Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đậu bạc Định Công: kết hợp truyền thống với hiện đại

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày xưa các cụ thường đậu bạc các mặt hàng nhỏ xinh như cành hoa, con bướm, nhẫn, lắc, xuyến… Nhưng xã hội càng phát triển, nhu cầu của khách hàng càng cao, thợ đậu bạc Định Công đã chế tác những mặt hàng đậu đa dạng kích cỡ và công dụng, như trâm, cài áo, dây cổ, mặt dây cổ, hoa tai, vòng tay, hộp, đĩa, ví cầm tay, tranh, tượng, mô hình…

Tác phẩm Rồng bạc của ông Quách Văn Trường. Ảnh: Lê Bích

Nhiều làng nghề thủ công ở Hà Nội đã thay đổi và biến mất theo thời gian nhưng làng nghề kim hoàn Định Công vẫn tồn tại. Một trong những người có đóng góp vào sự hồi sinh của làng nghề này là ông Quách Văn Tường – người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2016.

Từ một đơn đặt hàng ngẫu nhiên

Ông Quách Văn Trường sinh năm 1942, trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề đậu bạc ở làng Định Công và đã làm nghề từ khi 17 tuổi.

Ông Trường kể lại, cơ duyên để vực dậy làng nghề đến với ông một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào năm 1983, ban tổ chức một lễ hội quốc tế ở Liên Xô cũ biết đến nghề đậu bạc Định Công nên đã đặt làm trâm cài áo hình hoa bướm đậu bằng đồng để làm quà lưu niệm.

Nhận lời, ông đi khắp làng thuyết phục những thợ giỏi trước đây quay lại với nghề. Nắm lấy cơ hội này, chỉ trong vòng hai năm sau đó, ông Trường cùng với nhiều người đau đáu với nghề tổ ở Định Công đã chung lưng đấu cật vừa sản xuất vừa dạy nghề. Dần tìm được đầu ra cho sản phẩm, rồi được khơi gợi niềm đam mê nên nhiều gia đình trong làng đã trở lại với nghề đậu bạc.

Xưởng của Tuấn Anh hiện có hơn mười thợ lành nghề, có thể làm việc độc lập để cho ra những sản phẩm với yêu cầu kỹ thuật cao. Ảnh: Lê Bích

Rồi như để nhắc nhở người đời về làng kim hoàn Định Công, về kỹ năng kéo sợi bạc điêu luyện của người thợ làng nghề, ông Trường đem các tác phẩm đậu bạc của mình đi dự thi và đạt giải cao, như Tinh hoa Việt Nam năm 2005 cho Bộ trống đậu bạc gồm một trống cái và bốn trống con, Đĩa hoa đậu bạc – giải ba Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2006.

Dù được người trong nghề đánh giá là “có kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện trong việc kéo bạc thành sợi chỉ, quấn tết tạo hoa văn, tạo hình, gắn kết, xử lý bề mặt sản phẩm; là nghệ nhân đầu đàn của làng nghề đậu bạc Định Công; có công đầu trong việc gầy dựng lại nghề truyền thống của làng”… ông Trường vẫn đau đáu với việc gầy dựng đội ngũ thợ lành nghề thế hệ tiếp nối, truyền cho họ ngọn lửa nghề truyền thống của làng.

Thật may là những nỗ lực của ông đã phần nào được đền đáp. Thế hệ tiếp nối đã có khá nhiều người nhanh chóng nắm bắt được những bí quyết nghề nghiệp và trở thành thợ giỏi. Một trong số đó là Quách Phan Tuấn Anh (sinh năm 1981), con trai út của nghệ nhân Quách Văn Trường.

Tuấn Anh là món quà bất ngờ với ông Trường, bởi cậu út không bao giờ phụ việc và không chịu học nghề. “Nhưng đến khi ra trường và cầm trên tay hai tấm bằng đại học (luật và quản trị kinh doanh), Tuấn Anh lại nói với tôi rằng con thấy nghề này của bố khách hàng thì đông, việc thì nhiều, giờ bố cũng lớn tuổi rồi, bỏ nghề thì phí quá vì nhà mình đã có truyền thống bao nhiêu năm nay. Thôi con quyết định quay về học và tiếp nối truyền thống gia đình”, ông Trường kể.

Thế hệ tiếp nối và sợi chỉ bạc Định Công

Thấy con say mê, cha rút hết sở học truyền thụ. Và con báo đáp ngọt ngào.

Năm 2010, trong Cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hai cha con nghệ nhân Quách Văn Trường – Quách Phan Tuấn Anh cùng có sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận là “Sản phẩm thủ công tinh xảo”.

Cha được trao giải với tác phẩm Rồng bạc, còn con được trao giải với tác phẩm Trâu vàng. Và Tuấn Anh liên tục gặt hái thành công, tại Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tác phẩm đậu bạc Gà gáy sáng của anh đã đoạt giải nhất.

Tháng 10 vừa qua, tại Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, anh tiếp tục giành giải nhất với tác phẩm Chào mào hót.

Người thợ sử dụng các sợi chỉ se để tạo hoa văn, họa tiết và ghép lại với nhau thành từng mảng. Ảnh: Lê Bích

Một dòng sản phẩm mà Tuấn Anh rất tâm huyết chế tác là những bộ trang sức cung đình xưa. Trong đó phải kể đến việc phỏng tác chiếc trâm phượng bằng vàng của vương phi thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18).

Trâm dài 14,25 cm, phần đầu trâm thể hiện con chim phượng (tượng trưng cho hoàng hậu bởi nó là biểu tượng của đức hạnh, vẻ đẹp duyên dáng và thanh nhã của phụ nữ quý tộc) đang ngậm chiếc đèn lồng rất tinh xảo. Chiếc đèn lồng được ghép bởi với 13 tầng hoa văn với hàng trăm chi tiết nhỏ như hạt kê ghép lại với nhau.

Thân chiếc trâm cũng chính là thân và đuôi của chim phượng, được tạo thành hai nhánh và hơi cong xuống ở phần đuôi. Đầu chim phượng được thể hiện rất sắc sảo, với mỏ quặp, mắt và đuôi mắt dài, có bờm ở trên đầu, dưới cằm và sau cổ. Mỏ chim phượng ngậm chiếc đèn lồng có tán che bên trên, khánh treo bên dưới và những chùm hoa văn treo xung quanh. Sản phẩm được phỏng tác bằng cách đậu bạc, đậu vàng với mong muốn bảo tồn những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Thế mạnh của Định Công là dùng những sợi chỉ bạc và cũng chỉ duy nhất Định Công có. Những sợi chỉ đó khi ghép lại thành sản phẩm thì có thể có hàng trăm đến hàng nghìn chi tiết. Đó là đặc trưng của đậu bạc Định Công và cũng là nét riêng biệt so với các làng nghề kim hoàn khác. Phải mất mười công đoạn khác nhau để tạo ra một sợi chỉ bạc xong rồi uốn và tết lại với nhau, kéo thành những sợi chỉ nhỏ như sợi chỉ khâu. Sau đó lại uốn thành các hoa văn có thể nhỏ như hạt vừng, hạt đỗ, hạt lạc… Ghép rất nhiều chi tiết lại với nhau nên đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ. Thế nên các bạn trẻ ngồi làm những chi tiết nhỏ sẽ thấy rất ức chế. Chính bản thân tôi cũng từng bị như vậy và đã từng nhất định không theo nghề”, anh Tuấn Anh nói.

Tuấn Anh chia sẻ: “Muốn giỏi nghề hơn nữa thì phải có tính sáng tạo. Như tôi 20 năm hay như bố tôi cả đời làm nghề nhưng cũng chưa có giới hạn trong nghề, chưa bao giờ đạt đến đỉnh cả. Bởi vì khi chúng ta làm được sản phẩm A thì sẽ có sản phẩm B khó hơn và chúng ta sẽ luôn luôn theo đuổi cái khó hơn. Bắt buộc người thợ phải sáng tạo, phải tư duy. Đó đều là thử thách cho đam mê. Mỗi giai đoạn chúng ta đều rút ra được những bài học. Đôi lúc đi đường vòng chúng ta lại thành công. Đôi lúc lùi một bước chúng ta lại suy nghĩ được rộng hơn”.

Đậu bạc là nghề se bạc thành sợi chỉ và ghép chúng lại với nhau theo khuôn mẫu có sẵn. Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng.

Đầu tiên là nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không bị dớp (gãy, vỡ vụn). Sau đó đưa vào máy cán cho phẳng, mịn, không đứt đoạn, quá trình cán bạc phải được nướng thường xuyên cho mềm. Xong công đoạn cán là rút chỉ, tùy từng mẫu mã mà người thợ có thể rút các sợi chỉ có kích thước khác nhau, loại chỉ mảnh nhất có thể kéo đạt kích thước 0,26 mi li mét. Hai sợi chỉ như thế se lại với nhau để thành sợi chỉ se bạc.

Công đoạn tiếp theo là dựng hình sản phẩm, tùy theo sản phẩm, người thợ sẽ dựng khung xương trước để định hình. Tiếp đó là sử dụng các sợi chỉ se để tạo hoa văn, họa tiết và ghép lại với nhau thành từng mảng. Nhiều mảng như thế được đắp vào khung xương và cố định bằng các mối hàn.

Sản phẩm hoàn thiện phải đạt độ tinh xảo, các mối hàn không được via (lộ nếp), sản phẩm không bị xô lệch khi cầm, đảm bảo độ nhẵn bóng. Hơn thế, mỗi sản phẩm không chỉ dừng lại ở sự tinh xảo, độ chi tiết, mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải có hồn.

Một người thợ để đạt được mức lành nghề thường phải mất từ bảy năm đến tám năm, tùy theo sự chuyên tâm, đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ. Cũng bởi tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên thông thường, để làm ra một sản phẩm như chế tác một bức tranh đậu bạc cỡ nhỏ nhất cũng phải mất một ngày, kích thước lớn thì mất vài ngày, thậm chí cả tháng. Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá thành phẩm đậu bạc cũng tương đối cao, từ một triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Đậu bạc truyền thống trong xu thế hiện đại

Mong muốn của Tuấn Anh là có thể mở rộng xưởng sản xuất, một phần giữ lửa nghề, một phần giới thiệu nghề đến với nhiều người. Ngoài xuất phát từ niềm đam mê, anh nhận thấy nghề đậu bạc hiện đang có một số tiềm năng khôi phục. Nếu trước đây những người thợ làm nghề lo đầu ra thì đến nay thị trường đầu ra của các sản phẩm đã tương đối ổn định.

Chưa kể nghề đậu bạc Định Công đang dần lấy lại được vị thế và được nhiều người biết đến, nhất là phân khúc khách hàng cao cấp. Từ năm 2008, Tuấn Anh cũng lập trang web (http://vietsilver.com.vn) giới thiệu các sản phẩm đậu bạc đến với không chỉ khách hàng trong nước mà cả quốc tế.

Quách Phan Tuấn Anh đã mở lớp dạy nghề đậu bạc miễn phí từ năm 2005, nhằm lan tỏa nghề và tìm ra những người có chung niềm đam mê. Với những người thợ có đủ lòng kiên trì để theo nghề, anh nhận họ ở lại xưởng để cùng làm việc.

Đến nay, xưởng của anh có hơn mười thợ lành nghề, có thể làm việc độc lập để cho ra những sản phẩm với yêu cầu kỹ thuật cao. Anh nói: “Cũng hơi buồn một chút là hiện nay còn ít người làm nghề. Nhưng với đam mê và trách nhiệm của mình, tôi sẽ là người giữ lửa cho nghề kim hoàn Định Công, cố gắng gìn giữ, sau đó phát triển và mở rộng hơn nữa để càng nhiều người biết đến sản phẩm của Định Công. Tôi cũng rất muốn kết hợp sản phẩm của các làng nghề với nhau để cùng nhau đi lên. Vừa tạo ra những mẫu mã mới vừa giữ được bản sắc của từng làng nghề. Như thế sẽ mang được rất nhiều bản sắc của người Việt mình trong một sản phẩm”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới