Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư cảng quốc tế Cần Giờ phải hài hòa được lợi ích môi trường và kinh tế

L.Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển cửa ngõ Sài Gòn (Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) vẫn đang trong các vòng thẩm định rất kỹ lưỡng. Các bộ ngành đang cho ý kiến dự án này nhìn nhận, chỉ thực hiện khi hài hòa được lợi ích giữa môi trường và kinh tế...

Để trình dự án Cảng quốc tế Cần Giờ của Liên danh nhà đầu tư CTCP Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A lên Thủ tướng thời gian tới, các bộ ngành liên quan yêu cầu liên danh rà soát, bổ sung, cập nhật nhiều vấn đề quan trọng đối với dự án này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hồ sơ đề xuất, nhà đầu tư đặt tên dự án là Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn. Tuy nhiên, các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề án được TPHCM xây dựng chỉ đề cập đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Do đó, nhà đầu tư cần rà soát lại tên và vị trí của dự án trong hồ sơ để đảm bảo tính thống nhất.

Dự kiến Cảng trung chuyển cửa ngõ Sài Gòn sẽ có 14 km luồng chung với cảng Cái Mép- Thị Vải
Ảnh: CTCP cảng Sài Gòn

Vị trí nhà đầu tư đề xuất dự án nằm đối diện với Cụm cảng Cái Mép- Thị Vải, tại cù lao Phú Lợi (huyện Cần Giờ) có quy mô sử dụng đất 571 héc ta, trong đó có gần 90 héc ta là diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và diện tích mặt nước là 481,05 héc ta.  Song Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản đề nghị liên danh làm rõ vị trí cụ thể của dự án trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, khoảng cách vị trí đối với vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển và hiện trạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực dự án.

Đồng thời, các bộ cũng đề nghị liên danh bổ sung bản đồ về vị trí và mối quan hệ của dự án đối với phân vùng môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đánh giá sơ bộ các tác động. Dự án có đoạn luồng chung với cảng Cái Mép - Thị Vải, vì vậy cũng cần bổ sung đánh giá tổng hợp khi hai cảng kết nối vận hành và lan tỏa tác động đến lòng, bờ sông...

Phía Bộ Tài nguyên-môi trường góp ý với Chính phủ và nhà đầu tư những vấn đề lớn cần chú ý trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Trong đó gồm, việc tác động đến đa dạng sinh học Khu dự trũ sinh quyền rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ sinh thái biển và các biện pháp giảm thiểu; các vấn đề liên quan đến xói lở, bồi lắng. Đặc biệt, các vấn đề này phải tham vấn các bên liên quan như Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Dự án này đề xuất xây dựng tại khu vực ven biển huyện Cần Giờ có thể bao gồm phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền. Trong khi đó Luật Tài nguyên- môi trường biển và hải đảo quy định phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền.

Hiện nay, TPHCM là địa phương có biển duy nhất chưa thiết lập được hành lang bảo vệ bờ biển nhưng dự án có thể bao gồm phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình như trên. Mặt khác, việc dự án có đoạn luồng chung với Cái Mép- Thị Vải dài 14km cần có đánh giá tổng hợp khi hai cảng kết nối vận hành tác động đến lòng sông, bờ bãi ra sao.

Theo hồ sơ đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 113.531,7 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, nhà đầu tư giải ngân khoảng 50.000 tỉ đồng trong 10 năm, và giải ngân hết tổng vốn đầu tư trong 22 năm. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến dài trong 22 năm, chia thành 7 giai đoạn.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định tại nghị quyết 98, nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án.

Do đó nhà đầu tư cần rà soát và bổ sung giải trình về quy mô tổng vốn của dự án và tiến độ thực hiện, để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án không quá dài và khả thi trong việc huy động vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đã nhận được báo cáo thuyết minh hiện trạng rừng khu vực chuyển đổi, tuy nhiên hồ sơ còn thiếu bản đồ hiện trạng rừng theo yêu cầu. Vì vậy, nhà đầu tư cần bổ sung, giải trình và cung cấp thêm tài liệu trước ngày 15-10, để đảm bảo đủ điều kiện và cơ sở pháp lý trước khi trình Thủ tướng xem xét và chấp thuận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới