Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đau đầu thu hồi nợ cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đau đầu thu hồi nợ cuối năm

Minh Tâm

Đau đầu thu hồi nợ cuối năm
Nhân viên một siêu thị điện máy chuẩn bị giao hàng cho khách. Với nhiều nhân viên ngành này, dịp cuối năm vừa phải lo “chạy” doanh số, vừa phải lo thu hồi nợ. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Ở thời điểm này, khi năm 2013 chuẩn bị kết thúc, các doanh nghiệp đang chạy đôn chạy đáo lo thu hồi những khoản nợ từ đối tác, khách hàng. Việc này vốn không mới nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay lại trở nên thời sự và khó khăn hơn bao giờ hết.

>>> Nợ đang bủa vây

>>> Đòi nợ thuê

Thúc nợ từng ngày

Những ngày này, vào mỗi sáng, anh Chiến, nhân viên kinh doanh của công ty thương mại làm nhiệm vụ phân phối các mặt hàng điện tử, điện lạnh tại Việt Nam của một hãng sản xuất nổi tiếng Nhật Bản đều nhận được điện thoại từ phòng kế toán thông báo việc thu hồi nợ từ khách hàng.

Anh Chiến, sau khi bị “dí”, cũng ngay lập tức sắp xếp thời gian để tìm đến các nhà phân phối, đại lý, siêu thị điện máy do mình phụ trách để nhắc nhở việc trả tiền hàng. Làm trong nghề nhiều năm, cũng đã quen với áp lực công việc nhưng những dịp cuối năm là anh Chiến cảm thấy căng thẳng nhất. Bởi lúc đó, vừa phải lo “chạy” doanh số, vừa phải lo thu hồi nợ. Làm tốt, anh mới mong nhận được thưởng Tết xứng đáng.

Năm nay, các khách hàng của anh, kinh doanh khó khăn hơn hẳn mọi năm, hàng bán chậm nên việc thanh toán nợ, dù đã có cam kết nhưng cũng không đạt tiến độ như mong muốn. Nhiều lúc bị kế toán “dí” quá, nợ lại lớn lên đến 200 tỉ gồm cả nợ dài hạn lẫn ngắn hạn, nên anh Chiến quay ra làm căng với khách hàng thì bị chính họ làm khó lại, nói rằng không cho nợ thì lấy hàng về. “Căn nguyên cũng nằm ở công ty, vì muốn đẩy hàng ra nên công ty đành phải chấp nhận cho người mua nợ nhiều. Công ty được vay từ ngân hàng Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nên mới chịu nổi như vậy chứ tính riêng tiền nợ đó mà gửi ngân hàng là đã bao nhiêu”, anh Chiến chia sẻ.

Không cùng lĩnh vực ngành hàng như công ty anh Chiến nhưng cũng là một doanh nghiệp thương mại, chuyên cung cấp các loại giấy, bao bì in, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, đồng tình chuyện thu hồi công nợ năm nay rất khó khăn. Nguyên nhân là các khách hàng của công ty ông đều gặp tình trạng chung là hàng hóa sản xuất bán ra chậm, ít. Có được bao nhiêu, doanh nghiệp lại phải dành tiền ưu tiên việc trả lương, trả thưởng cho nhân viên, nhằm giữ chân người lao động. Việc trả nợ đối tác, vì thế bị trì hoãn hoặc trả nhỏ giọt. Ông Linh nói, là chủ nợ nhưng phải “xuống nước năn nỉ” con nợ để mong lấy được tiền. Và trong một số trường hợp, gặp phải khách hàng chây ì thì phải áp dụng biện pháp mạnh là dọa kiện ra tòa. Xui hơn thì gặp doanh nghiệp đã dời đi khỏi địa chỉ cũ, điện thoại không liên lạc được.

Dù là trường hợp nào thì doanh nghiệp chủ nợ đều mất thời gian, công sức. Như công ty ông đã lập một ban chuyên trách lo việc công nợ bao gồm các thành phần như người phụ trách pháp chế, kế toán, nhân viên kinh doanh trực tiếp phụ trách khách hàng. Và tất nhiên, nhân viên bán hàng sẽ là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Khi có khách hàng có nợ xấu, người này sẽ không được phát triển khách hàng mới để tập trung đi đòi nợ. Lương thưởng trong suốt thời gian có nợ xấu đương nhiên sẽ sụt giảm. Và trong trường hợp xấu nhất, không đòi được nợ, không thể bồi thường thì sẽ bị cho thôi việc.

Muôn vẻ nợ xấu

Tổng giám đốc một doanh nghiệp ở lĩnh vực phân phối văn phòng phẩm chia sẻ, trong nhiều khoản nợ của khách hàng thì có những khoản “cực xấu”, không có khả năng thu hồi hoặc rất khó đòi dù đã áp dụng nhiều biện pháp phân loại khách hàng, phòng trừ rủi ro. Ông tính toán, con số này chiếm tỷ lệ 15% trên tổng doanh thu, rơi vào những khách hàng có chủ ý lừa đảo hoặc những khách hàng mất khả năng thanh khoản do kinh doanh thua lỗ, khó khăn.

“Có khách hàng, khi mình giao hàng, có người ký nhận đàng hoàng. Vậy nhưng khi đến lấy tiền thì nói rằng, công ty không có ai là người có tên như đã ký nhận. Họ làm vậy để né trách nhiệm trả nợ”, ông kể về một trong những trường hợp mà nhân viên kinh doanh gặp phải. Lại có khách hàng, đến hạn trả nợ thì kêu khó khăn, hẹn tới hẹn lui. Phải đến khi công ty thông báo sẽ kiện ra tòa thì mới chịu trả nhưng chỉ trả nhỏ giọt.

Chị Minh Ngọc, Giám đốc một công ty truyền thông, kể về một khoản nợ xấu mà không biết xử lý thế nào. Chuyện là công ty của chị tổ chức sự kiện cho một khách hàng quen, có chung một đơn vị phụ trách. Chi phí dịch vụ, từ việc thuê mướn ca sĩ, xây dựng kịch bản chương trình… là 700 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ với một công ty được xếp vào hàng nho nhỏ của chị Ngọc. Vậy nhưng, hơn một năm nay, chị Ngọc vẫn chưa nhận được tiền. Mỗi lần nhắc nợ cũng không nhận được câu trả lời rõ ràng. Dù ức chế nhưng chị Ngọc chia sẻ, không biết làm sao bởi là “người trong nhà”, không thể làm căng nên đành… chờ.

Ông Nguyễn Thái Linh chia sẻ, Công ty Liên Sơn đã phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát công nợ, như xây dựng hạn mức theo số tiền nợ và số ngày nợ cho khách hàng; “siết” khách hàng có nợ xấu bằng cách yêu cầu trả tiền mặt cho các lô hàng kế tiếp… Nhờ vậy mà nợ khó đòi chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu. Tuy nhiên, trong Hội In TPHCM mà ông làm ủy viên ban chấp hành, có một số đơn vị ông biết nhưng không tiện nêu tên năm nay đã rơi vào tình trạng bê bết do bị nợ xấu, nợ quá hạn nhiều. Nguyên nhân là do các đơn vị này bị áp lực kinh doanh, chỉ tiêu doanh số đã phải chấp nhận bán hàng bằng mọi giá, bán tràn lan, không kiểm soát khách hàng.

Thanh lọc nợ

Trưởng phòng logistics một công ty phân phối hàng điện tử từ Nhật chia sẻ, các doanh nghiệp Nhật rất chặt chẽ trong việc bán hàng và quản lý công nợ. Như tại công ty của ông, họ chỉ bán hàng cho những thương hiệu lớn, đã có uy tín lâu dài trên thị trường. Còn nếu bán hàng và cho nợ thì khoản nợ đó phải được mua bảo hiểm của một công ty lớn của Pháp. Công ty này sẽ khuyến cáo về từng khách hàng, về khả năng thanh toán, khả năng tài chính… và cả khả năng món nợ đó có được bảo hiểm hay không để công ty phân phối cân nhắc trước khi quyết định bán hay không bán.

Ông Nguyễn Thái Linh cho biết, khi kinh tế bắt đầu rơi vào khủng hoảng,  công ty ông xác định ưu tiên hàng đầu là lành mạnh hóa tài chính bằng cách giảm công nợ ở mức thấp nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấp nhận không tăng trưởng nóng về doanh thu. “Thà không bán được hàng còn hơn là bán bằng mọi giá để càng rơi vào vực thẳm, không lối ra”, ông Linh chia sẻ.

Cách làm của ông Linh là đánh giá, phân loại khách hàng liên tục, thường xuyên. Theo đó, khách hàng mới sẽ được giao hàng đầy đủ và được hưởng chiết khấu như khách hàng cũ nhưng phải trả tiền ngay. Trong khi đó, các khách hàng cũ được đánh giá dựa trên tiêu chí giao dịch thường xuyên, không dựa trên số lượng mua hàng, sẽ được nợ từ 45-60 ngày, tùy lịch sử giao dịch. Bên cạnh đó, các khoản nợ mới đều phải đảm bảo đồng thời hai điều kiện, về hạn mức nợ (dưới 1 tỉ đồng) và về thời gian (dưới 30 ngày).

Và trong năm tới, ông Linh khẳng định, sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách quản lý công nợ, chiến lược phát triển như vậy và ông cũng mong các doanh nghiệp khác cũng như vậy để thị trường trở nên lành mạnh, hạn chế được tình trạng nợ dây chuyền, gây tác hại cho cả nền kinh tế.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG):

Chọn khách hàng ngay từ đầu

Nợ là chuyện doanh nghiệp phải đối mặt hàng ngày. Ở Việt Nam mà bán hàng không cho nợ thì không kinh doanh được. Ngành vật liệu xây dựng có tập quán chung là bán hàng gối đầu. Vì thế, cũng như các doanh nghiệp khác, chúng tôi đã gặp phải những trường hợp khách hàng không trả được nợ trốn mất luôn, chúng tôi cũng phải có bộ phận pháp chế chuyên đòi nợ và xử lý nợ.

Song tại HSG chúng tôi đã đề ra quy tắc “chọn khách hàng ngay từ đầu”. Căn cứ kinh nghiệm tiêu thụ hàng, năng lực tài chính, uy tín giữ cam kết của khách hàng chúng tôi đặt ra hạn mức công nợ của từng khách hàng bằng số tiền tối đa họ nợ cộng số ngày tối đa phải trả cộng với chỉ số tín nhiệm của khách hàng. Ngoài ra, với số nợ lớn trước khi giao hàng chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp khách hàng phải có bảo lãnh trả nợ của ngân hàng.

Hàng năm, đã thành truyền thống, vào dịp Tết Nguyên đán chúng tôi làm đợt “kiểm tra” năng lực của khách hàng bằng cách trước Tết một tháng chúng tôi thông báo đến khách hàng số nợ và thời hạn phải trả để họ thu xếp. Tại sao Tết Nguyên đán? Vì người Việt Nam có tập quán đến Tết thanh toán hết nợ nần. Thường có doanh nghiệp trả hết nợ đúng hạn, có doanh nghiệp trả một phần và HSG dựa trên việc đó “chấm điểm” tín nhiệm. Nếu họ vi phạm cam kết, sang năm mình có thể không tiếp tục làm ăn hay nâng các điều kiện hợp tác lên cao hơn, cho vào “sổ đen” quản lý riêng. May thay, hầu hết các doanh nghiệp đối tác của chúng tôi muốn tiếp tục làm ăn và lo trả nợ đúng hạn.

Nếu khách hàng trả ngay bằng tiền mặt, công ty sẽ lấy giá thấp hơn giá trả sau (còn gọi là chiết khấu thanh toán) và mức này đảm bảo đủ sức hấp dẫn khách hàng.

Hồng Phúc ghi

_________________________________________________________________

Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin Đinh Hồng Kỳ:

Nợ là vấn nạn lớn

Điều doanh nghiệp chúng tôi sợ nhất hiện nay là nợ khó đòi chứ không phải việc không bán được hàng. Những cuộc họp căng thẳng, bế tắc nhất, mệt mỏi nhất của tôi là về công nợ. Đó là vấn nạn lớn nhất đối với một công ty trong ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng như Secoin.

Trước đây, khi cung cấp vật liệu cho những dự án có vốn ODA của nước ngoài chúng tôi đều được yêu cầu là cho bên nhà thầu được quyền trả chậm. Và nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước thì cực kỳ rủi ro. Ví dụ, dự án nhà ga T1 sân bay Nội Bài vận hành từ năm 1999 mà tới nay vẫn chưa trả hết tiền gạch cho công ty. Tôi đã trích lập dự phòng và coi như mất.

Trong nhiều năm, các dự án của tỉnh Daklak sử dụng gạch của chúng tôi nhưng gần đây do các nguồn vốn đầu tư công bị cắt giảm nên các nhà thầu phải ứng vốn ra mua gạch trả chậm của chúng tôi. Kết quả là hơn ba năm rồi, nhà thầu còn nợ công ty hơn 1 tỉ đồng. Đòi nợ nhà thầu thì họ bảo là tỉnh nợ. Tỉnh thì nói rằng trung ương không cấp tiền và ngân sách cũng hết nên đành chịu. Đem ra tòa, tòa chỉ tuyên án công nhận doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia và yêu cầu trả. Các khoản nợ đó đã được cam kết chắc chắn mà vẫn mất.

Đến nay công ty chúng tôi đoạn tuyệt không dám bán hàng cho những dự án có yếu tố nhà nước. Riêng năm 2013, tôi phải trích lập khoảng 4 tỉ đồng cho nợ khó đòi, trong đó hơn 90% khoản nợ có nguồn gốc liên quan Nhà nước. Nhà nước nợ dây chuyền nên cả chuỗi doanh nghiệp bị nợ khác cũng chỉ là nạn nhân.

Hồng Phúc ghi

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới