Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư khách sạn vẫn đang hấp dẫn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư khách sạn vẫn đang hấp dẫn

Đào Loan

Đầu tư khách sạn vẫn đang hấp dẫn
Một trong những khách sạn 5 sao thuộc quyền quản lý của tập đoàn StarWood – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Dù kinh tế đang khó khăn nhưng mảng thị trường quản lý khách sạn vẫn hoạt động khá nhộn nhịp. Nhà cung cấp dịch vụ nhiều hơn nên chủ đầu tư khách sạn có thêm lựa chọn. Còn các công ty quản lý cũng phải hạ phí để cạnh tranh.

"Người cũ", "người mới" đều tăng tốc

Vài ba năm trở lại đây, số lượng tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế ra mắt tại thị trường Việt Nam không nhiều vì đa số những tập đoàn nổi tiếng đã thâm nhập từ trước. Tuy nhiên, những tập đoàn quốc tế có thâm niên tại thị trường Việt Nam như Starwood, Global Hyatt, Accor hay IHG … lại đang tăng tốc, đưa thêm nhiều thương hiệu vào thị trường.

Mới đây, tập đoàn Accor, hiện được xem là nhà quản lý khách sạn đứng đầu về số lượng tại Việt Nam, cho biết trong vòng 2 năm tới tập đoàn này này sẽ tăng hơn gấp đôi số phòng khách sạn mang thương hiệu Novotel. Hiện tại, các khách sạn mang thương hiệu Novotel tại Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết  có khoảng 500 phòng và sắp tới sẽ có thêm tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội… Tổng cộng, hiện tập đoàn này có đến 11 khách sạn mang các thương hiệu như Novotel, Mercure, MGallery và Sofitel với hơn 2.000 phòng và sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Tập đoàn IHG (InterContinental Hotel Group) tạo được tiếng tăm với thương hiệu InterContinental, Crowne Plaza ở Hà Nội và TPHCM đã đưa Crowne Plaza đến Đà Nẵng và phát triển thêm thương hiệu Holiday Inn. Tập đoàn Starwood Hotels & Resort Worldwide sau khi đã có các khách sạn Sheraton ở TPHCM, Nha Trang và Hà Nội đã quyết định đưa tiếp thương hiệu Le Meridien và Westin vào thị trường.

Các tập đoàn nước ngoài mới hơn như BestWestern hay Zinc Vision… cũng bắt đầu tiếp cận chủ đầu tư khách sạn trong nước. Bên cạnh đó, những công ty trong nước cũng hoạt động khá nhộn nhịp. Mới đây, tập đoàn Furama Hotels & Resorts cho biết sẽ quản lý thêm một khu nghỉ mang thương hiệu Furama tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phân khúc mà những tập đoàn này quan tâm vẫn là từ 3 đến 5 sao, đang chiếm tỷ lệ khoảng chừng 20% trong tổng số phòng của cả nước.vốn hứa hẹn sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Vụ Khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch, số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã tăng trưởng đến 4 lần trong vòng 10 năm qua. Nếu như năm 2000, cả nước có 3.200 cơ sở lưu trú với 72.000 phòng thì đến cuối 2010 đã tăng lên 12.500 cơ sở lưu trú với 230.000 phòng. Mảng lưu trú sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong những năm tới và hiện có nhiều dự án xây khách sạn mới tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

"Thị trường vẫn còn phát triển tốt và hấp dẫn cho các công ty quản lý khách sạn. Nhiều tập đoàn quản lý quốc tế tham gia thị trường sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng cho hệ thống lưu trú của du lịch Việt Nam," bà Lê Mai Khanh, Vụ phó Vụ Khách sạn nói.

Chủ đầu tư được lợi

Hàng loạt công ty quản lý nước ngoài và trong nước tham gia làm cho thị trường quản lý khách sạn nhộn nhịp hơn, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho chủ đầu tư lựa chọn thương hiệu quản lý và giá cả thích hợp thậm chí tìm thêm đối tác cùng góp vốn phát triển dự án.

Công ty quản lý trước đây chú trọng nhiều hơn đến những hợp đồng quản lý tổng thể, kế đó nhượng quyền thương hiệu thì hiện nay áp dụng thêm cách góp vốn cùng đầu tư. "Chúng tôi không chỉ quản lý mà còn có thể góp vốn cùng đầu tư vào dự án với đối tác", ông Kevin J Beauvais, CEO của Zinc| Vision nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. "Người mới" này đang kỳ vọng sẽ phát triển được 3 trong 7 thương hiệu của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Một số chủ đầu tư khách sạn cho biết nhờ nhiều công ty tham gia thị trường nên mức phí quản lý và phương pháp đàm phán với chủ đầu tư cũng mềm hơn trước.

K.L. – người phụ trách tìm công ty quản lý nước ngoài cho một khách sạn 4 sao mà công ty bà đang xây dựng ở Lào, cho biết việc đàm phán ký kết hợp đồng quản lý giờ đã dễ dàng hơn trước. Công ty đang đi vào giai đoạn cuối để ký kết hợp đồng, khác với trước, công ty quản lý chịu bỏ nhiều loại phí.

"Mức phí cơ bản là ổn. Trước đây, họ đưa mức phí rất cao nhưng nay chấp nhận giảm bớt nhưng nếu xét về thái độ nồng nhiệt thì không thể so được với những công ty trong nước. Những công ty này chào mời liên tục nhưng chúng tôi muốn có đối tác có kinh nghiệm hơn", bà L nói.

Tương tự, Tú Anh, người đã làm việc với ít nhất 4 thương hiệu khách sạn từ 3 đến 5 sao của những tập đoàn quản lý khách sạn khác nhau để tìm đốc tác cho khu nghỉ của công ty, tin tưởng rằng mức phí đàm phán cuối cùng sẽ giảm được rất nhiều. "1 thương hiệu 4 sao đề nghị mức phí quản lý cơ bản khoảng 3% trên tổng doanh thu trừ thuế nhưng tôi tin rằng có thể giảm còn 2%", bà nói.

Thông thường, những tập đoàn quốc tế thường đưa ra thời gian hợp đồng quản lý khoảng 10 năm cho thương hiệu 3 sao, 15 năm cho thương hiệu 4 sao và đưa khoảng 10 loại phí mà chủ đầu tư phải trả khi thuê quản lý. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư, cho biết hiện tại có thể thương lượng để đối tác, đặc biệt là thương hiệu 3 sao bỏ một vài loại phí như phí thương hiệu và bản quyền (License Fee). Mức phí này được một số thương hiệu 3 sao tính là 0,5%/ tổng doanh thu trừ thuế. Phí quản lý khuyến khích (Incentive Management Fee) được tính theo tỷ lệ phần trăm tăng dần trên tổng lợi nhuận cũng có thể giảm bớt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới