(KTSG Online) – Các lo ngại về an ninh quốc gia đã khiến chính quyền thành phố Grand Forks của bang Bắc Dakota (Mỹ) quyết định dừng dự án nhà máy xay xát bắp do Trung Quốc sở hữu. Vụ việc này phản ánh mối lo lắng đang dâng cao ở Mỹ liên quan đến việc nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường mua đất nông nghiệp ở Mỹ trong những năm gần đây.
- Trung Quốc dồn dập thâu tóm các lâu đài rượu vang của Pháp
- Đất nông nghiệp Mỹ lên cơn sốt nhờ giá lương thực tăng
Dự án 700 triệu đô la bị hủy vì nằm gần căn cứ không quân
Trong hơn hai năm qua, Brandon Bochenski, thị trưởng của Grand Forks ủng hộ dự án xây dựng nhà máy xay xát bắp trị giá 700 triệu đô la của một công ty Trung Quốc ở ngoại ô của thành phố. Ông cho rằng dự án sẽ việc làm mới, tăng doanh thu thuế và cung cấp thêm một nơi khác để nông dân bán bắp của họ.
Thế rồi tuần trước, ông tuyên bố cần phải dừng dự án chỉ vài giờ sau khi công bố lá thư của một quan chức thuộc Không lực Mỹ cảnh báo dự án là một rủi ro an ninh vì nó nằm gần Căn cứ không quân Grand Forks cách đó 19km. “Khi liên quan đến an ninh quốc gia, tôi không nghĩ vấn đề kinh tế quan trọng”.
Hôm 6-2, Hội đồng thành phố Grand Forks đã bỏ phiếu hủy bỏ dự án nhà máy xay xát bắp của Fufeng USA, chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn nông nghiệp Fufeng Group, có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Dù vậy, Fufeng USA vẫn sở hữu 150 hecta đất nông nghiệp ở Grand Forks.
“Có nhiều lý do khiến cộng đồng an ninh quốc gia lo ngại. Chúng tôi biết các nước đối địch muốn áp sát các căn cứ quân sự của chúng tôi. Họ muốn tiếp cận bằng tầm nhìn trực diện và muốn có khả năng chặn các tần số vô tuyến”, John Carlin, cựu quyền Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, hiện là một lãnh đạo tư vấn an ninh mạng tại hãng luật Paul Weiss, nói.
Vụ việc trên phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng liên quan đến đến các tranh luận liệu Mỹ có nên hạn chế khả năng của người nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, mua đất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp nông nghiệp của Mỹ hay không.
Các nhà lập pháp Mỹ muốn đảm bảo rằng chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ được bảo vệ, đồng thời Trung Quốc cũng như các đối thủ cạnh tranh nước ngoài khác không thể sử dụng đất đai của Mỹ để phục vụ cho hoạt động do thám. Những lo lắng về hoạt động gián điệp của Trung Quốc đang gia tăng sau khi một khinh khí cầu bị nghi hoạt động do thám của Trung Quốc được phát hiện đi vào không phận Mỹ và sau đó bị bắn hạ trên Đại Tây Dương vào hôm 4-2.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Cramer, người đã bày tỏ ngại trong nhiều tháng về dự án trên, nói: “Grand Forks và Fufeng đã trở thành điểm nóng cho một cuộc thảo luận an ninh rộng lớn hơn nhiều”. Một số quan chức Mỹ cũng lo ngại các chủ sở hữu nước ngoài giàu có có thể cạnh tranh mua đất với nông dân trong nước hoặc tìm cách lách các tiêu chuẩn môi trường của Mỹ.
Trong khi đó, một số nghị sĩ khác cho rằng những đề xuất hạn chế Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở Mỹ sẽ cổ súy cho tâm lý bài châu Á.
Gene Wu, hạ nghị sĩ bang Texas, một đảng viên Đảng Dân chủ phản đối các đề xuất như vậy. Ông đã dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối một dự luật của bang Texas cấm chính phủ, doanh nghiệp hoặc công dân của Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và Nga mua đất ở bang này.
Trung Quốc tăng mua đất nông nghiệp của Mỹ
Người Trung Quốc tăng mua đất nông nghiệp ở Mỹ đáng kể trong những năm gần đây và gần một nửa diện tích đất nông nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ ở Mỹ vào cuối năm 2020 là ở Texas, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Dữ liệu cho thấy về tổng thể, nhà đầu tư Trung Quốc, gồm các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc ngoài hoặc doanh nghiệp Mỹ có cổ đông Trung Quốc, đã nắm giữ hơn gần 137.000 hecta đất (không bao gồm đất phi nông nghiệp) ở Mỹ vào cuối năm 2020. Con số này tăng mạnh so với 30.350 hecta vào cuối năm 2010.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn sở hữu ít hơn 1% tổng số diện tích đất đai nông nghiệp của Mỹ do người nước ngoài sở hữu.
Theo một báo cáo phân tích, do một nhóm nhà nghiên cứu bao gồm Caitlin Welsh, Giám đốc Chương trình an ninh lương thực toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (Mỹ) thực hiện, con số đó không đại diện cho một phần đất sản xuất nông nghiệp đủ lớn để đe dọa khả năng tự cung cấp lương thực của Mỹ.
Nhưng mối lo ngại xuất phát từ các lý do khác. Ví dụ, những người nước ngoài giàu có có thể sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua đất nông nghiệp ở Mỹ và đẩy giá đất lên cao, vượt ra khỏi khả năng chi trả của nông dân Mỹ, Welsh nói. Và những người nước ngoài này có thể không tuân thủ nghiệm ngặt các quy định quản lý đất đai và nguồn nước tại các bang ở Mỹ.
Nhiều bang giới thiệu luật hạn chế nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp
Xung đột địa chính trị ngày càng dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy mối quan tâm đến việc bảo vệ đất nông nghiệp của Mỹ, ngay cả khi nền kinh tế nông nghiệp của hai cường quốc này liên kết chặt chẽ với nhau. Theo USDA, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ. Nước này mua hàng hóa nông sản của Mỹ, trị giá gần 36 tỉ đô la vào năm 2021.
Các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã giới thiệu các dự luật lưỡng đảng nhằm thắt chặt sự giám sát của liên bang và cấm tiệt các thương vụ mua đất đai hoặc doanh nghiệp nông nghiệp ở Mỹ đối với các nhà đâu từ Trung Quốc, Nga, CHDC Triều Tiên và Iran.
Ban lãnh đạo mới của đảng Cộng hòa ở hạ viện Mỹ đã thành lập một ủy ban đặc biệt về Trung Quốc với nhiệm vụ xem xét vấn đề quyền sở hữu nước ngoài đối với đất nông nghiệp của Mỹ.
Nhưng những thay đổi quan trọng nhất có thể xảy ra ở cấp tiểu bang, nơi mà sự quan tâm đến các biện pháp hạn chế hoặc cấm đầu tư nước ngoài vào đất nông nghiệp của Mỹ đang tăng lên. 22 tiểu bang đang xem xét các biện pháp nhằm hạn chế hoặc thắt chặt các hạn chế hiện có xung quanh quyền sở hữu nước ngoài đối với đất nông nghiệp của Mỹ, theo Trung tâm Luật nông nghiệp quốc gia Mỹ.
Tại bang Nam Dakota, Thống đốc Kristi Noem và các nhà lập pháp của bang này đã giới thiệu dự luật luật thành lập một ủy ban cấp bang để đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia xung quanh việc người nước ngoài mua hoặc thuê đất nông nghiệp dài hạn.
Bà Noem nói: “Với quy trình mới này, chúng tôi sẽ có thể ngăn chặn các nước đối đầu với chúng tôi , như Trung Quốc, mua đất nông nghiệp của bang chúng tôi”.
Theo WSJ