Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đâu dễ tìm sự minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đâu dễ tìm sự minh bạch

Thanh Thương

Các nhà đầu tư chứng khoán chịu nhiều thiệt thòi do thông tin của một số công ty niêm yết chưa minh bạch hay nhất quán. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Chuyện minh bạch thông tin là vấn đề “sống còn” của thị trường chứng khoán, thế nhưng dường như nó ngày càng trở nên “mờ mịt” ở Việt Nam. Gần đây, việc chênh lệch số liệu lợi nhuận lên đến vài chục phần trăm giữa báo cáo soát xét sáu tháng và báo cáo tài chính của doanh nghiệp là một minh chứng cụ thể cho nhận định này.

Quá phổ biến

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm với khoản lợi nhuận hơn 1.170 tỉ đồng. Tuy vậy, sau khi soát xét, con số mà công ty kiểm toán đưa ra là 755,3 tỉ đồng, giảm 415,3 tỉ đồng so với con số ngân hàng công bố.

Theo lý giải của ngân hàng này là do ngân hàng tính toán để ghi nhận chênh lệch tỷ giá vào cuối năm, nhưng báo cáo soát xét theo quy định của kiểm toán Việt Nam lại buộc ghi nhận nợ vào trong kỳ hoạt động nên mới có sự chênh lệch trên. Khoản chênh lệch này chủ yếu là do đánh giá lại hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng.

Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) cũng đã phải giải trình sự chênh lệch báo cáo tài chính riêng lẻ trước và sau soát xét với khoản lãi sau thuế chỉ còn 1.649 tỉ đồng thay vì trên 2.370 tỉ đồng như ngân hàng công bố trước đó.

Theo giải trình của CTG, sự sụt giảm này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngân hàng chưa tính lại khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và cũng chưa hạch toán chi phí tiền lương theo khoản lợi nhuận đến 30-6. Thêm vào đó, ngân hàng cũng chưa kết chuyển lỗ chênh lệch do đánh giá lại các khoản ngoại tệ và công cụ tài chính phái sinh.

Trái ngược với hai ngân hàng trên, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) lại phải giải trình với các cơ quan quản lý về con số lợi nhuận tăng thêm rất lớn, từ 9,7 tỉ đồng theo báo cáo của công ty lên đến 86,2 tỉ đồng trong báo cáo soát xét. Con số chênh lệch này theo công ty là do bán dự án 106 Lý Chính Thắng thu về 76,5 tỉ đồng vào cuối tháng 6 và chưa hạch toán do đã tập hợp hợp xong số liệu sáu tháng, đồng thời công ty cũng bận rộn việc chuẩn bị niêm yết.

Không chỉ vài ngân hàng hay công ty kể trên, hiện nay nhiều công ty niêm yết khác cũng đã công bố báo cáo soát xét với mức chênh lệch không nhỏ so với báo cáo tài chính trước đó. Theo một chuyên gia chứng khoán, chênh lệch này nếu chỉ ở mức vài phần trăm thì có thể chấp nhận được vì sai số và cách áp dụng các chuẩn mực có thể khác nhau giữa công ty niêm yết và công ty kiểm toán. Song sự sai lệch như các trường hợp nêu trên là rất lớn, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư.

Thêm vào đó, dường như các lý giải của các công ty chưa thỏa mãn, những lý do như bận rộn nên chưa thể hạch toán vào cuối tháng 6 hay dự định tính chênh lệch tỷ giá vào cuối năm… đều có tác động đến nhà đầu tư. Nếu các công ty này không công bố các số liệu đã kiểm toán thì nhiều nhà đầu tư vẫn đang an tâm là công ty có lãi lớn để rồi cuối năm mới phải đối diện với các khoản trích lập hay đánh giá lại nên lợi nhuận giảm khiến giá cổ phiếu đi xuống. Hoặc như với QCG thì nhà đầu tư có cảm giác công ty này không minh bạch, muốn “giấu lãi”.

Không thể là vô tình

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng chênh lệch giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp không thể xem là sự “vô tình”, không nắm rõ các quy định về kế toán. Ông Chí cho rằng không thể có việc kế toán trưởng một ngân hàng hay công ty lớn mà không thuần thục các chuẩn mực kế toán dẫn đến không đưa đủ các khoản mục cần thiết vào báo cáo.

Việc báo cáo soát xét đưa ra các con số khác biệt so với con số các doanh nghiệp đã công bố là có mục đích riêng của doanh nghiệp. Với các công ty có khoản lãi lớn mà chưa hạch toán thì đó có thể là do doanh nghiệp “để dành”, chọn thời điểm công bố vào các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), hoặc phát hành thêm nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư để đợt chào bán thành công.

Nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp các thành viên trong ban giám đốc, hội đồng quản trị che giấu thông tin, lợi dụng lúc thị trường đi xuống để mua vào cổ phiếu. Sau đó công bố thông tin lợi nhuận để giá tăng, bán cổ phiếu nhằm hưởng chênh lệch. “Trong một thị trường thiếu minh bạch như hiện nay thì việc che giấu lợi nhuận để thu lợi cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Chí nói thêm.

Hiện tại, theo quy định thì báo cáo bán niên phải qua soát xét và có ý kiến nhận xét của kiểm toán viên. Tuy nhiên, đây chưa phải là báo cáo kiểm toán nên ý kiến của kiểm toán viên chỉ dừng lại ở mức lưu ý nhà đầu tư về một số yếu tố bất thường. Và chỉ vào cuối năm, khi thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp mới được yêu cầu điều chỉnh và hạch toán đúng theo thời điểm phát sinh. Lúc này, nếu doanh nghiệp không thực hiện, kiểm toán viên có thể ghi rõ ý kiến ngoại trừ để nhà đầu tư lưu ý.

Còn theo nhận định của một công ty kiểm toán lớn thì hiện tại các chuẩn mực kiểm toán chưa bao gồm tất cả vấn đề phát sinh nên doanh nghiệp vẫn có thể điều chỉnh lợi nhuận và hạch toán vào các giai đoạn tùy theo mục đích của từng doanh nghiệp. Việc làm này nhà đầu tư không thể theo dõi được nên mới có việc trong các quí, nhiều doanh nghiệp công bố lãi cao, nhà đầu tư tin tưởng nên mua cổ phiếu; nhưng đến khi doanh nghiệp công bố báo cáo kiểm toán thì lợi nhuận hoàn toàn không như mong đợi do phải trích lập nhiều khoản dự phòng, hay nhiều số liệu trong báo cáo tài chính chưa chính xác… khiến cho giá cổ phiếu sụt giảm, nhà đầu tư thua lỗ.

Giải quyết thế nào?

Tại một hội thảo về thị trường chứng khoán được tổ chức gần đây, trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Loan, Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng báo cáo tài chính là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư quyết định nắm giữ hay bán ra cổ phiếu, do vậy tính chính xác, chi tiết của báo cáo là rất quan trọng. Vì vậy, khi doanh nghiệp cố tình “thổi phồng” lợi nhuận hoặc che giấu bớt khoản lợi nhuận thu được để phục vụ cho mục đích khác thì Ủy ban Chứng khoán nên có những biện pháp xử lý phù hợp. Cụ thể như phải giám sát, nhắc nhở, quy trách nhiệm cho doanh nghiệp…

Bà Loan cũng cho rằng các báo cáo kiểm toán cũng nên hạn chế các trường hợp xác nhận báo cáo tài chính có ngoại trừ, mà nên ghi cụ thể các điều chưa đúng của doanh nghiệp. Và nếu có các mục ngoại trừ thì phải giải thích rõ và trình bày công khai để nhà đầu tư thực sự có thông tin minh bạch.

Trong khi đó, ông Lê Đạt Chí cho rằng hiện tại khi các báo cáo kiểm toán có sự chênh lệch lớn với báo cáo tài chính do công ty công bố thì biện pháp của Ủy ban Chứng khoán vẫn là buộc các doanh nghiệp giải trình, tuy không phải giải trình nào cũng thỏa đáng. Đa phần sau khi đọc xong phần giải trình, nhà đầu tư vẫn chưa hiểu vì sao lại chênh lệch những con số lớn đến vậy. Vì thế, theo ông Chí thì cơ quan chức năng cần có các biện pháp chế tài cụ thể hơn.

Cụ thể hơn, theo ông Chí, nếu doanh nghiệp có những sai lệch lớn trong hai năm liên tiếp thì phải bị xử phạt. “Nếu báo cáo thế nào cũng được, chênh lệch cũng không sao, thì các doanh nghiệp đang làm đúng cũng muốn làm sai cho có lợi cho doanh nghiệp mình, cho cá nhân mình. Điều này thực sự sẽ rất nguy hiểm cho một thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam”.

Ngoài ra, với các kế toán trưởng của doanh nghiệp đã lập sai từ ba báo cáo tài chính trở lên thì Ủy ban Chứng khoán cũng nên đề nghị Bộ Tài chính thu hồi có thời hạn giấy phép hành nghề để đảm bảo tính chính xác cho báo cáo tài chính công ty.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính quí 3, và trong khi thị trường chứng khoán còn rất “xập xình” thì kết quả kinh doanh quí 3 được xem là một yếu tố tác động khá lớn. Tuy vậy, theo ông Chí, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trước độ chính xác của báo cáo quí này do không được soát xét. “Sẽ có hiện tượng doanh nghiệp “làm đẹp” báo cáo quí 3 để đẩy giá cổ phiếu do dự báo thị trường trong thời gian tới sẽ không có nhiều thông tin hỗ trợ”, ông Chí nói thêm.

Theo bà Loan, nhà đầu tư nên trang bị cho mình kiến thức vững chắc để có thể đọc báo cáo tài chính. Đồng thời nên chú ý đọc các báo cáo kiểm toán, nhất là trong các trường hợp báo cáo tài chính có các khoản ngoại trừ. Chú ý xem công ty kiểm toán mà công ty niêm yết lựa chọn là có thứ hạng cao hay không.

Nhà đầu tư cũng nên đối chiếu các chỉ tiêu để tìm ra các mâu thuẫn trong cùng một báo cáo hay giữa báo cáo tài chính do doanh nghiệp thực hiện và báo cáo kiểm toán. Bên cạnh đó, bản thuyết minh báo cáo tài chính cũng là một văn bản quan trọng, nó giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin có tính quyết định như các chỉ tiêu doanh thu bán hàng, doanh thu tài chính, giá vốn hàng bán, danh mục các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn…

Qua bản thuyết minh báo cáo tài chính thì nhà đầu tư cũng nên xem xét sự thay đổi cách tính các chỉ tiêu của công ty, nếu một công ty năm nào cũng thay đổi cách tính số liệu kế toán thì đó là một hiện tượng không bình thường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới