Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu năm, Indonesia mua nhiều gạo của Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu năm, Indonesia mua nhiều gạo của Việt Nam

Trung Chánh

Đầu năm, Indonesia mua nhiều gạo của Việt Nam
Công nhân đang chuẩn bị gạo phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Việc đẩy mạnh thực hiện phần còn lại của hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho Indonesia mà Việt Nam và quốc gia này đã ký kết vào năm ngoái đã giúp Indonesia tạm vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất được công bố vào hôm nay (26-2) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 1-2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia đạt trên 137.000 tấn với trị giá trên 54 triệu đô la Mỹ. Với kết quả này, Indonesia đã tạm vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1-2016 khi chiếm đến 25,2% thị phần xuất khẩu của Việt Nam (xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1-2016 đạt khoảng 478.000 tấn, theo Bộ NN&PTNT).

Bộ NN&PTNT cho biết Trung Quốc ở vị trí thứ hai chiếm 12,51% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 1-2016. Trước đó, Trung Quốc là thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 30,65% thị phần xuất khẩu của cả nước trong năm 2015.

Trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết Indonesia trở thành thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam là do các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đẩy mạnh giao hàng theo cam kết cho phần còn lại của hợp đồng bán 1 triệu tấn đã đạt thỏa thuận trong năm 2015 và được chuyển sang năm 2016.

Không riêng Indonesia, hàng loạt thị trường khác cũng có sự tăng mua gạo của Việt Nam trong tháng 1-2016.

Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy trong khoảng thời gian trên, Philippines nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng hơn 16 lần về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, và “tạm” đứng thứ  ba về thị trường mua gạo Việt Nam khi chiếm 12,38% thị phần.

Trong tháng 1-2016, Malaysia nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng 48,26% về khối lượng và 40,65% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; Đài Loan tăng gần 2 lần về khối lượng và 78,15% về giá trị; Ghana tăng 9,44% về khối lượng, nhưng giảm 4,93% về giá trị.

Tuy nhiên, cũng có một số thị trường giảm lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong tháng 1-2016 so với cùng kỳ năm ngoái, chẳng hạn Bờ Biển Ngà giảm 27,92% về khối lượng và 11,38% về giá trị; Hồng Kông giảm 16,42% về khối lượng và 25,23% về giá trị; Mỹ giảm 7,84% về khối lượng và 23,01% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Về giá xuất khẩu, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết giá xuất khẩu bình quân trong tháng 1-2016 đạt 443,5 đô la Mỹ/tấn, giảm 5,95% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, mức giá FOB hiện được một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL chào bán đối với loại 5% tấm là 350-360 đô la Mỹ/tấn; loại 25% tấm là 340-350 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm Jasmine là 415-425 đô la Mỹ/tấn.

Về diễn biến thị trường trong nước, giá lúa IR 50404 tươi ở ĐBSCL hiện được thương lái mua vào phổ biến ở mức 4.300-4.400 đồng/kg, tăng 50-100 đồng/kg so với tuần rồi. Gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá phổ biến trong khoảng 6.500-6.600 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg so với tuần rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới