Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng đầu tư toàn xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng đầu tư toàn xã hội

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013-2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông lâm thuỷ sản khoảng gần 390.000 tỉ đồng, chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng đầu tư toàn xã hội
Hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp – Ảnh: TD

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm Tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra ngày 10-11 tại Hà Nội, cho hay riêng trong lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, Bộ NN&PTNT đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó Bộ cũng đã từng bước điều chỉnh vốn đầu tư công cho các công trình phục vụ cơ cấu lại ngành, trong đó, ưu tiên các dự án có khả năng cạnh tranh và đem lại giá trị gia tăng cao, nhất là thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng…

Giai đoạn 2013-2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông lâm thuỷ sản là 389.000 tỉ đồng, chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 712.000 tỉ đồng, bằng 1,54 lần so với giai đoạn 5 năm trước (2008-2012). Đây là mức thấp hơn mức tăng trung bình vốn ngân sách của cả nước (tăng 1,66 lần). Nếu tính cả yếu tố trượt giá thì vốn đầu tư trong 5 năm qua chỉ tăng 1,3 lần so với 5 năm trước.

Tính riêng nguồn vốn do Bộ NN&PTNT quản lý giai đoạn 2013-2017 từ ngân sách Nhà nước là 59.270 tỉ đồng, trung bình khoảng gần 12.000 tỉ đồng/năm.

“Thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào ngành chỉ khoảng 6% của cả nước”, trích báo cáo của Bộ NN&PTNT và đây cũng được coi là một trong những điểm nghẽn khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Về phía doanh nghiệp tham gia vào ngành, theo ông Hà Công Tuấn, năm 2017, đã có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016, đưa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên hơn 7.000 doanh nghiệp.

Nếu tính tất cả các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thì tính đến tháng 9-2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có hơn 8.600 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Dù tăng mạnh, tổng số doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong ngành nông nghiệp vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ trong nông nghiệp lên tới hơn 95%, năng suất lao động lại chỉ bằng 38% năng suất lao động chung của cả nước. Chính điều này cũng gây cản trở tới nguồn vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực này.

Tại hội nghị, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đến nay đạt gần 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2017 và tăng 2,3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chiếm tỷ trọng khoảng 21% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu, ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng.

Sản xuất nông nghiệp hiện còn manh mún, tự phát, chuỗi giá trị sản phẩm chưa được tổ chức hiệu quả và phát triển hợp lý. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, thực tế cả nước chỉ có khoảng 300/700 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả.

Trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch chưa hiệu quả.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế, với chỉ 5% doanh nghiệp nông nghiệp được chứng nhận VietGap và tương đương. Chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả; số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nhận còn hạn chế.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới tại các địa phương theo Thông tư 33 của Bộ tài nguyên và môi trường còn chậm, cần các cấp, các ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đề án: "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013. 

Mời đọc thêm:

Tái cơ cấu nông nghiệp: hướng đến thị trường Trung Quốc – tiêu điểm của thị trường nông sản thế giới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới