Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư của Trung Quốc chảy mạnh vào quỹ mạo hiểm ở Thung lũng Silicon

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vốn đầu tư của Trung Quốc đang chảy mạnh vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Thung lũng Silicon và Trung Quốc vẫn sâu sắc bất chấp các căng thẳng chính trị và kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh.

Vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào các quỹ mạo hiểm của Mỹ trong giai đoạn từ 2010 đến nửa đầu năm nay, 2022. Ảnh: WSJ

Đầu tư của Trung Quốc vào các quỹ mạo hiểm của Mỹ đang trên đà hướng đến mức 880 triệu đô la Mỹ trong năm nay, cao thứ hai trong ít nhất 12 năm, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu ở Quỹ Quốc phòng các nền dân chủ (FDD), một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington.

Báo cáo này là một nỗ lực mới nhằm định lượng dòng tiền không rõ ràng từ Trung Quốc rót vào các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Theo báo cáo, các thực thể chính phủ, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân cũng như các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 4 tỉ đô la vào các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ và 3,5 tỉ đô la vào các công ty đầu tư vốn tư nhân của Mỹ kể từ năm 2010.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết mối quan tâm chính của họ ít liên quan đến số tiền đầu tư của Trung Quốc, mà chủ yếu là về mối quan hệ cá nhân và kinh doanh của các nhà đầu tư Trung Quốc, khả năng tiếp cận thông tin công nghệ và ảnh hưởng của họ tại công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Họ nói vấn đề mà họ lo ngại là người Trung Quốc có thể sử dụng tư cách nhà đầu tư để nắm bí quyết thành lập một công ty khởi nghiệp hoặc mở rộng quy mô của một công ty công nghệ.

Báo cáo của FDD cho rằng những bí quyết như vậy có thể giúp Bắc Kinh tài trợ và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ, chẳng hạn như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Văn phòng của Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital ở Menlo Park, bang California. Sequoia Capital nằm trong số các quỹ mạo hiểm của Mỹ tiếp nhận vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Theo báo cáo, vốn đầu tư của Trung Quốc đang hiện diện trong các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu lớn như Sequoia Capital và Lightspeed Venture Partners, và các quỹ nhỏ hơn ở Thung lũng Silicon như Playground Global, GSR Ventures, Foothill Ventures và 11.2 Capital.

Michael Brown, giám đốc sắp mãn nhiệm của đơn vị đổi mới quốc phòng Thung lũng Silicon thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và là tác giả của một báo cáo năm 2017 thu hút sự chú ý của quốc gia về vai trò của vốn Trung Quốc đối với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ, nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang quyết liệt đầu tư hơn bao giờ hết”.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Foothill Ventures cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc đã đóng góp 1,59% tài sản mà quỹ này đang quản lý. GSR Ventures tiết lộ chưa đến 5% vốn đầu tư tại Mỹ của quỹ này là đến từ Trung Quốc.

Các phát hiện trong báo cáo FDD cho thấy lĩnh vực đầu tư mạo hiểm có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang chia rẽ kinh tế và Mỹ tung ra các chính sách hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Theo báo cáo, đầu tư của Trung Quốc vào các quỹ mạo hiểm của Mỹ trong năm nay sẽ lớn hơn khoảng 9 lần so với một thập niên trước và chỉ thấp hơn con số 1,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Việc theo dõi đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ là một thách thức vì các công ty Trung Quốc thường không công khai khoản đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Thậm chí, họ đôi khi sử dụng cấu trúc mê cung để che giấu khoản đầu tư này và thường xuyên yêu cầu các công ty mà họ đã đầu tư giữ bí mật danh tính của họ. Vì vậy, báo cáo của FDD nhận định con số đầu tư ước tính của Trung Quốc có thể thấp hơn thực tế.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận tài chính và không muốn tiếp cận các thông tin không công khai về những công ty khởi nghiệp mà các quỹ mạo hiểm của Mỹ đang đầu tư. Nhưng một số nhà đầu tư Trung Quốc khác lại yêu cầu giới thiệu những người sáng lập khởi nghiệp hoặc cung cấp các bài thuyết trình của họ cũng như nhận thông tin cập nhật hàng quí về tiến triển của các công ty khởi nghiệp và các báo cáo xu hướng công nghệ.

Trong một vụ kiện năm 2020, các đối tác cũ của Công ty đầu tư mạo hiểm Hone Capital ở Thung lũng Silicon cáo buộc Tập đoàn Quản lý đầu tư thương nhân và khoa học Trung Quốc, nhà đầu tư của Hone Capital, đã yêu cầu họ đưa khoảng 20 công ty khởi nghiệp đến Trung Quốc mỗi quí để phát triển các quan hệ đối tác, liên doanh và đầu tư bổ sung. Họ cho rằng các yêu cầu đó có vấn đề vì liên quan đến việc chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ có thể yêu cầu các đối tác đầu tư hạn chế của Trung Quốc dừng hoặc rút lui một số khoản đầu tư ở Mỹ. Một đạo luật vào 2018 đã giao trách nhiệm cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét rủi ro an ninh quốc gia đối với những khoản đầu tư hạn chế như vậy. Tuy nhiên, rất khó để xác định các đối tác hạn chế ở các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ cũng như rủi ro an ninh quốc gia mà chúng tạo ra.

Hôm 15-9, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu CFIUS siết chặt rà soát các khoản đầu tư từ các nước được xem là đối thủ của Mỹ, có liên quan đến dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ và các công nghệ tân tiến. Chúng sẽ bao gồm các khoản đầu tư nhỏ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Sắc lệnh này cho phép CFIUS tập trung giám sát các thương vụ đầu tư của nước ngoài vào các công nghệ quan trọng, bao gồm những công nghệ mà các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đang phát triển như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Dù nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ nhận định đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng tốc, đặc biệt là trong năng lượng sạch và chất bán dẫn, những lĩnh vực mà chính phủ Mỹ đang thúc đẩy.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới