Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đấu trường sở hữu trí tuệ quốc tế: cuộc chiến ở rừng xanh

Lê Vũ Vân Anh (*) - Nguyễn Ngọc Trâm (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

LTS: Nếu gọi đấu trường sở hữu trí tuệ quốc tế là rừng xanh thì doanh nghiệp Việt Nam là những tân binh. Và cuộc chiến sinh tồn trong “rừng xanh” sở hữu trí tuệ giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài trở nên khốc liệt, mà chúng ta thường ở bên bị thua thiệt. Tuy nhiên, hai tác giả Lê Vũ Vân Anh(*) và Nguyễn Ngọc Trâm(**) trong bài viết này cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên học cách sử dụng một loại vũ khí có giá trị toàn cầu, được gọi tên “pháp luật”.

Sói Wolfoo… Nguồn: afamily.com

Nếu thị trường thương mại Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một thị trường tiềm năng và nhiều điểm sáng, thì thị trường sản phẩm trí tuệ và khung pháp lý sở hữu trí tuệ (SHTT) lại nhận được vô vàn cái lắc đầu. Vị thế tân binh cùng hệ thống luật pháp về SHTT dù đã được sửa đổi tốt hơn nhưng chưa được chặt chẽ, và cả lối mòn suy nghĩ về việc chưa đánh giá đúng sản phẩm trí tuệ đã khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách bảo vệ tài sản vô hình của mình.

Sói Wolfoo kiện lợn Peppa: vụ kiện liên lục địa

Trong tháng 8 và 9-2022, truyền thông trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin một công ty Việt Nam khởi kiện hai doanh nghiệp nước ngoài ra Tòa án Nhân dân Hà Nội vì hành vi vi phạm pháp luật SHTT. Nguyên đơn là Sconnect, một công ty chuyên về sản xuất nội dung sáng tạo và là chủ sở hữu bộ nhân vật hoạt hình chú Sói Wolfoo.

Bị đơn là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt chung là EO) có trụ sở tại London (Anh), là chủ sở hữu của nhân vật cô lợn Peppa. Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo và xâm hại quyền tác giả trong các video về lợn Peppa.

Đây là một vụ kiện đáng chú ý vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là lần đầu một công ty Việt Nam khởi kiện một doanh nghiệp nước ngoài về một lĩnh vực SHTT mà Việt Nam thường hay nằm ở phía bị đơn. Thứ hai, vụ kiện diễn ra khi một loạt hiệp định thương mại theo chiều hướng tăng cường bảo hộ SHTT mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA, UKFTA và RCEP (1) vừa mới bắt đầu có hiệu lực. Cuối cùng, đây là một vụ kiện liên lục địa.

…và lợn Peppa. Nguồn: afamily.com

Trước khi sói Wolfoo thực hiện các bước tố tụng, lợn Peppa đã đi trước một bước là đồng loạt khởi kiện Wolfoo ở Nga (tháng 1-2022) trên cơ sở vi phạm quyền tác giả(2), và ở nước Anh – quê nhà Peppa – trên ba cơ sở(3), gồm: Một, vi phạm nhãn hiệu Peppa. Hai, vi phạm quyền tác giả. Ba, rất đặc biệt, hành vi giả mạo làm khán giả hiểu lầm Wolfoo là do EO sản xuất (passing off).

Đây là một chế định pháp lý hết sức đặc biệt ở các nước thông luật, nhằm ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh bằng cách cấm một doanh nghiệp lợi dụng danh tiếng thương mại (goodwill) của một doanh nghiệp khác bằng cách: Một là sử dụng tên thương mại giống hệt hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn; Hoặc hai, bằng cách tiếp thị sản phẩm theo cách khiến công chúng nghĩ rằng họ đang nhận được hàng hóa của thương nhân đã có danh tiếng thương mại nêu trên.

Trọng tâm của passing off là việc công chúng đã bị đánh lừa, dẫn đến việc một nhà kinh doanh có uy tín phải chịu thiệt hại. Mặc dù passing off có thể bảo vệ mọi khía cạnh của doanh nghiệp, các nguyên đơn ở Anh thường sử dụng công cụ này để bảo vệ nhãn hiệu chưa được đăng ký.

Chiến thắng ở Moscow, nhưng…

Tháng 7-2022, tòa án Moscow đã đứng về phía Sconnect khi các thẩm phán và chuyên gia cho rằng sói Wolfoo không vi phạm quyền tác giả của lợn Peppa. Sconnect đã giành chiến thắng nhưng cũng không nên chủ quan. Lý do, kết luận của tòa án Nga chưa hẳn là một tiền lệ đáng tin cậy về mặt pháp lý vì bị cho là chịu ảnh hưởng của bối cảnh chính trị phức tạp hơn là dựa trên các lập luận pháp lý thuần túy.

Vào tháng 3-2022, Nga ban hành một đạo luật cho phép sử dụng sáng chế, bí mật thương mại và giải pháp hữu ích của các chủ sở hữu thuộc các nước mà Nga cho là không thân thiện (bao gồm Mỹ, các nước EU, UK và một số các nước khác) mà không cần bồi thường cho chủ sở hữu.

Mặc dù đạo luật mới không đề cập đến quyền tác giả và nhãn hiệu, nhưng việc nhiều thương hiệu nổi tiếng của phương Tây như IKEA, McDonald’s… bị sao chép ở Nga, phản ánh tình hình bảo hộ SHTT hiện tại ở đây. Phán quyết của tòa án London (Anh), nếu vụ án được thụ lý, sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, tòa London vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc này, có lẽ vì thẩm quyền của tòa chưa rõ ràng.

Tại Việt Nam, sau khi khởi kiện EO lên tòa án, Sconnect đã gửi đơn đến các bộ yêu cầu được giúp đỡ bằng nhiều cách. Mặc dù tác giả chia sẻ bức xúc với doanh nghiệp, nhưng việc kiến nghị sự can thiệp của Nhà nước cho một mối quan hệ dân sự là đi ngược lại nguyên tắc đối xử quốc gia (national treatment) – một nguyên tắc rường cột trong các hiệp định quốc tế.

Nguyên tắc này yêu cầu một nước thành viên phải đối xử bình đẳng giữa công dân/doanh nghiệp trong nước với công dân/doanh nghiệp nước ngoài. Vi phạm nguyên tắc này có thể dẫn đến việc một chính phủ bị các công ty, nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện tại các tòa án quốc tế.

Các hiệp định thương mại Việt Nam vừa mới ký kết chưa kịp ráo mực và bộ luật SHTT mới sửa đổi đều theo hướng thượng tôn pháp và bảo hộ SHTT một cách bình đẳng. Đã ra sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nên học cách sử dụng một loại vũ khí có giá trị toàn cầu, được gọi tên “pháp luật”.

Việt Nam: “tân binh” của sàn đấu

Đầu tiên, chúng ta cần phải thừa nhận một thực tế rằng, so với các nước phát triển đã có hàng trăm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT, Việt Nam và các doanh nghiệp nội địa hoàn toàn là một “tân binh”.

Ở bên kia địa cầu, nước Anh – chủ nhà của lợn Peppa là chiến binh lão luyện khi mà Quy chế Độc quyền 1623 của Anh điều tiết hệ thống sáng chế của quốc đảo này hơn 200 năm, một khoảng thời gian dài hơn bất kỳ bộ luật nào trên thế giới.

Thậm chí, Quy chế 1623 còn được gọi là “luật mẹ của luật sáng chế hiện đại ở tất cả các nước thông luật”(4) và là “hiến chương Magna Carta về quyền của các nhà sáng chế và quyền tự do thương mại”(5). Tương tự, nước Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới ban hành quy định về bản quyền thông qua Quy chế Anne hay còn được gọi Đạo luật Bản quyền 1710.

Trong khi đó, Việt Nam có bộ luật SHTT đầu tiên vào năm 2005 – gần 400 năm sau nước Anh, và trở thành thành viên của WTO vào năm 2007. Cho đến nay, chúng ta tiến hành ba lần sửa đổi luật. Lần đầu tiên vào năm 2009 để đảm bảo các quy định phù hợp với hiệp định TRIPS. Bản sửa đổi thứ hai được thông qua vào tháng 6-2019 để phù hợp với hiệp định CPTPP. Bản sửa đổi thứ ba vào tháng 6-2022 để tuân thủ với hiệp định EVFTA và RCEP. Ba lần sửa đổi luật đã chứng tỏ tầm quan trọng của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Không ngoa khi khẳng định rằng gia nhập toàn cầu hóa là lý do chính dẫn đến hệ thống SHTT Việt Nam hiện đại.

Chúng ta thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân lực và thiếu cả một chiều dài lịch sử lập pháp. Trong bối cảnh đó, các điều ước quốc tế đặt các doanh nghiệp nội địa vào thế bất lợi. Vì các hiệp định này đặt ra các tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn so các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan của quyền SHTT (WTO), vốn đã bị xem là kém thân thiện với các nước đang phát triển.

Bị ràng buộc bởi các điều ước quốc tế, doanh nghiệp trong nước khó tránh khỏi khó khăn. Để tồn tại, doanh nghiệp không chỉ phải biết về luật quốc tế mà còn phải am hiểu luật của các thị trường chính mà doanh nghiệp hướng đến và cả chiến thuật của đối thủ nước ngoài trong lĩnh vực SHTT.

Vừa đắp khiên vừa tạo kiếm

Quay trở lại câu chuyện sói Wolfoo và lợn Peppa, EO đã có các bước chiến thuật pháp lý thường thấy. EO đã “gửi một loạt thông báo đến các đối tác của Sconnect để khẳng định và kết luận rằng phim hoạt hình Wolfoo vi phạm bản quyền của phim hoạt hình Peppa Pig” và “yêu cầu các đối tác phải gỡ bỏ toàn bộ các nội dung Wolfoo trên các nền tảng kinh doanh”. Hành vi này có phần “xa lạ” với doanh nghiệp Việt Nam nhưng là một hoạt động rất phổ biến của các công ty nước ngoài.

Việc gửi “Cease and Desist Letter” (thư thông báo việc vi phạm và yêu cầu ngừng hoạt động vi phạm) như EO đã làm là bước đầu tiên chủ sở hữu thông báo đến bên (bị cho là) đang vi phạm tài sản trí tuệ của họ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập quy trình này để bảo vệ tài sản của mình khi có vi phạm xảy ra.

Cease and Desist Letter chỉ là điểm khởi đầu của một chuỗi các hoạt động pháp lý liên tục diễn ra sau đó, nhằm gỡ bỏ sự vi phạm, hoặc khiến công ty đối thủ tự nguyện gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, hoặc quan trọng không kém, làm tiền đề cho việc đấu tố tại tòa án.

Cùng lúc đó, loại thư này không thể gửi quá liên tục hay quá nhiều lần bởi có thể bị liệt vào hành vi SPAM hoặc tệ hơn là bị kiện ngược lại vì hành vi quấy rối (Harassment). Ngoài ra, loại thư này luôn yêu cầu ghi rõ bên công ty đối thủ sẽ có bao nhiêu ngày để trả lời thư và thực hiện hành vi yêu cầu, và thường số ngày trong thư sẽ được cho nhiều hơn 10 ngày.

Tại Việt Nam, nhiều thư yêu cầu ngừng hoạt động vi phạm được gửi đi mà không ghi rõ thời hạn trả lời hay cho bên nhận thư quá ít ngày để trả lời và không bao gồm số ngày thư được vận chuyển tới tay công ty có hành vi vi phạm (nếu gửi bằng đường bưu điện) – đây là một điều thiếu sót mà pháp chế và các luật sư SHTT nước nhà cần để tâm. Dạng thư này cũng áp dụng cho các thư yêu cầu gửi đi cho công ty nước ngoài. Cease and Desist Letter nên được gửi bằng e-mail và cả đường bưu điện (bản giấy) cho công ty đối thủ.

Trong khi chờ đợi thư trả lời, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm một chuyên gia SHTT đáng tin cậy để thực hiện các bước phức tạp hơn như làm việc với các trang web để gỡ bỏ vi phạm, làm việc với các cơ quan ban ngành của nước nơi công ty vi phạm đặt trụ sở hoặc đăng ký kinh doanh để thông báo hành vi vi phạm, chặn các yêu cầu “chặn nhập cảnh sản phẩm” mà bên công ty vi phạm có thể nộp lên, thông báo với hải quan để chặn sản phẩm công ty vi phạm vào Việt Nam nếu là sản phẩm hữu hình, trong trường hợp này công ty phải có đăng ký chứng minh mình là chủ sản phẩm chứ không phải công ty đối thủ…

Kiện tụng ở tòa là cách mà doanh nghiệp nên làm và cần làm nếu hai bên không thể đi tới thỏa thuận hợp lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nên thử giải quyết các vi phạm quốc tế thông qua trọng tài quốc tế hoặc cơ quan trọng tài của WIPO.

Các hành động pháp lý kể trên đều là cách khiến doanh nghiệp tiến hóa trong cuộc đấu rừng xanh. Việc bảo hộ, xử lý vi phạm, và có kế hoạch phát triển mạnh mẽ dựa trên tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đều cần bàn tay giúp đỡ và hoạch định của các chuyên gia SHTT, đặc biệt là những người am hiểu luật chơi của đấu trường quốc tế. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể vừa đắp khiên vừa tạo kiếm và từ đó vươn lên mạnh mẽ trong thị trường kinh doanh toàn cầu.

(*) Giảng viên môn luật sở hữu trí tuệ tại khoa luật, Đại học Oxford.

(**) Chuyên viên văn phòng luật sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, New York.

(1) CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam), UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Anh – Việt Nam) và RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)
(2) https://thesaigontimes.vn/sconnect-viet-nam-kien-chu-so-huu-peppa-pig-ra-toa-vi-lien-quan-den-ban-quyen/
(3) https://thesaigontimes.vn/sconnect-gui-don-den-4-bo-nho-bao-ve-trong-vu-viec-voi-chu-so-huu-peppa-pig/;
(4) https://www.theguardian.com/business/2022/jan/26/peppa-pig-owner-sues-studio-behind-wolfoo-youtube-character.
(5) Luigi Palombi, Gene Cartels: Biotech Patents in the Age of Free Trade (Edward Elgar Publishing, 2009), preface, p.ix.
(6) Stephen P. Ladas, Patents, Trademarks, and Related Rights. National and International Protection (Harvard University Press, 1975) p.6.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới