Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đâu là thách thức khiến TPHCM chưa thành trung tâm tài chính?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đâu là thách thức khiến TPHCM chưa thành trung tâm tài chính?

Việt Dũng

(TBKTSG Online) – TPHCM có nhiều lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong cả nước để vươn lên thành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên để biến điều này trở thành hiện thực thì vẫn còn nhiều thách thức.

Đâu là thách thức khiến TPHCM chưa thành trung tâm tài chính?
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TPHCM có khát vọng để trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Ảnh: VD

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TPHCM 2019 chủ đề "Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" nhiều ý kiến cho rằng làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng… thành hiện thực đang là bài toán lớn về phát triển, không chỉ đối với TPHCM mà là cả nước.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng cách đây 20 năm TPHCM đã có khát vọng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Thành phố cũng đã có những hành động cụ thể như thành lập Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vào năm 1998. Tuy nhiên, thành phố cũng nhận thức rõ việc biến khát vọng này thành hiện thực là một quá trình phức tạp vì xuất phát điểm rất thấp.

Trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 – 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 – 2020.

Dựa trên quy mô của thị trường chứng khoán thì tỷ trọng còn tương đối thấp so với các đô thị khác trong khu vực khiến việc phát triển thành trung tâm tài chính gặp nhiều thách thức. Cụ thể, tỷ trọng thị trường chứng khoán TPHCM mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…

“Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển  thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những hạn chế đó không làm thành phố chùn bước mà càng thôi thúc mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

Thành phố không đặt tham vọng trở thành trung tâm tài chính lớn nhất khu vực, nhưng thành phố mong muốn là bạn để kết nối tất cả trung tâm tài chính trên thế giới, thành phố có đủ tự tin để làm điều đó”, ông Phong nói.

Trong tham luận gửi đến diễn đàn, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chủ trương xây dựng đề án "Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" là việc làm không mới nhưng rất cần thiết.

Từ chủ trương của Bộ Chính trị đến nhận thức của lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu: Làm thế nào để TPHCM thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trở thành một trung tâm tài chính của khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng TPHCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn dang dở. Thậm chí, vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (Từ khoảng 40% của những năm đầu những năm 2000 còn 24% năm 2018)

Chuyên gia này cho rằng có 4 vấn đề đang đặt ra, cần lý giải, như thị trường tài chính trên địa bàn TPHCM đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam. So với các trung tâm tài chính của một số quốc gia trong khu vực thì thành phố đang ở đâu? Hoàn thiện khung pháp lý đang điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam và những điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính mang tính khu vực và giao dịch quốc tế?

Dưới góc nhìn khác, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Trường ĐH Fulbright – cho rằng thực tế tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TPHCM ngày càng giảm. TPHCM đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính) đều ở tầm quốc gia. Chưa kể, nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính…

"Trung tâm tài chính TPHCM trước hết phục vụ khu vực phía Nam và cả nước. Còn nếu tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo "lối mòn" truyền thống. Cần tìm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Trên tất cả là cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới