Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dầu Nga ùn ùn đổ về châu Á sau lệnh cấm vận của EU

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  Dữ liệu mới nhất cho thấy các tàu chở dầu của Nga đang ồ ạt chuyển hướng sang châu Á sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào ngày 5-12.

Tàu chở dầu RN Polaris rời Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, hôm 4-12. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm vận này đã đóng cửa thị trường dầu mỏ gần nhất của Nga. Ngoại trừ một khối lượng dầu nhỏ được giao cho Bulgaria, dòng chảy dầu của Nga đến EU, vốn tiêu thụ một nửa nguồn cung dầu của Moscow vào đầu năm, đã dừng lại. Bulgaria được miễn trừ khỏi một phần lệnh cấm của EU đối với việc nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga.

Lượng dầu khổng lồ của Nga bị châu Âu tránh xa đang chuyển hướng sang châu Á, với một đội tàu dầu chạy vòng quanh lục địa và qua Kênh đào Suez (Ai Cập) để vận chuyển dầu đến Ấn Độ và Trung Quốc. Dòng chảy đó đã tăng lên hơn 3 triệu thùng mỗi ngày trong tuần tính đến ngày 9 -12, chiếm 89% tổng lượng dầu thô được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần đó, theo dữ liệu của Bloomberg.

Hơn một nửa số dầu thô vận chuyển từ các cảng của Nga ở Biển Baltic, Biển Đen và Bắc Cực đang hướng đến kênh đào Suez trên những con tàu dầu không tiết lộ điểm đến cuối cùng của chúng. Không rõ liệu tất cả số dầu này đã có người mua hay chúng đang được vận chuyển đến châu Á với hy vọng sẽ có người mua trước khi đến nơi hay không.

Moscow vẫn chưa trả đũa lệnh cấm vận của EU cũng như cơ chế áp  trần giá dầu Nga ở mức 60 đô la Mỹ/thùng của phương Tây. Cơ chế này chỉ cho phép các bên sử dụng dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận chuyển của các công ty ở châu Âu nếu như họ mua dầu Nga từ mức 60 đô la Mỹ trở xuống.

Việc đình chỉ cung cấp dầu đến châu Âu qua đường ống, một lựa chọn khác mà Điện Kremlin đang xem xét, sẽ gây tổn thương cho các nước như Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech. Nhưng điều này sẽ đúng ý đồ của khách hàng khác ở châu Âu mua dầu của Nga qua đường ống bao gồm Đức và Ba Lan, vốn đang lên kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu Nga qua đường ống vào cuối năm nay.

Khối lượng dầu Nga trên các tàu đang hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, ba nước nổi lên như những khách hàng lớn mua nguồn cung dầu Nga bị châu Âu né tránh, và vẫn chưa xác định điểm đến cuối cùng, đã tăng vọt trong bốn tuần tính đến ngày 9-12, lên mức trung bình 2,73 triệu thùng/ ngày. Con số này cao hơn gấp bốn lần so với khối lượng dầu Nga vận chuyển trong bốn tuần ngay trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.

Các tàu chở dầu Nga đang trở nên thận trọng hơn về điểm đến cuối cùng của chúng. Khối lượng dầu trên các tàu rời các cảng ở Biển Baltic có điểm đến tiếp theo là kênh đào Suez hoặc cảng Port Said của Ai Cập đã tăng lên 890.000 thùng/ngày. Vẫn có khả năng nhiều tàu trong số này sẽ bắt đầu thông báo điểm đến tiếp theo là các cảng của Ấn Độ khi chúng đi qua kênh đào Suez. Trong tuần đầu tiên sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, tổng khối lượng dầu vận chuyển từ Nga đã tăng thêm 468.000 thùng, lên 3,45 triệu thùng/ngày.

Trong 4 tuần trước ngày 9-12, khối lượng dầu Nga đến châu Âu giảm về mức thấp nhất trong năm nay, trong khi đó, dầu Nga sang châu Á đạt mức cao mới.

Xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển sang các nước châu Âu giảm xuống còn 215.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến ngày 9-12, với Bulgaria là điểm đến duy nhất của dầu thô Nga trong ba tuần cuối cùng của giai đoạn này. Con số này không bao gồm các chuyến hàng dầu Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay, vẫn chưa rõ Nga sẽ trả đũa như thế nào đối với những nước tham gia gia cơ chế áp trần giá dầu do Mỹ dẫn đầu.

Các chuyến tàu chở dầu đến các khách hàng châu Á của Nga, cộng với những lô hàng dầu Nga trên các con tàu chưa thông báo điểm đến cuối cùng, nhưng thường có thể đến Ấn Độ hoặc Trung Quốc, đã nhảy lên mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày.

Các chuyến hàng dầu Nga đến châu Á được mua với giá trên 60 đô la Mỹ/thùng tại điểm bốc hàng sẽ phải giao trước ngày 19 -1, nếu các bên mua muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm từ Nhóm quốc tế của các hiệp hội Bảo vệ và Bồi thường (P&I), có trụ sở tại Anh. Nhóm này đang cung cấp 90% bảo hiểm P&I cho ngành hàng hải.

Hội P&I là hội của những chủ tàu cùng nhau đóng góp hội phí để tự bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau trước trách nhiệm bồi thường đối với những rủi ro mà các công ty bảo hiểm hàng hải truyền thống không cung cấp dịch vụ bảo hiểm, chẳng hạn hư hỏng hoặc mất mát hàng hóa, các sự cố môi trường như tràn dầu…

Dữ liệu theo dõi tàu và báo cáo của các công ty môi giới cảng cho thấy có tổng cộng 32 tàu chở 24,2 triệu thùng dầu thô của Nga trong tuần tính đến ngày 9-12. Con số này tăng 3,26 triệu thùng, tương đương 16% so với tuần trước đó.

Khi G7, EU và Úc công bố mức trần 60 đô la Mỹ đối với dầu của Nga vào ngày 2-12, giá dầu thô đã sụt giảm trong sự thất vọng. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã giảm năm phiên liên tiếp từ 86,88 đô la Mỹ/thùng vào ngày 1-12 xuống còn 76,82 đô la Mỹ/thùng vào ngày 9 -12.

Giá dầu Urals của Nga đang giao dịch ở mức thấp hơn 20-35 đô la Mỹ so với dầu thô Brent kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Tính đến ngày 6-12, dầu Urals được giao dịch ở mức 56,34 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá trần của phương Tây.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới