Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dấu hiệu tảng băng trôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dấu hiệu tảng băng trôi

Hải Lý

Vietcombank đang bán bớt cổ phiếu các ngân hàng khác để tuân thủ các quy định mới. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tuần trước Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu Eximbank theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Vietcombank đang sở hữu hơn 77 triệu cổ phiếu Eximbank, nên con số 5 triệu cổ phiếu chỉ là phần nhỏ. Tuy nhiên, động thái thoạt nhìn chẳng có gì đáng chú ý ấy lại là dấu hiệu phần nổi của một tảng băng đang trôi trên thị trường tài chính.

Vietcombank bán cổ phần ngân hàng khác

Vietcombank vừa hoàn tất việc bán khoảng 19% cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định. Tháng trước khi trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc ngân hàng, xác nhận: “Chúng tôi chuyển nhượng để giảm tỷ lệ sở hữu một ngân hàng khác xuống 11% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Giá chuyển nhượng là theo giá thị trường”.

Vietcombank và quỹ đầu tư của Vietcombank mua 30% cổ phiếu Ngân hàng Gia Định hơn ba năm trước với thị giá lúc bấy giờ ước 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều lần phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn, trả cổ tức, giá vốn đầu tư của Vietcombank tụt xuống còn bằng một nửa giá mua. Bây giờ chuyển nhượng, Vietcombank vẫn có lời.

Với cổ phiếu Eximbank, Vietcombank đầu tư với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Năm 2000, khi Eximbank gặp khó khăn, Vietcombank đã được chỉ định góp vốn vào Eximbank, đồng thời cử người sang lãnh đạo ngân hàng này.

Cũng theo chỉ định của Nhà nước, thời gian đó Vietcombank còn góp vốn vào những ngân hàng khác với tư cách là cổ đông nhà nước như Quân đội, Phương Đông, Sài Gòn Công thương.

Sau Gia Định, Vietcombank sẽ chuyển nhượng để giảm tỷ lệ sở hữu ở một số ngân hàng. Sự chuyển nhượng sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể cho Vietcombank vì giá vốn đầu tư bằng mệnh giá, song quan trọng là tìm đối tác mua như thế nào. Hơn nữa, xác định giá bán vô cùng phức tạp. Giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC hiện đang thấp, có loại thấp hơn giá trị sổ sách.

Liệu Vietcombank có thể căn cứ vào giá đó để mua bán? Còn nếu không thì căn cứ vào đâu? Thí dụ cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Công thương đang được chuyển nhượng trên thị trường với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá trị sổ sách gấp 4-5 lần mệnh giá do Sài Gòn Công thương sở hữu nhiều tài sản đất đai, nhà cửa ở TPHCM cũng như các tỉnh.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay không tăng trưởng, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa ngừng giảm giá, nhà đầu tư nào sẽ đứng ra mua lại cổ phiếu của những đơn vị do Vietcombank bán? Người mua sẽ phải tính chuyện đầu tư dài hạn, ít cũng 3-5 năm, và góp sức vào việc quản trị ngân hàng. Với những khó khăn trước mắt như thế, người mua cần được ưu đãi. Vietcombank có đủ ưu đãi dành cho họ?

Không chỉ đơn giản là từ 8% lên 9%

Vì sao Vietcombank bán cổ phiếu các ngân hàng khác ở thời điểm hiện tại?

Ngày 20-5-2010, Phó thống đốc thường trực NHNN Trần Minh Tuấn ký ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo đó thay đổi lớn nhất là từ 1-10-2010 tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng được nâng từ 8% lên 9%. Giới ngân hàng “tặc lưỡi”: không có vấn đề gì, tăng thêm 1% là chuyện có thể giải quyết được. Hơn nữa, với các ngân hàng cổ phần lớn, tỷ lệ an toàn vốn đang trên 10%.

Nhưng Vietcombank không thể “thở phào nhẹ nhõm” như thế. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng này chưa đạt 8% mặc dù đã nhiều lần được phép tăng vốn từ lợi nhuận để lại và bổ sung vốn bằng trái phiếu từ nguồn ngân sách trước khi tiến hành cổ phần hóa. Việc phát hành tăng vốn điều lệ thêm 9,8% cách đây vài tháng chính là để Vietcombank nâng tỷ lệ an toàn vốn.

Chìa khóa của vấn đề là ở cách tính tỷ lệ 9% kia. Theo Thông tư 13, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro. Những thành phần cấu thành nên tổng tài sản có rủi ro được tính theo quy định mới nhằm tránh rủi ro tối đa cho các ngân hàng. Còn trong vốn tự có phải trừ ra nhiều khoản. Nói ngắn gọn là tử số được bóc tách để giảm đi, còn mẫu số thì tăng lên.

Cụ thể, điều 5 khoản 2.2 quy định các khoản phải trừ khỏi vốn cấp 1 (vốn tự có là tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2) gồm: “Các khoản góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác; các khoản góp vốn mua cổ phần của công ty con; các khoản góp vốn mua cổ phần của một doanh nghiệp, một quỹ đầu tư, một dự án đầu tư vượt mức 10%”.

Tổng số tiền Vietcombank đầu tư vào các ngân hàng khác hiện lên tới hàng ngàn tỉ đồng (chỉ riêng ở Eximbank là 771 tỉ đồng), chưa kể vốn góp vào công ty con, dự án. Tất cả những khoản này từ đầu tháng 10 tới phải trừ ra khỏi vốn tự có. Việc này sẽ làm vốn tự có của Vietcombank tụt giảm mạnh. Cho nên Vietcombank không còn cách nào khác là phải bán bớt đi và hạch toán các khoản thu về vào vốn tự có.

Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng đang ráo riết rà soát lại vốn tự có và các khoản phải loại trừ ra. Điều 5 của Thông tư 13 dài tới 5 trang, quy định chi tiết từng khoản phải loại trừ. Khoản 2.1d của điều 5 thậm chí còn quy định rõ tới mức tiền mua cổ phiếu quỹ của ngân hàng lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần cũng phải loại trừ khỏi vốn cấp 1. Việc loại trừ sẽ làm cho vốn tự có của một số ngân hàng giảm xuống và tỷ lệ an toàn vốn cũng giảm theo. Để đảm bảo tỷ lệ 9%, các ngân hàng chưa đạt mức này, sẽ phải hoặc tiếp tục tăng vốn hoặc giảm dư nợ cho vay và những khoản khác.

Suy cho cùng, cái đích của Thông tư 13 là sự “lập lại trật tự” trong hệ số an toàn vốn, giúp các ngân hàng có một tỷ lệ an toàn vốn đích thực. Từ đây, NHNN có thể sử dụng tỷ lệ này và tỷ lệ khả năng chi trả để kiểm soát cơ cấu dư nợ, tốc độ tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Thông tư 13 yêu cầu các ngân hàng “xây dựng bảng theo dõi, quản lý kỳ hạn thanh toán của tài sản có và kỳ hạn phải trả của tài khoản nợ của từng ngày” (điều 13, khoản 1).

Còn hơn hai tháng để các ngân hàng tính toán, điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn của mình theo quy định mới. Thời gian còn lại không dài để xử lý những khoản góp vốn, đầu tư. Việc xử lý là cần thiết. Thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao trước hiện tượng “tảng băng trôi” này mà trên đó những động thái của Vietcombank đang nổi rõ hơn cả?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới