Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư của Hàn Quốc: mở rộng và đi sâu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư của Hàn Quốc: mở rộng và đi sâu

Lê Hoàng

Samsung Vina vừa giới thiệu một sản phẩm điện thoại di động thông minh mới nhất Gallaxy SII -được sản xuất tại Việt Nam. Samsung sẽ mở rộng đầu tư hơn nữa ở nhà máy tại Bắc Ninh -Ảnh: Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đòi hỏi công nghệ cao hơn trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Từ Samsung Complex…

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết nhà máy điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh trong thời gian tới đây không chỉ sản xuất những dòng điện thoại mới nhất của hãng mà cả những sản phẩm điện tử công nghệ hiện đại khác của Samsung như máy tính bảng.

Tập đoàn Samsung có kế hoạch dài hạn đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động hiện nay của hãng ở tỉnh Bắc Ninh trở thành một tổ hợp công nghệ thông tin quy mô lớn (Complex Samsung) không chỉ sản xuất lắp ráp mặt hàng điện thoại di động mà sẽ còn nhiều mặt hàng điện tử, điện máy khác của Samsung.

Nguồn tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết lãnh đạo của Ban cũng đã vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án Samsung với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây là cơ sở quan trọng để tập đoàn Samsung tiến hành tăng vốn cho dự án hiện nay từ 670 triệu đô la Mỹ lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tới, biến Samsung thành nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử, điện máy tại Việt Nam.

Trước đó, tập đoàn Samsung đã có đề xuất gửi Chính phủ xin được ưu đãi đặc biệt để triển khai dự án này. Theo đó, Samsung Complex đề nghị được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo (tức còn 5%).Đồng thời, nhà đầu tư này cũng được miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư bán thành phẩm, linh kiện và các bộ phận phụ trợ mà trong nước chưa sản xuất được cho hoạt động sản xuất, lắp ráp điện thoại di động trong vòng 5 năm, kể từ khi hoạt động.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử có xu hướng ngưng sản xuất lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh thương mại, thì việc Samsung mở rộng sản xuất là tín hiệu rất tốt. Đây là lí do mà dự án của Samsung được ủng hộ.

Mặt khác, kể từ khi chính thức hoạt động vào tháng 4-2009, Samsung đã thu hút được khoảng 30 nhà sản xuất vệ tinh đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 250 triệu đô la Mỹ vào Bắc Ninh, tạo doanh thu xuất khẩu hơn 2 tỉ đô la Mỹ, và trong tương lai Samsung dự kiến sẽ thu hút được lên khoảng 200 nhà đầu tư vệ tinh.

Điều này cho thấy khi Samsung mở rộng đầu tư thì hàng loạt nhà đầu tư vệ tinh của nó cũng theo vào, cũng như dần hình thành cụm công nghiệp phụ trợ cho ngành viễn thông –điện tử tại đây. Điều quan trọng hơn nữa, theo các chuyên gia thì việc mở rộng đầu tư này của Samsung với vốn lên hàng tỉ đô la Mỹ cũng là cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn ở Việt Nam.

Ông Đạo cho biết, dự án sẽ triển khai theo từng giai đoạn.

Theo kế hoạch, Samsung sẽ giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 670 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2013-2015 và nâng lên mức đầu tư lên 1,5 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2015-2020.

… đến dịch vụ giải trí

Hệ thống rạp chiếu phim được doanh nghiệp Hàn Quốc CJ-CGV quan tâm đầu tư – Ảnh: Tường Vi

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc tại TPHCM (KoCham), Việt Nam đang mất dần lợi thế về lao động giá rẻ, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có khuynh hướng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, phân phối, logistic và sản xuất công nghệ cao đòi hỏi có tay nghề, thay cho các lĩnh vực thâm dụng lao động trước đây như dệt may, da giày… Điều này được thể hiện rõ khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và phân phối Hàn Quốc đang tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nếu thương vụ bán 92% cổ phần của Envoy Media Partners – cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 80% vốn trong Công ty truyền thông MegaStar thành công, thì phần lớn hệ thống rạp chiếu phim hiện đại trong nước có yếu tố vốn nước ngoài hiện nay sẽ điều hành bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Brian Hall, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MegaStar, cho biết nhà quản lý và điều hành chuỗi rạp hát đa năng lớn nhất Hàn Quốc CJ-CGV đã quyết định chi 73,6 triệu đô la Mỹ mua lại 92% vốn góp của Envoy Media Partners trong liên doanh MegaStar.

Nếu thương vụ này được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, CJ-CGV sẽ nắm quyền điều hành hệ thống rạp phim hiện đại và lớn nhất Việt Nam bởi phía Việt Nam trong liên doanh này là Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam chỉ nắm giữ 20% vốn.

Sau khi ra mắt rạp chiếu phim đầu tiên tại Hà Nội năm 2006, MegaStar đã phát triển hệ thống rạp chiếu lên đến bảy cụm rạp và 54 phòng chiếu ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. MegaStar – với tổng tài sản ước tính khoảng 38 triệu đô la Mỹ – hiện chiếm hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam.

Theo ông Hall, CJ-CGV là công ty điều hành chuỗi rạp phim lớn nhất Hàn Quốc và là một trong những hãng điều hành rạp chiếu phim thành công ở châu Á. CJ-CGV có cụm rạp chiếu phim đạt đẳng cấp thế giới về thiết kế và dịch vụ ở Hàn Quốc và Trung Quốc. “Chúng tôi nghĩ rằng, CJ-CGV là một đối tác rất lớn sẽ hợp lực cho việc phát triển của chúng tôi ở Việt Nam”.

Quan sát cũng cho thấy, hệ thống rạp chiếu phim MegaStar xuất hiện ngày càng nhiều khi các trung tâm thương mại ra đời. Gần như Parkson Việt Nam phát triển hệ thống kinh doanh ở đâu thì có sự hiện diện của MegaStar nếu ở đó có không gian cho mở dịch vụ giải trí phim ảnh. Ngoài ra, hệ thống rạp chiếu phim MegaStar cũng đi vào các trung tâm mua sắm khác như Vincom hoặc Co.opMart – vốn cũng là hai đơn vị đang phát triển mạnh về hệ thống phân phối và dịch vụ bán lẻ hiện nay.

Rõ ràng nếu thương vụ này thành công thì hệ thống rạp chiếu phim hiện đại có vốn nước ngoài của Việt Nam hiện nay sẽ gần như rơi vào tay của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trước CJ-CGV, Lotte – tập đoàn lớn và nổi tiếng thứ 2 về hệ thống điều hành rạp chiếu phim tại Hàn Quốc – cũng đã vào Việt Nam cách đây hơn 3 năm.

Công ty con của Lotte Group là Lotte Cinema chính thức gia nhập vào làng giải trí của Việt Nam từ tháng 5-2008 bằng việc mua các rạp chiếu phim của liên doanh Cinema Diamond tại TPHCM.

Hiện Lotte Cinema có 3 cụm rạp chiếu tại Việt Nam. Bên cạnh rạp chiếu tại Diamond Plaza (3 phòng chiếu – 344 ghế), rạp chiếu tại Đà Nẵng (3 phòng chiếu – 458 ghế) thì tháng 12-2008, Lotte Cinema đã chính thức khai trương cụm rạp thứ ba với 6 phòng chiếu và 1336 ghế tại tầng 3, trung tâm thương mại Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TPHCM.

Thế mạnh của Lotte được các chuyên gia đánh giá rất cao, bởi lẽ ngoài việc mua lại các rạp hiện có, Lotte còn đầu tư hệ thống bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam với quy mô lớn. Tại mỗi hệ thống bán lẻ, ngoài các trung tâm thương mại, siêu thị, Lotte đều tính đến việc mở hệ thống rạp chiếu phim để thu hút khách hàng.

Doanh thu phòng vé hiện nay ở Việt Nam ước tính tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm mặc dù chỉ có khoảng 150 phòng chiếu phim trên cả nước.

Và kinh doanh phân phối

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam -Ảnh: Lê Hoàng

Mặc cho Hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney vừa công bố Việt Nam rớt từ vị trí số một đạt được năm 2008 xuống thứ hạng 23 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm nay, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng không ngừng tìm cơ hội vào khai thác thị trường hơn 86 triệu dân này.

Sự kiện tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc E-Mart với 127 cửa hàng tại Hàn Quốc và 25 cửa hàng tại Trung Quốc vừa ký hợp tác với Tập đoàn U&I của Việt Nam để thành lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam với vốn đầu tư có thể lên đến 1 tỉ đô la Mỹ cho thấy một chiến lược đầu tư dài hạn của hai đơn vị này. Theo kế hoạch, liên doanh E-Mart Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu là 80 triệu đô la Mỹ, trong đó phía đối tác Hàn Quốc góp đến 80% vốn và U&I góp 20% vốn còn lại. Đến năm 2020, liên doanh dự kiện sẽ tăng vốn và mở rộng hoạt động đạt quy mô 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn của Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Theo Mai Hữu Tín, Chủ tịch tập đoàn đầu tư U&I, tùy theo quy mô diện tích của mỗi khu đất mà liên doanh mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hoặc trung tâm phân phối lớn…

Ông Tín cho rằng dù ra đời sau, nhưng E-Mart Việt Nam sẽ được thừa hưởng toàn bộ công nghệ và kinh nghiệm của đối tác phía Hàn Quốc trong kinh doanh bán lẻ để cạnh tranh tốt tại thị trường Việt Nam. Liên doanh sẽ tận dụng cơ hội kinh doanh bất động sản đang trầm lắng để sở hữu những vị trí tốt nhằm mở kinh doanh trong thời gian tới. Theo ông Tín, hai bên đã mất hơn bốn năm thương thảo và nghiên cứu để đi đến quyết định thành lập liên doanh này. Ngoài việc góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản Việt Nam, qua liên doanh này U&I cũng sẽ đưa các mặt hàng này vào hệ thống E-Mart ở các nước.

Như vậy, nếu được cấp phép thì E-Mart sẽ là nhà bán lẻ lớn thứ hai của Hàn Quốc sắp vào Việt Nam sau Lotte Mart. Lotte Mart một công ty trực thuộc tập đoàn Lotte có mặt tại Việt Nam bằng cách liên doanh với Doanh nghiệp Minh Vân thành lập Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam theo tỷ lệ góp vốn 80:20 nghiêng về nhà đầu tư Hàn Quốc. Đây cũng là liên doanh đầu tiên của Lotte Mart ở nước ngoài, mặc dù đến nay nhà bán lẻ này đã có gần 100 siêu thị ở 4 quốc gia.

Theo Ông Noh Byung Yong, Tổng giám đốc Lotte Mart ở Hàn Quốc, hai trung tâm thương mại Lotte ở TPHCM có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà bán lẻ Hàn Quốc vì cả hai trung tâm này là hai trung tâm ở nước ngoài được đầu tư và điều hành bởi Lotte Mart. Hệ thống siêu thị Lotte ở Trung Quốc hay Indonesia đều được sang nhượng lại từ tập đoàn Macro. Trong khi đó Lotte Việt Nam đã mua đất ở Nam Sài Gòn hoặc mua đến 50 năm dự án trung tâm thương mại The Everrich để kinh doanh. Hiện tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc này đang tiếp tục mở rộng ở các tỉnh thành khác. Mục tiêu của Lotte là sẽ mở 30 trung tâm thương mại khắp các thành phố lớn của Việt Nam trong vòng 10 năm kể tư năm 2008 với số vốn đầu tư lên đến 5 tỉ đô la Mỹ.

Rõ ràng các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đi những bước chiến lượcj trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ và đang có xu hướng bành trướng trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này còn yếu về tài chính và công nghệ.

Các nhà đầu tư khác của Hàn Quốc như Daewon phát triển các dự án bất động sản, Doosan về công nghiệp nặng… vẫn ngày càng phát triển các dự án của mình ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, nhất là tại hầu hết các địa phương đang thiếu hụt lao động phổ thông, cũng như những chuyển động trong việc thực hiện cam kết WTO về việc mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới