Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đất nông nghiệp thời khủng hoảng lương thực  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đất nông nghiệp thời khủng hoảng lương thực  

Nơi đây từng là cánh đồng lúa của huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, nay được san ủi, trở thành cụm công nghiệp Thanh Bình – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Việc chuyển đổi đất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp, hạ tầng và bất động sản không chỉ gắn với bài toán cuộc sống của người nông dân mà còn là câu chuyện về an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Ở xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên có hơn 4.400 người sinh sống bằng nghề nông với 1.200 héc ta đất nông nghiệp và nghề biển. Nhưng từ nay đến cuối năm, họ phải di dời để nhường chỗ cho dự án nhà máy lọc hoá dầu Vũng Rô.  

Cách đó 60 km, 1.700 hộ dân của xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa sống trên diện tích đất 805 héc-ta cũng sẽ phải di dời, dồn về sống trong 230 héc-ta; phần còn lại nhường chỗ cho các dự án công nghiệp.

Tương lai của những người dân này thật mờ mịt khi họ phải từ bỏ nghề trồng lúa, trồng điều như ở Hòa Tâm hay nghề làm muối như ở Ninh Hải. Chẳng những vậy, đằng sau chuyện nông dân ra đi, rời bỏ đất nông nghiệp, còn là câu chuyện dài về an ninh lương thực quốc gia. 

Sau thu hồi đất, người nông dân gặp khó khăn  

Tuy sống ở quận 2 – một quận nội thành của TPHCM-nhưng một số người dân ở đây vẫn sống bằng nghề nông không khác gì nông dân ở các huyện ngoại thành Nhà Bè hay Cần Giờ. Theo Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo thành phố, với chủ trương xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn tại các phường nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa trắng. Người nông dân nghèo những nơi này chẳng biết làm gì khi mảnh vườn, thửa ruộng vốn là nơi kiếm sống của họ, nay phải bàn giao.  

Theo thống kê không đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), TPHCM hiện có hơn 52.000 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, nhà ở, các dự án thương mại-dịch vụ khác, trong đó tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành và đất bị thu hồi đa phần là đất nông nghiệp.  

Trên bình diện cả nước, trong vòng năm năm từ 2001 đến 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp, mà chủ yếu là để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, đất ở lên tới trên 366.000 héc ta, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm đất nông nghiệp bị thu hồi là hơn 73.000 héc ta. Giả định toàn bộ diện tích đó là đất trồng lúa thì mỗi năm, sản lượng lúa cả nước tụt giảm xấp xỉ 700.000 tấn.  

Tại TPHCM, diện tích đất nông nghiệp ở ngoại thành hàng năm giảm gần 7.000 héc-ta do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, đất xây dựng nhà máy.  

Cũng theo thống kê của Bộ TNMT trong thời gian nói trên, số người dân mất đất nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam bộ với hơn 100.000 hộ. Hai địa phương có số hộ dân bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội với 138.291 hộ và TPHCM là 52.094 hộ.  

Bắc Ninh là tỉnh đưa ra những khoản ưu đãi tương đối sớm ở phía bắc để mời gọi các nhà đầu tư. Bây giờ sau nhiều năm thu hút đầu tư, tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước này có nhiều khu công nghiệp, kéo theo hơn 3.000 héc-ta đất nông nghiệp bị mất và theo thống kê thì cứ năm hộ dân trong tỉnh thì có một hộ mất đất canh tác. Có những thôn, xóm có đến 90- 95% diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi, nhường chỗ cho công nghiệp.  

Theo ông Lê Quý Đăng, Cục phó Cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi tác động trực tiếp đến nguồn thu nhập của 10 người lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong năm năm qua trên cả nước đã tác động đến thu nhập của hơn 3,5 triệu người.   

Nhiều doanh nghiệp, chủ dự án khi đền bù giải tỏa đất đai đều đưa ra lời cam kết là sẽ tạo công ăn việc làm cho người bị giải tỏa, nhưng khi xong việc rồi thì họ quên việc thực hiện cam kết. Đó là chưa kể người nông dân vốn có trình độ thấp nên không phải ai cũng đủ điều kiện xoay trở để trở thành công nhân nhà máy hoặc lao động phổ thông, thời vụ.     

Ông Đăng đưa ra con số đáng lo ngại là có tới 67% số lao động mất đất vẫn phải bám nghề nông cũ của mình để sống chứ không tìm kiếm được việc khác dù họ đã mất đất, thêm 20% nữa thì chịu cảnh nghề nghiệp không ổn định. Nghĩa là, chỉ có 13% nông dân là tìm được công việc mới sau khi đất nông nghiệp được chuyển mục đích sử dụng.  

Đó cũng là nguyên nhân sinh ra các tệ nạn xã hội ở các vùng nông thôn đang đô thị hóa hoặc các vùng có nhiều nhà máy mới mọc lên. Hà Tây là địa phương có số người lao động mất việc làm lớn nhất do thu hồi đất, lên tới 35.700 người, kế đến là Vĩnh Phúc 22.800 người, Đồng Nai 12.300 người, mà đây là những địa phương nổi lên trong hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.  

Một điều đáng lo ngại hơn là có tới 53% số hộ bị thu hồi đất có thu nhập giảm mạnh so với trước khi bị thu hồi đất và số hộ khá hơn trước chỉ là 13%.  

Lo chuyện an ninh lương thực  

Nơi đây cũng từng là cánh đồng lúa của huyện Cần Đước, Long An và bây giờ, nó trở thành Khu công nghiệp Cầu Tràm, nhưng liệu có mấy nông dân ở đây trở thành công nhân?-Ảnh: HỒNG VĂN

Tiến sĩ Cao Vĩnh Hải, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (IRARD), cho biết Việt Nam là nước có diện tích trung bình trên thế giới nhưng xét về mặt bình quân đất nông nghiệp tính trên đầu người thì đứng tới thứ 159. Còn Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng lại là quốc gia không thuộc diện nhiều đất nông nghiệp, nên luôn phải lo cái ăn là trước hết.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, dân số Việt Nam sẽ tăng tới 120 triệu người, có nghĩa là Chính phủ phải tính đến chuyện để ruộng đất để sản xuất nông nghiệp nuôi 40 triệu người tăng thêm nữa.  

Cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới kéo dài từ cuối năm ngoái tới nay đã đẩy giá gạo giao dịch tại sàn giao dịch London lên mức kỷ lục trong lịch sử, vượt qua 1.000 đô la Mỹ/tấn. Ở trong nước, an ninh lương thực đang bị đe doạ, đẩy giá lúa gạo lên cao, tác động xấu tới lạm phát và Chính phủ đã phải giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo, kêu gọi nông dân vựa lúa ĐBSCL quay trở lại trồng lúa vụ 3 để giảm áp lực giá gạo tăng.

Thực tế từ năm 1989, năm có “khoán 10” cởi trói cho nông nghiệp phát triển, tới năm 2000, sản lượng lương thực cả nước tăng vùn vụt, năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng từ năm 2001 tới nay, sản lượng lương thực (tính cây có hạt) gần như chững lại và hiện ở mức 40 triệu tấn, trong đó có 35-36 triệu tấn lúa mỗi năm. Với tình hình bão lũ, dịch bệnh như hiện nay cùng với diện tích đất nông nghiệp giảm dần, có khả năng một vài năm tới, sản lượng lương thực sẽ giảm dù rằng năng suất ngày một cao hơn.  

Tình hình cấp bách tới mức ngày 18-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 391/QĐ-TTg yêu cầu rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất trong năm năm 2006-2010 trên địa bàn cả nước, trong đó tập trung vào đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng. Nội dung chính của quyết định này là quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, thậm chí không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa sang sử dụng vào mục đích sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác thay thế.  

Trường hợp cần thiết phải chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc đối với các dự án có ảnh hưởng đến khu vực đất sản xuất nông nghiệp liền kề thì phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi, an toàn cho sản xuất nông nghiệp trong khi thực hiện dự án. Đồng thời, chính quyền tỉnh, thành phố phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt dự án.  

Quay trở lại câu chuyện tại xã Hòa Tâm (Phú Yên), có thể 1.200 héc ta đất nông nghiệp tại đây sẽ phải nhường chỗ cho dự án công nghiệp và nhiều nhà quản lý cũng lý giải rằng điều này có thể không làm sản lượng lúa của Phú Yên thay đổi. Nhưng nếu câu chuyện tại Hòa Tâm cũng diễn ra tương tự tại nhiều xã khác của Phú Yên và nhiều nơi khác trên cả nước thì phải xem chừng cái ăn của người dân trong nước trước khi tính chuyện công nghiệp hóa.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới