thu nhập mà chủ sở hữu hay người có quyền sử dụng đất đai nhận được trong quá trình sử dụng đất) của nó là địa tô đất nông nghiệp. Nhưng khi quy hoạch thành khu công nghiệp – dịch vụ rồi thì địa tô của nó đã là địa tô đất phi nông nghiệp mà địa tô của hai loại đất này chênh lệch nhau rất nhiều.

Theo ông Thịnh, nhà đầu tư sẽ hưởng hết phần lợi này mà lẽ ra, chênh lệch địa tô đó phải được nhà nước (với vai trò là người mang lại) chia lại cho nông dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc cho nông dân góp vốn vào dự án cũng là một cách để đảm bảo việc thụ hưởng lâu dài địa tô đất nông nghiệp mà lẽ ra họ được hưởng nếu không rời bỏ mảnh đất đó”, ông Thịnh nói.

Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Bình Dân ở TPHCM, cho biết việc xây dựng các dự án nhà ở, khu công nghiệp, nhà máy trên đất nông nghiệp đồng nghĩa với hàng loạt nông dân không còn đất canh tác để sinh sống, buộc họ phải từ bỏ nghề nông từ bao đời nay và chuyển sang nghề khác mà không dễ thích nghi. Do vậy mà xảy ra bao hệ lụy cho xã hội khi người nông dân có một khoảng tiền quá lớn nhờ đền bù đất nhưng chẳng biết làm gì cho hiệu quả.

Hậu quả xấu và trực tiếp của việc nông dân cầm tiền nhiều và mất đất thì ai cũng biết nhưng có điều, theo ông Tú, sự biến động của thị trường địa ốc trong thời gian qua cũng như vấn đề lạm phát, phần nào là do nông dân được đền bù đất nông nghiệp, cầm tiền nhiều và đầu tư vào nhà đất, chi dùng hoang phí.  

Nông dân bỏ tiền ra săn lùng mua nhà, mua đất khắp nơi dù chưa cần thiết, tiêu xài hoang phí như mua xe cộ, phương tiện sinh hoạt đắt tiền, làm lượng tiền mặt đẩy ra lưu thông quá nhiều, ông Tú giải thích. Doanh nghiệp này đề xuất Bộ TN-MT nên đưa thêm vào dự luật nội dung bắt buộc các chủ đầu tư dự án phải cho người nông dân bị thu hồi đất được tham gia vào dự án bằng hình thức mua cổ phần, góp vốn bằng chính tiền đền bù đất bị mất của mình, trừ các dự án an ninh quốc phòng, dự án hạ tầng công cộng của nhà nước.  

Một doanh nghiệp ở Tiền Giang đồng tình với ý kiến trên và gợi ý thêm, với các dự án sử dụng đất nông nghiệp thì giá đền bù để góp vốn vào dự án của nông dân được tính ngang bằng với giá mà nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất sau khi thu hồi từ người nông dân có quyền sử dụng chính diện tích đất đó.  

“Thực tế việc đền bù giải tỏa hiện nay gặp khó khăn có phần nguyên nhân là người nông dân có sự so sánh về giá đền bù. Họ nói đất mà họ bị thu hồi thì đền bù giá thấp nhưng sau đó nhà nước cho doanh nghiệp thuê với giá quá cao”, doanh nghiệp này nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị Bộ TN-MT nên bỏ điều khoản trong luật cho phép UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định thu hồi đất, vì như vậy sẽ rất dễ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất chung của tỉnh, thành phố. Một doanh nghiệp cho rằng nếu cho huyện được thu hồi đất thì dễ mất đất trồng lúa trước sự “thuyết phục” của nhà đầu tư.

Ở huyện, có nhà đầu tư nào tới thì phải chọn đất làm nhà máy có điều kiện giao thông thuận lợi mới dễ bề làm ăn, khổ nỗi ở nông thôn, các vùng sản xuất lúa, đất tốt lại chính ở những nơi đường sá đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, trong tư tưởng của chính quyền cấp huyện hiện nay, đất lúa là đất của nhà nước, dễ đền bù giải tỏa, tiền đền bù cũng thấp so với các cây trồng khác, còn đất thổ cư hay đất trồng cây lâu năm, giá đền bù cao, khó khăn trong giải tỏa.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới