Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư giai đoạn 2 dự án Cái Lớn – Cái Bé để ổn định sản xuất lúa cho vùng bán đảo Cà Mau

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây. Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi đầu tư dự án này là nhằm phục vụ sản xuất lúa ổn định cho một số địa phương vùng Bán đảo Cà Mau.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt giai đoạn 2 dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé. Trong ảnh là cống Cái Lớn. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây là tên gọi khác trong giai đoạn 2 của dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé (giai đoạn 1 đã đưa vào vận hành thử nghiệm được hơn 1 năm – PV)

Theo quyết định phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án nêu trên được đầu tư với mục tiêu cùng cống Cái Lớn, Cái Bé chủ động kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía Nam sông Cái Lớn và vùng Bắc Cà Mau.

Còn nhiệm vụ của dự án nêu trên, đó là cùng với cống Cái Lớn, Cái Bé, các cống ven biển An Biên – An Minh và hệ thống Quản Lộ- Phụng Hiệp giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hàng năm để phục vụ sản xuất ổn định vụ lúa, với khoảng 75.745 héc ta của huyện U Minh, Thới Bình tỉnh Cà Mau và huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang- các địa phương nằm trong vùng Bán đảo Cà Mau.

Ngoài ra, dự án nêu trên còn có nhiệm vụ hỗ trợ nước có độ mặn thấp phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trong mùa khô với diện tích khoảng 120.000 héc ta của huyện Thới Bình, TP Cà Mau của tỉnh Cà Mau; huyện Phước Long, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Song song đó, dự án cũng có nhiệm vụ kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập cho khu vực.

Dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 làm chủ đầu tư.

Dự án nêu trên được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, với tổng mức đầu tư trên 714,2 tỉ đồng. Trong đó, chi phí hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên 10,8 tỉ đồng; chi phí xây dựng gần 464 tỉ đồng; chi phí thiết bị gần 74 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án trên 7 tỉ đồng; chi phí tư vấn. gần 41 tỉ đồng; chi phí khác trên 13,4 tỉ đồng và còn lại là chi phí dự phòng.

Theo đó, quy mô đầu tư của dự án, bao gồm xây dựng, cải tạo cống, âu Tắc Thủ (cải tạo âu thuyền cũ và xây mới 1 âu thuyền); xây mới 4 cống hở gồm Nổng Kè Nhỏ, Nổng Kè Lớn, Giồng Kè, Bến Gỗ và cống ngầm Hai Chài.

Dự án nêu trên có tiến độ thực hiện trong 4 năm, kể từ ngày khởi công.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, sau khoảng một năm vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé, dự án cơ bản vẫn đảm ứng được các mục tiêu đề ra.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang- địa phương hưởng lợi trong vùng dự án- cho biết, đến thời điểm hiện tại, thời vụ sản xuất của các địa phương nằm trong vùng dự án (tỉnh Kiên Giang có 7 huyện nằm trong vùng dự án- PV) chưa thay đổi nhiều so với trước. “Chúng tôi chưa ghi nhận thay đổi đáng kể về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng dự án sau khi công trình đã vận hành kiểm soát được 12 tháng”, ông cho biết.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, trước và sau 12 tháng vận hành công trình, thì hết năm 2022 cả 7 huyện của địa phương vẫn duy được diện tích lúa như năm 2021 là 311.000 héc ta; sản lượng lúa thu hoạch đạt 1,9 triệu tấn so với 1,8 triệu tấn của năm 2021.

“Riêng thuỷ sản, vùng này thả nuôi 265.000 héc ta, tiếp tục duy trì 60% cơ cấu của tỉnh, trong đó, tôm nuôi 125.000 héc ta với sản lượng 67.000 tấn, đạt theo mục tiêu của ngành nông nghiệp đã xây dựng”, ông Toàn dẫn chứng và nhấn mạnh, nhìn chung sản lượng nông nghiệp chính của vùng vẫn đáp ứng được yêu cầu qua một năm vận hành (dự án Cái Lớn- Cái Bé).

Tuy nhiên, việc vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 của dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé đã làm trầm trọng hơn tình trạng ngập ở khu vực hạ lưu (từ phía sau cống ra cửa biển – PV).

Tại hội thảo đánh giá kết quả vận hành của hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé diễn ra mới đây ở tỉnh Kiên Giang, một vị chuyên gia của liên danh Viện quy hoạch thuỷ lợi miền Nam và Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam khi nói về tình trạng ngập ở hạ lưu dự án Cái Lớn- Cái Bé cho rằng, khi đánh giá ở giai đoạn thử nghiệm vào tháng 11-2021 về mức gia tăng mực nước (độ dềnh mực nước), thì căn cứ trên số liệu thực đo ở khu vực hạ lưu và các số liệu dự báo cho thấy: nếu đóng hoàn toàn cống Cái Lớn (11 cửa), thì độ dềnh mực nước là khoảng 30 cm ở phía sau cống và giảm dần khi ra ngoài cửa biển; mực nước dềnh 24 cm ở hạ lưu cống Cái Bé khi đóng hoàn toàn.

Trong đợt vận hành vào tháng 1-2022, khi Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi miền Nam vận hành đóng 9/11 cửa của cống Cái Lớn, thì con số về độ dềnh được xác định là 26 cm.

“Khi chúng ta dùng phương pháp mô hình toán mô phỏng, thì kết quả đã xác định độ dềnh nước lớn nhất ở cống Cái Lớn là khoảng 29 cm khi đóng toàn bộ 11 cửa và ở cống Cái Bé là khoảng 21 cm khi đóng toàn bộ (2 cửa). Còn nếu đóng ½, thì giảm được khoảng một nửa độ dềnh”, vị chuyên gia này cho biết.

Mực nước biển Tây dâng cao (nếu so sánh từ năm 2000 trở về trước với hiện nay, thì mực nước cao nhất đã tăng trên dưới 30 cm và tăng trên dưới 20 cm trong 5 năm trở lại đây – PV), trong khi cao độ hạ tầng giao thông, bờ bao, nhà cửa khu vực hạ lưu dự án Cái Lớn – Cái Bé thấp (ngoại trừ 4 tuyến từ cầu Cái Lớn, Cái Bé vào chân công trình làm mới có cao độ dương 1,4-1,5 mét, thì toàn bộ từ cầu Cái Lớn- Cầu Cái Bé ra phía hạ lưu phần lớn chỉ có cao độ dương 1,2-1,3 mét, thậm chí một số khu vực chỉ dương 1 mét – PV) nên không tránh khỏi ngập khi triều cường, kể cả khi chưa vận hành công trình.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của vị chuyên gia này, hiện trạng ngập kết hợp với vận hành công trình đã dẫn đến tình trạng ngập ở khu vực hạ lưu dự án Cái Lớn – Cái Bé gia tăng hơn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu bơm giếng lấy nước mặn là phải khởi tố tội huỷ hoại đất, nếu muốn nuôi tôm cứ đi thuê đất vùng khác thuận lợi hơn, chứ kiếm tiền kiểu đó là phá hoại tầng ngầm, tầng mặt, gây sụt lún.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới