Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư 3G: sao cho vẹn cả đôi bề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư 3G: sao cho vẹn cả đôi bề

Qualcomm và S-Fone đã ký hợp đồng hợp tác triển khai các ứng dụng dịch vụ 3G vào tuần trước. Ảnh: Tuyết Ân

(TBKTSG) – Việc cấp phép triển khai hệ thống thông tin di động thế hệ thứ ba (3G) cho các nhà khai thác đang là câu chuyện được giới trong ngành quan tâm. Tại Việt Nam, Chính phủ sẽ cấp phép khai thác mạng ứng dụng dịch vụ 3G trên tần số của 2100 MHz cho bốn nhà cung cấp.

Chọn nhà khai thác nào?

Chọn nhà khai thác nào là bài toán khó cho nền viễn thông của bất cứ quốc gia nào. Tần số là tài nguyên quốc gia, nên chúng ta phải rất thận trọng khi chọn đối tượng để khai thác.

Thực tế ngành viễn thông quốc tế cho thấy, có rất nhiều diễn biến phức tạp về khai thác tần số: (1) Có rất nhiều nhà khai thác đấu thầu cho được tần số ấy chỉ vì không muốn có một nhà khai thác khác gia nhập thị trường; (2) Vì đã đầu tư quá nhiều cho việc đấu thầu nên có nhà khai thác không còn đủ khả năng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và triển khai dịch vụ; (3) Nhà khai thác không đánh giá đúng mức thị trường và khả năng tài chính nên nỗ lực để được cấp giấy phép, sau đó trì hoãn triển khai; (4) Nỗ lực đấu thầu để có được giấy phép, thậm chí sở hữu 3G nhưng không bao giờ có kế hoạch đầu tư mà mục tiêu của họ là chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác; (5) Trong trường hợp đấu thầu, Nhà nước có thể có một nguồn lợi lớn, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” và như thế cũng không tạo được môi trường cạnh tranh lâu dài có lợi cho người dùng; (6) Trong trường hợp thi tuyển, thách thức lớn nhất là yếu tố khách quan và công bằng cho mọi nhà đầu tư. Việc thi tuyển cũng không có một sự ràng buộc nào về tài chính, vì thế nhà khai thác sẽ không bị áp lực về hiệu quả để nỗ lực khai thác và cung cấp dịch vụ như thỏa thuận. Trường hợp này cũng không dễ kết luận chọn đối tượng nào để khai thác.

Một số quốc gia trên thế giới, nhất là ở Trung Đông và châu Phi, tần số một khi đã được đấu thầu hay đã giao cho một nhà đầu tư để khai thác, thì thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư. Việc được sở hữu tần số đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và mang lại khá nhiều thành công cho ngành viễn thông của quốc gia đó. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh khác, quyền được sở hữu tần số cũng đã mang lại nhiều trở ngại không kém, nhất là khi quyền sở hữu đó được chuyển nhượng sang một nhà đầu tư khác.

Chúng ta nên hiểu rằng quyền sở hữu tần số là tài sản của một nhà đầu tư, nó là một trong những yếu tố then chốt để định giá hay chuyển nhượng một mạng lưới viễn thông. Nếu chỉ được phép “sử dụng” tần số có thể dẫn đến sự kém thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vì tần số ấy không phải là “tài sản” của họ. Nếu chỉ được phép “sử dụng” thì vấn đề cần làm rõ là thời gian bao lâu, khi hết hạn sử dụng thì có được gia hạn hay không, với điều kiện gì. Tất cả những yếu tố này nên đưa vào kế hoạch đầu tư, kinh doanh của nhà khai thác và đơn vị chức năng nên dựa trên một cơ sở thật khoa học khi quyết định.

Theo tôi, một sự phối hợp cả hai: thi tuyển và đấu thầu là phương án tốt nhất. Một số tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đã chi hàng tỉ đô la Mỹ để đấu thầu cho được tần số 3G và kết quả là họ đã phải trả một giá rất đắt trong thời gian dài để vượt qua khủng hoảng vì không còn khả năng tài chính để đầu tư vào hạ tầng cơ sở và khai thác những ứng dụng, dịch vụ trên tần số đó. 

Theo kinh nghiệm tại Indonesia, quốc gia đã ra giấy phép 3G gần đây nhất và cũng qua tất cả các quy trình và trường hợp đã nêu trên, thì sự phối hợp của cả hai phương án là thích hợp nhất đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam. Nhà khai thác hay nhà đầu tư sẽ được sở hữu tần số trong vòng 10 năm, nhưng bắt buộc phải đầu tư và khai thác trong một thời gian cố định. Trong quá trình hoạt động, nếu muốn chuyển nhượng hay bán công ty thì phải được Chính phủ cho phép. Số tiền đấu thầu cao nhất cho một tần số để khai thác ứng dụng, dịch vụ 3G tại Indonesia là 140 triệu đô la, trả làm nhiều lần trong suốt quá trình được phép sử dụng tần số. Thời gian đó đủ cho họ đầu tư hạ tầng triển khai dịch vụ, tìm kiếm lợi nhuận chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

Bao nhiêu nhà khai thác?

Vậy thị trường như Việt Nam nếu triển khai 3G thì bao nhiêu nhà khai thác là hợp lý? Bài toán này không ai có thể giải đáp trước khi thấy được hiệu quả hay hậu quả của nó. Theo kinh nghiệm của tôi, một thị trường như Việt Nam không sớm thì muộn sẽ có sự sáp nhập (consolidation) như nhiều thị trường khác. Thậm chí có thể có những vụ sáp nhập mà không ai có thể hình dung nổi.

Nhưng hiện chưa phải là thời điểm đó, vì ba lý do. (1) Tỷ lệ người dùng dịch vụ di động ở Việt Nam vẫn còn là một trong những tỷ lệ thấp trên thế giới với khoảng 20% nếu trừ đi số người sử dụng nhiều SIM; (2) Đối tượng được chọn để khai thác 3G sẽ là một trong những yếu tố chính để đặt vấn đề: ai sẽ sáp nhập với ai; và (3) Chưa có một nhà khai thác dịch vụ nào của Việt Nam có cổ phần trực tiếp hay gián tiếp của Nhà nước được tư nhân hóa, cổ phần hóa hay có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này trước để (a) làm đúng điều kiện đã thỏa thuận khi Việt Nam gia nhập WTO; và (b), nếu muốn giải quyết được (a) thì phải giải quyết vấn đề sở hữu của VinaPhone và MobiFone qua tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Nếu không sự sáp nhập khó có thể xảy ra vì thị phần của VNPT vẫn còn quá lớn, nhất là về khía cạnh sở hữu hay quyền sử dụng tần số.

Chúng ta cũng không nên quên rằng một thị trường với quá nhiều nhà khai thác sẽ phải cạnh tranh mãnh liệt. Sự cạnh tranh đó sẽ biến “thương trường thành chiến trường”, nơi các nhà khai thác chỉ có thể chiếm hay bảo vệ thị phần bằng cách giảm giá tối đa. Nếu nhận định từ cái nhìn của người tiêu dùng, đây là khuynh hướng nên tán thành, nếu những nhà khai thác vẫn có khả năng giữ hay nâng cấp được chất lượng dịch vụ. Tiếc rằng hiện nay không thấy điều đó xảy ra tại những thị trường như Indonesia hay Việt Nam. Việc giảm giá tối đa để cạnh tranh còn dẫn đến một hậu quả không tích cực trong vấn đề sử dụng tần số – một tài nguyên quốc gia.

Phí dịch vụ được giảm tối đa nhưng chất lượng không được cải thiện đã khiến người sử dụng có rất nhiều thuê bao; thậm chí có người sử dụng 5 SIM cùng lúc. Điều này khiến những con số thuê bao từ các nhà khai thác được “thổi phồng” khi thông báo về hiệu quả đầu tư của mình. Dựa trên những con số này có thể nói tần số mà những nhà khai thác đang sử dụng đã bị quá tải, mặc dù một số rất lớn thuê bao ít khi được dùng đến. Đó cũng là một sự lãng phí đầu tư của chính họ và tài nguyên quốc gia.

Thị trường Việt Nam có quy mô bằng thị trường Đức, Pháp hoặc gấp bốn lần Malaysia. So sánh như vậy thì, theo tôi, bốn nhà khai thác là con số hợp lý và ba là một con số lý tưởng. Indonesia hiện có gần 250 triệu dân và hơn 10 nhà khai thác, họ đang trong giai đoạn phải sáp nhập. Để khuyến khích điều này, nhiều chính phủ đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một ví dụ rất điển hình là tạo điều kiện cho người tiêu dùng được quyền giữ số điện thoại khi chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác.

Mặt khác, với những tiêu chuẩn công nghệ hiện đại thì một nhà cung cấp dịch vụ di động ảo (Mobile Virtual Network Operator-MVNO), không hẳn phải là nhà khai thác hạ tầng, cũng có thể cung cấp những ứng dụng và dịch vụ theo nhu cầu của từng nhóm người dùng, ví dụ như MVNO Virgin Mobile tại Anh đang cung cấp cho khách hàng những ứng dụng, dịch vụ chủ yếu trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, video clip. Nhà cung cấp này cũng vừa mở rộng hoạt động sang Ấn Độ. Hoặc một siêu thị hay một ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ vào lĩnh vực thanh toán nhỏ (micro payment) qua điện thoại di động.

Như vậy chúng ta không cần tới bảy nhà khai thác hạ tầng vẫn có thể mang đến những ứng dụng và dịch vụ gia tăng phục vụ cho người tiêu dùng một cách hoàn hảo.

PHẠM TIẾN THỊNH (*)

______________________________________________________ 

(*) Ông Thịnh là Việt kiều Đức, từng làm việc tại các công ty truyền thông và viễn thông quốc tế như Bertelsmann AG, Deutsche Telekom AG, T-Mobile International… Hiện ông là Giám đốc cao cấp chiến lược và phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Qualcomm International Inc. Hong Kong.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới