Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư 16 nút giao thông tại TPHCM, cần tính phương án giảm ùn tắc khu vực

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc xây dựng nút giao thông cần được đồng bộ tránh trường hợp chuyển điểm ùn tắc giao thông từ nơi này sang nơi khác, theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Xây dựng nút giao thông là phương án khả thi 

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM có đề xuất gửi UBND TPHCM đầu tư xây dựng 16 nút giao thông lớn trên địa bàn nhằm giảm ùn tắc giao thông. Đây là các dự án trong danh mục ưu tiên theo lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thành phố.

Trong đó, dự án cầu vượt ở khu vực ngã tư Đình (quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Quá, quận 12) đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Cùng với dự án này là 5 dự án nút giao khác đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư công.

Còn lại 10 nút giao chưa được duyệt chủ trương đầu tư và đang được kiến nghị bố trí 5 tỉ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương.

Nút giao thông ngã ba Cát Lái (thành phố Thủ Đức) giúp kết nối đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ kết nối với xa lộ Hà Nội. Ảnh: Đức Nhân

TS Nguyễn Hữu Nguyên, hội viên Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, cho rằng việc xây dựng 16 nút giao thông để kéo giảm tình trạng kẹt xe tại thành phố là phương án khả thi với hiện trạng giao thông hiện nay của thành phố. Thành phố cũng cần có thêm nút giao thông nhiều tầng để giúp các xe lưu thông nhanh hơn vào các khu vực lân cận.

“Nút giao thông nhiều tầng giúp tạo ra nhiều hướng đi cho xe tại giao lộ. Ở Trung Quốc việc xây dựng các nút giao thông nhiều tầng đã góp phần giải quyết được tình trạng kẹt xe”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cho ví dụ thêm, trước đây tại ngã ba Chú Ía (nay là ngã sáu Nguyễn Thái Sơn) khi chưa có cầu vượt đã thường xuyên ách tắc, nhưng khi có cầu vượt tại nút giao ở đây đã thông thoáng hơn.

Thực tế giao thông tại các nút giao

Là dự án nằm trong 16 dự án nút giao thông vừa được Sở GTVT đề xuất, nút giao ngã tư Đình, nằm giữa hai nút giao đã được đầu tư cầu vượt là An Sương và Tân Thới Hiệp (quận 12), thường xuyên bị dồn ứ và xung đột với các luồng xe. Việc đầu tư xây dựng không đồng bộ ở các nút giao quan trọng nằm gần nhau đã chuyển điểm kẹt xe, ùn ứ tại khu vực ngã tư An Sương trước đây về khu vực ngã tư Đình.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế xe tải thường chở hàng từ khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân về tỉnh Đồng Nai, cho biết xe tải lưu thông trên quốc lộ 1 thường xuyên bị kẹt xe tại ngã tư Đình, có khi kẹt kéo dài cả cây số.

Theo anh Tuấn, nút giao này đường nhỏ hẹp lại gần một khu chợ tự phát nên lượng phương tiện xe máy tập trung nhiều, các xe máy còn tranh nhau vượt đèn đỏ băng ngang đường rất nguy hiểm.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thái, người dân sống tại đây, phàn nàn mỗi khi ùn xe là có rất nhiều ô tô tải, xe khách chạy làn vào hai bánh khiến xe máy di chuyển rất khó khăn.

Ông Thái cho biết thêm, ngoài nguyên nhân là khu này đông dân cư thì tuyến quốc lộ 1 từ An Sương và Tân Thới Hiệp xe chạy thông suốt qua cầu vượt, nhưng đến đây thì bị dồn ứ lại để chờ tín hiệu đèn giao thông.

Việc hoàn thành xây dựng cầu vượt tại nút giao ngã tư Đình sẽ giúp giao thông trên quốc lộ 1 thông suốt từ cầu vượt An Sương – ngã tư Đình – Tân Thới Hiệp. Từ đó sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ùn xe, phát triển kinh tế xã hội khu vực tây bắc thành phố.

Dù đã có cầu vượt nhưng khu vực dưới cầu vượt Lăng Cha Cả thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, do xung đột hướng đi. Ảnh: MH

Tương tự là nút giao Lý Thường Kiệt – đường 3 tháng 2 (quận 11), nằm trong 10 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tình trạng ùn xe cũng thường xuyên xảy ra tại ngã tư này. Đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm dòng phương tiện xe máy, ô tô nhích từng chút trên tuyến đường này.

Nút giao Lý Thường Kiệt – đường 3 tháng 2 cũng nằm giữa hai nút giao thông khác trên cùng tuyến đường là nút giao vòng xoay Cây Gõ và nút giao đường 3 tháng 2 – Nguyễn Tri Phương được đầu tư xây dựng cầu vượt.

Giao thông trên đường 3 tháng 2 khi qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương là bắt đầu ùn ứ kéo dài từ đường Ngô Quyền về Lý Thường Kiệt, hướng đi từ vòng xoay Cây Gõ thông suốt về đến đường Lê Đại Hành cũng bắt đầu ùn ứ kéo dài về đến ngã tư này.

Từ thực tế giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay, theo các chuyên gia, khi triển khi đầu tư xây dựng các nút giao trọng điểm ngành chức năng cần tính tới việc giải quyết ùn tắc giao thông một khu vực chứ không thể kéo điểm ùn tắc từ nơi này sang nơi khác.

Theo Sở GTVT, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM được quy hoạch có 102 nút giao thông, trong đó 68 điểm trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 điểm trên các tuyến nội đô. Hiện tại TPHCM đã xây dựng 29/102 nút giao thông, đạt tỷ lệ khoảng 28%. Trong đó có 18/68 điểm trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ, đạt khoảng 27% và 11/34 điểm trên các tuyến nội đô, đạt khoảng 23%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới