Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đất nông nghiệp bị phân lô bán nền, nông dân đề nghị có biện pháp kiểm soát

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp trái pháp luật khiến giá đất nông nghiệp ở một số địa phương bị đẩy tăng cao, gây hiện tượng sốt ảo, được nông dân phản ánh trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ tại buổi đối thoại ngày 29-5.

Nằm lọt trong các khu trồng trà, đâu đó lại xuất hiện một khoản đất được phân lô như vầy. Cây nông nghiệp không còn, đường nội bộ được làm và chỉ loanh quanh trong khu đất. Ảnh: Lê Vũ

Tại hội nghị, nông dân Hoàng Đình Quê (tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề, thời gian qua, giá đất tại nhiều nơi tăng nóng dẫn tới hiện tượng nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.

Ông Quê đặt câu hỏi: “Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên xác nhận phản ánh của ông Quê là đúng thực tế. Ông Kiên nói, theo phản ánh của truyền thông, thời gian qua giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế – xã hội, trật tự an ninh ở địa phương. Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã có văn bảo chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất và thị trường bất động sản.

Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng thời gian qua vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất phổ biến, đặc biệt nổi lên ở trình trạng phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh.

“Thực trạng này gây nên nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất, cản trở các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết chủ đầu tư đã rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể hoặc đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Đơn cử mấy năm trước chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Alibaba. Công ty này đã tự vẽ 42 dự án với 620 ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỉ đồng”, ông Hùng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, giải pháp trong thời gian tới là sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cũng theo ông Kiên, thời gian tới Nhà nước sẽ công bố thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung trong đó có kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Đàu cầu trực tuyến từ UBND TPHCM. Ảnh” Lê Vũ

Bên cạnh đó là việc thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, một mặt để thu thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định các pháp luật đất đai về việc tách thửa cũng như xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án theo quy định của pháp luật.

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định về đất đai vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh kế, đời sống người dân, Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…

Đây là lần thứ 4, hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức, và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.Tại sự kiện, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các bộ ngành đối thoại với nông dân để tìm ra đáp án và động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn cất cánh.Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức.Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, qua chuẩn bị hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến trong các cấp hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới