Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dấu lặng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dấu lặng!

Khái niệm “mệnh giá” ngày càng co giãn trong mắt nhà đầu tư. (ảnh minh họa)

(TBKTSG) – Khái niệm “mệnh giá” ngày càng co giãn trong mắt nhà đầu tư. Trước đây, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá được coi là rẻ, nhưng bây giờ sự “đắt – rẻ” được nhận định thận trọng hơn, gắn chặt với các thông số EPS, P/E và tiềm năng tăng giá trở lại trong tương lai.

Công ty cổ phần thủy điện Cần Đơn (sàn TPHCM – SJD) chưa bao giờ thua lỗ từ khi đi vào hoạt động. Đầu ra là điện đã có hợp đồng tiêu thụ dài hạn, ổn định. Đầu vào là chi phí quản lý doanh nghiệp, lương nhân viên, khấu hao, bảo trì… cũng hầu như không thay đổi.

Mỗi năm công ty lãi ròng 50-60 tỉ đồng. Năm nào nước nhiều, điện sản xuất ra nhiều, lợi nhuận còn cao hơn. Ấy thế mà quí 4-2008 đùng một cái SJD lỗ 15,6 tỉ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ còn 35,4 tỉ đồng, EPS giảm xuống còn 1.415 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân lỗ là chi phí tài chính (trả lãi vay ngân hàng). Năm nào công ty cũng trả một khoản vốn và lãi vay xây dựng nhà máy, nhưng năm nay do lãi suất biến động, hợp đồng tín dụng ký dài hạn với lãi suất thả nổi, nên khoản lãi trả ngân hàng tăng vọt. Dường như chính sách thắt chặt tiền tệ lúc này mới ảnh hưởng đến công ty.

Ngấm thuốc

Cho dù còn tới hơn 40 công ty xin lùi thời hạn nộp báo cáo tài chính quí 4-2008, nhưng danh sách các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh lỗ trong quí cuối cùng của năm đang dài ra.

Trả lãi ngân hàng nhiều hơn mọi năm, hàng tồn kho không tiêu thụ được, chi phí nhân công tăng, sự biến động quá thất thường của giá nguyên liệu… tất cả đổ dồn lên đầu doanh nghiệp.

Công ty Công nghiệp Tungkuang (TKU – HASTC) quí 4 lỗ 27 tỉ đồng. Sữa Hà Nội (HNM – HASTC) cả năm lỗ 37,7 tỉ đồng; Petroshil (PVS – HASTC) quí 4 lỗ 58 tỉ đồng. Công ty Đường Biên Hòa (BHS – HOSE) quí 4 lỗ 24,7 tỉ đồng, cả năm lỗ 43,2 tỉ đồng. Đường Bourbon Tây Ninh (SBT – HOSE) quí 4 lỗ 34,4 tỉ đồng. Công ty Kim khí điện máy TPHCM (HMC – HOSE) quí 4 lỗ 22 tỉ đồng với hàng tồn kho 552,7 tỉ đồng, vay ngắn hạn hơn 300 tỉ đồng. Saigontel (SGT – HOSE) quí 4 lỗ 69,2 tỉ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lỗ nặng trong quí 4 do hàng tồn.

Có đơn vị chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn, nhưng vẫn không có đầu ra. Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Cần Thơ (TSC – HOSE) quí 4 lỗ 53 tỉ đồng; Phân bón Hóa sinh (HSI – HOSE) quí 4 lỗ 11 tỉ đồng; Đạm Phú Mỹ (DPM – HOSE) quí 4 lỗ 86,7 tỉ đồng.

Các công ty xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Những đơn vị quy mô nhỏ còn năng động cắt giảm nhân công, giảm chi phí quản lý, cố gắng có lời chút đỉnh trong quí 4, nhưng lợi nhuận cả năm vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp quy mô lớn xoay xở chậm hơn, kết quả là lỗ và hàng tồn nhiều. Năm 2007 lợi nhuận sau thuế của Công ty Xuất khẩu thủy sản An Giang Agifish (AGF – HOSE) đạt 41,7 tỉ đồng, năm nay chỉ còn 15,1 tỉ đồng, giảm 64%.

Bị tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu mạnh nhất trong các công ty xuất khẩu niêm yết là thủy sản Nam Việt (ANV – HOSE). Quí 4 ANV lỗ 131 tỉ đồng, hàng tồn kho lên tới 679 tỉ đồng, nợ phải thu của khách hàng và nội bộ hơn 900 tỉ đồng, khoản vay ngắn hạn ngân hàng 762 tỉ đồng. Đông Âu, thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty, vẫn đang là câu hỏi chưa tìm ra lời giải, nhất là khi đồng rúp của Nga mất giá quá mạnh trong năm 2008.

Các doanh nghiệp có đầu tư tài chính đang thực sự trong những ngày gian khó. Nhiều doanh nghiệp lỗ vì phải trích dự phòng rủi ro giảm giá chứng khoán. Mức trích dự phòng cuối năm cao hơn nhiều so với mức trích của tháng 6-2008, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Tài chính dầu khí (PVF – Hose) có mức lỗ quí 4 cao nhất từ trước đến nay: 405 tỉ đồng; REE lỗ cả năm 152,4 tỉ đồng; Chứng khoán Kim Long (KLS – HASTC) lỗ 347 tỉ đồng cả năm; Chứng khoán Hải Phòng (HPS – HASTC) cả năm lỗ 120 tỉ đồng; Chứng khoán Bảo Việt lỗ 453 tỉ đồng.

Không ít doanh nghiệp vẫn còn lời, nhưng lợi nhuận quá thấp so với vốn điều lệ như Vinpearl lãi 40,6 tỉ đồng/vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Có doanh nghiệp lợi nhuận cả năm vẫn cao, nhưng lợi nhuận quí 4 sút giảm nghiêm trọng, báo hiệu khó khăn của năm 2009 như Nhựa Tiền Phong (NTP – HASTC) cả năm lãi 151 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận quí 4 chỉ có 10 tỉ đồng.

Những ưu thế như dự trữ được nguyên liệu nhập khẩu giá thấp năm 2007 không còn, trong khi nguyên liệu nhập sáu tháng đầu năm giá cao, những tháng cuối năm giá lại quá thấp và sức cầu sản phẩm nội địa gần như ngưng trệ đã khiến nhiều công ty sản xuất nhựa đang gần như thoi thóp.

Vị đắng chưa dứt

Nhiều công ty niêm yết đã “nếm” vị đắng tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp vận tải, dầu khí, xuất khẩu cao su, thủy sản, kinh doanh phân bón, sắt thép… chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, còn không ít đơn vị chịu ảnh hưởng gián tiếp với độ ngấm ngày càng gia tăng, đặc biệt trong quí 1-2009.

Tuy chưa tính được mức suy giảm lợi nhuận chung của tất cả các công ty niêm yết, (do chưa có đầy đủ số liệu báo cáo của mọi công ty), nhưng có thể thấy là sự đi xuống của chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đang đẩy chỉ số P/E toàn thị trường lên cao. Trong khi chỉ số P/E của chứng khoán Việt Nam đang cao hơn một số nước khu vực châu Á, sự đẩy thêm lên này chắc chắn không có lợi cho việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Các công ty chứng khoán đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm 2008 giảm từ 8-13% và có thể cao hơn trong năm 2009. Vấn đề là vì sao lợi nhuận giảm, mà phần lớn doanh nghiệp niêm yết vẫn tồn tại được?

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhiều công ty “trụ” được là nhờ nguồn vốn huy động từ phát hành thêm cổ phiếu trong nửa cuối năm 2007 và năm 2008. Chẳng hạn, ngành ngân hàng, lượng vốn huy động được từ các đợt tăng vốn năm 2007 cao gấp ba lần năm 2006, nhưng lượng huy động năm 2008 chỉ còn 10.000 tỉ đồng, bằng 50% năm 2007. Năm 2009 dự báo lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán sẽ vô cùng khó, cộng thêm lợi nhuận năm ngoái giảm, sẽ có những công ty phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa nhà máy, thậm chí tạm ngưng kinh doanh.

Điều đáng quan tâm là dấu lặng lợi nhuận này chưa biết sẽ kéo dài trong bao lâu, liệu nó có sớm chấm dứt? Giới đầu tư buộc phải cân nhắc nhiều hơn các thông số tài chính trước khi đặt lệnh mua cổ phiếu. Trên sàn TPHCM, đã có 46/177 loại cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá và khoảng 20 loại cổ phiếu khác có giá giao dịch xung quanh mệnh giá.

Khái niệm “mệnh giá” ngày càng co giãn trong mắt nhà đầu tư. Trước đây, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá được coi là rẻ, nhưng bây giờ sự “đắt – rẻ” được nhận định thận trọng hơn, gắn chặt với các thông số EPS, P/E và tiềm năng tăng giá trở lại trong tương lai. Ở giai đoạn mà những công ty tên tuổi hàng trăm năm của thế giới cũng có thể sụp đổ, nhà đầu tư trong nước đang nhìn chứng khoán với con mắt dè chừng hơn nhiều.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới