Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dấu hỏi về tỷ giá và lạm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dấu hỏi về tỷ giá và lạm phát

Phi Tuấn

Lạm phát đang khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Dù đánh giá tốt những nỗ lực về kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng giới chuyên gia trong hội thảo “Chính sách tài khóa – tiền tệ và phát triển thị trường tài chính Việt Nam”, do trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, vẫn tỏ ý hoài nghi về hiệu quả dài hạn.

Tranh luận quanh cán cân thanh toán

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2011 của Việt Nam sẽ thặng dư khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, mức thặng dư đầu tiên kể từ năm 2008. Con số của ông Nghĩa đưa ra, nếu so với 2,5 tỉ đô la Mỹ thặng dư theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì vẫn còn khá bi quan, nhưng lại rất lạc quan so với dự báo của chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí. Cũng tại hội thảo nói trên, ông Chí dự báo “cán cân thanh toán quốc tế năm nay sẽ tiếp tục âm 3 tỉ đô la”.

Mức thặng dư 1 tỉ đô la Mỹ được ông Nghĩa tính toán dựa trên những phân tích về các số liệu thật nhưng “chưa thể công bố”. Còn ông Chí nửa đùa nửa thật rằng mình “dò số trên mạng”, và tính toán rằng thâm hụt thương mại tiếp tục ở mức 12 tỉ đô la trong năm nay. Theo ông Chí, kiều hối có thể giảm xuống còn 5 tỉ đô la do lượng ngoại tệ vào sẽ ít hơn khi lãi suất đô la Mỹ giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ.

Ông Nghĩa không đồng ý với nhận định lượng kiều hối năm nay sẽ giảm. Theo ông, chính sách thắt chặt tiền tệ, việc giảm lãi suất đô la Mỹ, cùng với sự kiện lao động Việt Nam ở Lybia về nước, không làm cho thị trường kiều hối biến động nhiều. Trong số 8 tỉ đô la Mỹ kiều hối năm 2010, thì khoảng 4,3 tỉ là do người lao động xuất khẩu gửi về, và những cuộc xung đột ở Libya gần đây cũng chỉ làm cho con số này giảm xuống còn 4,1 tỉ đô la. Lượng “kiều hối” được gửi về theo dạng đầu cơ lãi suất, theo ông Nghĩa, cũng chỉ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, và con số đó có thể vẫn được giữ lại, vì dù lãi suất giảm, nhưng “vẫn hấp dẫn hơn các nước khác, và rất có thể người ta giữ lại để đầu tư vào các hạng mục khác”.

Điều ông Nghĩa lo ngại nhất là lực cản về khoản sai số và bỏ sót mà năm 2009 lên tới hơn 10 tỉ đô la, sang năm 2010 giảm còn hơn 4 tỉ đô la. Năm nay, nếu khoản mục này dự kiến chỉ khoảng 1 tỉ đô la, thì cán cân thanh toán sẽ thặng dư.

Đối với bộ ba bất khả thi, gồm cố định tỷ giá, tự do hóa tài khoản vốn và chính sách tiền tệ độc lập, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế – Luật, đề nghị cần phải xem tỷ giá là mục tiêu thay vì là phương tiện của chính sách tiền tệ. Và như thế chính sách tiền tệ cần phải được chấp nhận ở mức “kém độc lập” để trung hòa với sự chu chuyển dòng vốn ngoại nhằm kiểm soát tốt lạm phát. Điều này trái với đề xuất của ông Chí, là “bỏ một giữ hai”, trong đó cái cần hy sinh là cố định tỷ giá.

Theo ông Nghĩa, tỷ giá trong năm nay “có thể biến động, nhưng không đáng kể”. Lý do ông đưa ra là dù lạm phát của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với lạm phát của Mỹ, nhưng bù lại, tỷ giá hối đoái thực của đồng Việt Nam tăng giá so với đô la Mỹ khoảng 10% và đồng đô la Mỹ mất giá so với các đồng tiền khác cũng cỡ đó. Hơn nữa, nếu tính một rổ tiền tệ gồm 19 đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại thì tỷ giá hối đoái thực của Việt Nam so với đồng đô la tăng không đáng kể.

Điều quan trọng nhất trong năm 2011, theo ông Nghĩa, là việc Chính phủ đã bắt đầu đưa ra những cơ chế để xây dựng thị trường hối đoái chính thức làm nền tảng để chấm dứt tình trạng các ngân hàng nhận tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ, thay vào đó là hoạt động mua và bán ngoại tệ, với một lộ trình từ nay cho đến năm 2013.

Băn khoăn về lạm phát

Theo các chuyên gia, nền kinh tế dường như đang ở trong một vòng xoáy: lạm phát – chống lạm phát – thắt chặt tiền tệ – nới lỏng tiền tệ – lạm phát rồi lại chống lạm phát. Các chuyên gia nhận định chính sách tài khóa chính là nguyên nhân của lạm phát, vì thế Chính phủ nên thay đổi chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công. Con số 3.400 tỉ đồng cắt giảm chỉ chiếm 1% tổng đầu tư công là quá nhỏ. Còn ông Nghĩa cho rằng do đầu tư công là từ ngân sách trung ương rót xuống, vì thế, Chính phủ cần quyết tâm cắt giảm ngay từ khâu này, và buộc địa phương phải “xoay xở trong số vốn được cấp”, chứ không nên cử các đoàn công tác về địa phương vì “địa phương sẽ năn nỉ, khó cắt lắm”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế – Luật, tỏ ý hoài nghi về phương thức, danh mục cũng như cơ chế giám sát việc cắt giảm đầu tư công, vì bài học năm 2008 vẫn còn đó khi Chính phủ đưa ra chương trình cắt giảm nhưng kết toán ngân sách quốc hội thông qua vẫn bội chi. Theo bà Cành, căn bệnh kinh tế chỉ được điều trị bằng các liệu pháp kinh tế, còn biện pháp hành chính chỉ là liều thuốc bổ trợ, cắt cơn tạm thời mà thôi.

Ông Nghĩa cho rằng nguyên nhân lạm phát là do lỗi cơ cấu vì “phân bổ nguồn lực vào những khu vực không có hiệu quả”. “Nếu kéo lạm phát xuống chừng 5-7% thì vẫn chưa chạm tới cấu trúc và chỉ dùng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đơn giản thì không thể làm được. Nếu kéo xuống 2-3% một cách ổn định vững chắc thì chắc chắn là phải cải cách cơ cấu,” ông nói.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kỳ vọng vào một con số “đẹp” của lạm phát năm 2011 là 11%, nếu không thì sẽ 12-13% như các dự báo, trong khi mức tăng trưởng của cả năm xoay quanh con số từ 5-6,5%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới